Hướng nào khả dĩ cho ví điện tử?

13:43 | 07/06/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sự khốc liệt của thị trường ví điện tử đã được dự báo từ lâu, không chỉ cạnh tranh với nhau thị trường này còn phải cạnh tranh với một "cá mập" rất lớn là các ngân hàng.

 

Nghe tin Grab đóng cửa ví Moca, là một người làm ví điện tử gần như từ khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép thử nghiệm (2008) cho tới nay, tôi cũng muốn chia sẻ một vài suy nghĩ.

Có thể nói đây là một thị trường rất khốc liệt. Sự cạnh tranh của các ví điện tử không chỉ đến từ giữa các ví điện tử với nhau mà còn đến từ một đối thủ rất lớn là các ngân hàng. Điều này thể hiện qua 5 yếu tố.

Đầu tiên là, khoảng cách của xử lý thanh toán ví so với ngân hàng thu hẹp nhanh chóng do ngân hàng đi từ lõi thanh toán lên và xây dựng các ứng dụng (app) nhanh, tốc độ phát triển user cũng rất cao.

Thứ hai, VietQR ra đời và phổ biến quá nhanh dẫn tới QR ví giảm tác dụng. Ví phải tự chuyển sang VietQR (như Momo và ZaloPay đã làm).

Thứ ba, hệ sinh thái giải pháp hỗ trợ xử lý thanh toán mà không cần giấy phép ví điện tử, gắn trực tiếp vào ngân hàng đang phát triển mạnh: ATOM, Casso, SePay, HeNo, GenZi,..

Thứ tư, quy định hiện nay thêm việc siết các bảo mật thì trải nghiệm trên ví lại càng phụ thuộc vào ngân hàng.

cuối cùng, lợi nhuận ngân hàng quá mạnh và quá nhiều so với ví lên tới hàng ngàn tỷ đồng/năm nên mức độ đầu tư từ ngân hàng cũng nhiều hơn đáng kể.  

Trước sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, các ví cũng phải tự tìm các hướng đi cho riêng mình. Mỗi bên một kiểu khác nhau, có thể kể đến như sau:

Payoo: payment AllinOne: giải pháp tất cả trong một của Payoo vẫn đang là khác biệt, tích hợp hệ sinh thái merchant, Stores, cùng hệ thống Paybill, payCode đang ngày càng bão hòa... nên chắc sẽ cần thêm những services khác để tích hợp. Payoo làm theo kiểu ít mà chất, bền vững. Bù lại thì phát triển ở mức vừa phải.

Momo: Số 1 về cơ sở người dùng, phát triển hướng superApp với rất nhiều dịch vụ, đủ ý tưởng và có những dịch vụ "đỉnh" thị trường như vé xem phim (dịch vụ mình dùng thường xuyên nhất),… Ở đây họ cần duy trì sáng tạo và thêm những dịch vụ khác biệt, tuy nhiên sẽ bị ngân hàng gặm nhấm từ từ.

ZaloPay: Đứng thứ hai về thị phần sau Momo, có các hệ sinh thái xung quanh từ Zalo, chú trọng trải nghiệm, dịch vụ tương tự Momo. Họ cần có một vài key khác biệt/độc quyền.

SmartPay: đi theo hướng SmartPOS (một dạng như Payoo) tích hợp làm white label cho ngân hàng. Điều này mới khởi động với vài ngân hàng nhưng có tiềm năng tốt.

VNPAY: Cộng sinh với các app Banks do VNPAY thực hiện.

ShopeePay: như là một tính năng cho Shopee (tương tự Moca cho Grab)

Các ví khác: hầu như ít hoặc không hoạt động, doanh số không đáng kể

Trước thị trường ngày càng cạnh tranh gay gắt, các ngân hàng liên tục đầu tư nghiên cứu và nâng cấp tính năng cho app của mình, các ví điện tử khó có cơ hội "lật ngược thế cờ" để đánh bật đối thủ khổng lồ này mà chỉ có thể tìm hướng đi khả dĩ hơn.

Theo tôi có 4 hướng đi cho các ví để tập trung vào dựa trên nhu cầu của thị trường và xu hướng phát triển trong tương lai.

Thứ nhất, tự động hóa cao hơn các nhu cầu tài chính: Vay nhanh, thấu chi, ứng tiền merchant, ứng lương ngày, .. đây là nhu cầu hiện hữu mà ít ngân hàng hoặc tổ chức tài chính đáp ứng được.

Thứ hai, tích hợp hệ sinh thái lên BanksApp như: Taxi/VNShop của VNPAY, Loyalty của UrBox hoặc Accesstrade, hướng đi này tận dụng hơn 180 triệu user online cực kỳ đông đảo của các Banks để phát triển dịch vụ.

Thứ ba, phát triển phần cứng và API với Open API của Banks: SmartPOS, mPOS,... ngân hàng đang tối ưu chi phí, giảm vận hành phần cứng nên những năng lực mới này các bên thứ ba có thể hỗ trợ ngân hàng.

Thứ tư, xử lý các hạ tầng thanh toán kiểu như VETC, EPASS cho các nhu cầu mới phát sinh: Metro,...những hạ tầng mới đòi hỏi có đơn vị tập trung chuyên biệt xử lý và tạo nên lợi thế cạnh tranh. Đơn cử như toàn bộ ô tô phải dán VETC/EPASS để chạy trên đường tạo ra một lợi thế mà khó có bên nào cạnh tranh, thay thế được.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng những hướng này thực ra các công ty công nghệ trung gian khác cũng làm được mà không cần được cấp giấy phép ví điện tử khiến sự cạnh tranh càng ngày càng mở rộng.

Ông Lù Duy Nguyên, Chuyên gia trong lĩnh vực ví điện tử /thanh toán

Ông Nguyên có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực ví điện tử/thanh toán như: Payoo, SmartPay, SenPay, TIKI (Payment products) BNPL với HC và LF và hiện tại công tác tại Trung tâm Digital Bank của một ngân hàng thương mại.