Huawei đang vấp những khó khăn nào sau lệnh cấm vận của Mỹ?

13:36 | 24/09/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Huawei - một trong những "nạn nhân" lớn nhất hiện tại của căng thẳng Trung - Mỹ đang phải cố gắng vượt qua nghịch cảnh, theo chia sẻ của Chủ tịch luân phiên tập đoàn.
Lệnh cấm vận tập đoàn công nghệ lớn hàng đầu Trung Quốc của Nhà Trắng chính thức có hiệu lực vào ngày 15/9/2020. Ngày 23/9, Chủ tịch luân phiên Huawei Guo Ping đã trả lời phóng viên tại Trung Quốc về tình hình của Huawei hiện tại.

Ông Guo Ping thừa nhận rằng Huawei đang phải đối mặt với tình thế khó khăn. Tập đoàn đang phải chịu áp lực rất lớn và đang cẩn thận đánh giá các tác động. Lệnh cấm của Chính phủ Trump lên Huawei đã thay đổi tới 3 lần và lần nào cũng siết chặt hơn lần trước. Cụ thể, Mỹ hiện cấm mọi doanh nghiệp toàn cầu giao dịch làm ăn với Huawei, miễn là họ có sử dụng đến thiết bị hoặc công nghệ của Mỹ. Việc này tương đương với chặn đường hầu hết mọi nhà cung ứng của Huawei. 

Khó đủ đường, theo Australian Financial Review, Huawei còn vừa cho biết sẽ cắt giảm khoản đầu tư 100 triệu USD vào nghiên cứu và phát triển ở thị trường Australia. Tập đoàn cũng sẽ sa thải 1.000 nhân viên tại Australia bắt đầu từ đầu năm 2021 vì ảnh hưởng của căng thẳng giữa chính quyền Trung Quốc và Australia.
 Huawei đang vấp những khó khăn nào sau lệnh cấm vận của Mỹ? - ảnh 1
"Sống sót là mục tiêu" - ông Guo Ping chia sẻ tại sự kiện Huawei Connect hôm 23/9 (Ảnh: Reuters)

Dù vậy, Chủ tịch luân phiên Huawei cũng cho biết tập đoàn vẫn nỗ lực để vượt qua tình cảnh. Ông Guo cho biết hiện tại Huawei vẫn còn đủ chip cho hoạt động B2B (bao gồm phục vụ việc phát triển mạng 5G). Nhưng việc dự trữ chip di động sẽ bị tổn hại. Huawei hiện còn rất ít lựa chọn khi mua chip. Ông Guo bày tỏ hy vọng chính phủ Mỹ xem xét lại chính sách và nếu chính phủ Mỹ cho phép, họ sẵn sàng mua sản phẩm từ công ty Mỹ.

Các chuyên gia dự đoán nguồn cung chip Kirin hiện tại của Huawei sẽ cạn kiệt từ năm sau. Theo tờ Reuters, ở Trung Quốc hiện nay người dùng còn đang có xu hướng đổ xô mua điện thoại Huawei vì lo rằng bộ phận di động của hãng sắp tới sẽ không còn được như trước. 

Huawei cũng sẽ tập trung phát triển, tạo ra những cơ hội cho mình ở những mảng lĩnh vực mới. Cụ thể đó là 5 lĩnh vực: kết nối, đám mây, trí tuệ nhân tạo, điện toán và các ứng dụng chuyên ngành. Tập đoàn đang đặt mục tiêu trở thành một trong 5 nhà cung cấp dịch vụ đám mây lớn nhất thế giới, ngay cả khi ở trên chính quê nhà Huawei còn chưa vượt qua được Alibaba và Tencent. 
 
Huawei đang vấp những khó khăn nào sau lệnh cấm vận của Mỹ? - ảnh 2
Nguồn dự trữ chip Kirin quan trọng của Huawei được đồn đoán là sẽ hết vào năm sau
 
Ngoài ra, còn một diễn biến đáng lưu ý khác là ngày 22/9, Mỹ đã mở một “đường sống” cho Huawei bằng cách chấp nhận cho Intel tiếp tục bán một số sản phẩm cho tập đoàn Huawei. Đây là thông tin chính thức do phát ngôn viên Intel thông báo. Nhưng cụ thể “một số sản phẩm” là gì thì vẫn chưa rõ. Theo chính ông Guo Ping, Qualcomm và SMIC cũng đang trong quá trình xin giấy phép này. Thời báo Phố Wall đưa tin Qualcomm tranh luận với Nhà Trắng rằng việc ngừng hợp tác làm ăn với Huawei sẽ khiến họ thiệt hại hàng tỷ USD doanh thu cho đối thủ.

The Reuters nhận định Washington không cho thấy nhiều dấu hiệu họ sẽ lùi bước trong cuộc chiến với Huawei. Tháng trước, Nhà Trắng đã tuyên bố mở rộng chương trình “Clean Network” - chương trình ngăn chặn các ứng dụng, công ty viễn thông Trung Quốc tiếp cận thông tin nhạy cảm của công dân và doanh nghiệp Mỹ. Cuộc đàm phán rao bán mạng xã hội TikTok cũng đang giằng co mỗi ngày với tín hiệu không quá khả quan.
 
Kim Chi