Huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội cho phát triển hạ tầng cụm công nghiệp
Trong khuôn khổ Hội nghị, đại diện Cục Công thương địa phương cũng thông tin, phổ biến về một số nội dung cơ bản trong dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 32/2024/NĐ-CP; một số nội dung Nghị định số 43/2024/NĐ-CP ngày 19/4/2024 quy định chi tiết về xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ mới được ban hành.
Đại diện Cục Công thương địa phương cho biết: Thời gian qua công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp đã từng bước có bước chuyển mạnh mẽ và đạt được những kết quả tích cực, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp; đóng góp cho ngân sách cũng như GDP... Đặc biệt đã góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước "ly nông bất ly hương" và xây dựng nông thôn mới.
Dù vậy, theo phản ánh của nhiều địa phương công tác quản lý phát triển cụm công nghiệp hiện còn gặp nhiều vướng mắc như: vướng mắc với Luật đầu tư năm 2020; Luật Đất đai 2013... Nhiều tỉnh, thành phố đang gặp khó trong việc xử lý chuyển giao các cụm công nghiệp do đơn vị nhà nước làm chủ đầu tư, đã đầu tư một phần hoặc toàn bộ từ ngân sách nhà nước sang doanh nghiệp làm chủ đầu tư do chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể.
Trước những bất cập trên, Bộ Công Thương đã chủ trì xây dựng Nghị định số 32/2024/NĐ-CP về quản lý phát triển cụm công nghiệp (Nghị định số 32) trong đó đưa ra nhiều điểm mới, tạo không gian thoáng hơn cho cụm công nghiệp phát triển.
Báo cáo tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương, cho hay: Nghị định số 32/2024/NĐ-CP (Nghị định số 32) được xây dựng trên nền tảng Nghị định số 68/2017/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp (Nghị định 68) và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 68 (Nghị định số 66). Nghị định số 32 tập trung giải quyết một số vấn đề quan trọng như tăng trường quản lý và hiệu quả quản lý cụm công nghiệp.
Nhiều điểm mới
Nghị định số 32/2024/NĐ-CP gồm 7 Chương và 38 Điều. Bên cạnh quy định chung, Nghị định quy định Phương án phát triển, thành lập, mở rộng cụm công nghiệp; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, trong đó quy định về việc xác định chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp; trình tự đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật của cụm công nghiệp; quy hoạch chi tiết xây dựng cụm công nghiệp; quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp; quản lý các dịch vụ công cộng, tiện ích; quyền của chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp; nghĩa vụ của chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.
Nghị định cũng quy định về đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp bao gồm tiếp nhận dự án đầu tư vào cụm công nghiệp; thuê đất, cấp giấy phép xây dựng trong cụm công nghiệp; quyền của tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp; nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp; quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, Nghị định cũng đưa ra các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp.
Về công tác quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp, Nghị định quy định cụ thể quyền hạn, trách nhiệm quản lý nhà nước về cụm công nghiệp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành; quyền hạn, trách nhiệm cụ thể của Bộ Công Thương và các Bộ khác liên quan (Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Công an), UBND cấp tỉnh, Sở Công Thương và UBND cấp huyện…
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2024; thay thế Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP ngày 11/6/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP; các nội dung về quy định chuyển tiếp được quy định tại Điều 35 của Nghị định.
Tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho địa phương
Ở góc độ địa phương, đại diện Sở Công Thương TP. Hà Nội khẳng định, Nghị định số 32 được ban hành đã hoàn thiện đáng kể chính sách về quản lý, phát triển cụm công nghiệp, trong đó đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thành lập mới cụm công nghiệp.
Nghị định số 32 có điểm mới rất quan trọng khi quy định mô hình chủ đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp là doanh nghiệp, hợp tác xã mà không giao trung tâm phát triển cụm công nghiệp hoặc đơn vị công lập là chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật.
“Để việc triển khai Nghị định số 32 thuận lợi, đề nghị Bộ Công Thương sớm có hướng dẫn thực hiện”, lãnh đạo Sở Công Thương TP. Hà Nội đề xuất.
Ông Võ Văn Hoà, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận cũng nhìn nhận định: Nghị định số 32 đã tích hợp khá đầy đủ các văn bản quy định liên quan tới cụm công nghiệp.
Tuy nhiên vẫn còn vấn đề địa phương cần Bộ Công Thương hướng dẫn, trong đó nổi trội là thủ tục thành lập, thủ tục chứng nhận đầu tư cụm công nghiệp và việc bàn giao tài sản do ngân sách nhà nước đầu tư cho doanh nghiệp, hợp tác xã làm chủ đầu tư hạ tầng.
Những nhiệm vụ trọng tâm
Nghị định 32 và Nghị định 43 sẽ có hiệu lực thi hành từ đầu tháng 5 và đầu tháng 6 tới đây. Để kịp thời triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của Nghị định, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các Bộ, ngành liên quan; cấp ủy, chính quyền các địa phương và các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương chú trọng thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm sau:
Thứ nhất, đề nghị các Bộ, ngành Trung ương có liên quan: Quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quản lý cụm công nghiệp và xét tặng danh hiệu nghệ nhân theo thẩm quyền được quy định tại Nghị định số 32 của Chính phủ và các quy định khác có liên quan của pháp luật. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và UBND các tỉnh/thành phố trong chỉ đạo, quản lý chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật về quản lý, phát triển cụm công nghiệp và công tác thi đua khen thưởng.
Tiếp tục tổng hợp những khó khăn, vướng mắc phát sinh và kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp về quản lý, phát triển cụm công nghiệp và xét tặng nghệ nhân để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền hoặc đề xuất với cấp có thẩm quyền chỉ đạo giải quyết trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành có liên quan.
Thứ hai, đề nghị cấp uỷ, chính quyền các địa phương: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quán triệt Nghị định số 32. Đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân về vai trò, ý nghĩa của việc phát triển cụm công nghiệp trong quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, tạo đồng thuận xã hội trong tổ chức thực hiện và xét tặng các nghệ nhân trong quá trình thực hiện.
Chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới Quy chế quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn và các chương trình, cơ chế chính sách về hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp và làng nghề ở địa phương, bảo đảm phù hợp với các quy định tại Nghị định số 32 và quy định khác có liên quan của Nhà nước để huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn lực của xã hội cho đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp.
Hoàn thành xử lý dứt điểm trước ngày 31/12/2026 theo quy định tại khoản 4 Điều 35 Nghị định này đối với việc thành lập các cụm công nghiệp có trong Phương án phát triển cụm công nghiệp thuộc Quy hoạch tỉnh, được hình thành trước Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg; báo cáo kết quả xử lý về Bộ Công Thương để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
Xử lý dứt điểm các cụm công nghiệp gây ô nhiễm môi trường
Thường xuyên rà soát tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, trong đó lưu ý cụm công nghiệp phải có hạ tầng bảo vệ môi trường theo quy định và tình hình thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp trên địa bàn để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, phát huy hiệu quả đầu tư; kiên quyết xử lý dứt điểm các cụm công nghiệp , dự án trong cụm công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, sử dụng đất không hiệu quả, không đúng mục đích, chậm tiến độ.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm các quy định của pháp luật tại các cụm công nghiệp trên địa bàn, như: pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy và quy định pháp luật khác có liên quan để chấn chỉnh công tác quản lý, đầu tư phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn theo đúng quy định của pháp luật.
Chú trọng thực hiện tốt các nhiệm vụ của Cơ quan Thường trực Hội đồng cấp tỉnh xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực nghề TCMN được quy định tại Điều 9 và Điều 14 Nghị định 43 của Chính phủ.
Thứ ba, đối với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, giao Cục Công thương địa phương là đơn vị đầu mối, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng có liên quan trong Bộ chủ động thực hiện các nhiệm vụ:
Tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện công tác quản lý nhà nước về cụm công nghiệp trên địa bàn cả nước theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 32, Nghị định số 43; đồng thời, phối hợp UBND cấp tỉnh trong chỉ đạo, quản lý, phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn địa phương và hoạt động Hội đồng xét tặng nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định. Khẩn trương xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định, hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 32.
Phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tổ chức xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu về cụm công nghiệp trong cả nước; hướng dẫn Sở Công Thương cập nhật dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu này. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, Cục Công thương địa phương phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng cơ sở dữ liệu cụm công nghiệp không chỉ sử dụng ở cấp Bộ mà còn sử dụng ở cấp địa phương.
Tiếp tục tổng hợp những khó khăn, vướng mắc về quản lý, phát triển cụm công nghiệp để đề xuất cấp có thẩm quyền trong quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật về quản lý, phát triển cụm công nghiệp và pháp luật chuyên ngành có liên quan.
Đẩy mạnh các hoạt động thông tin truyền thông về vai trò, vị trí, công tác quản lý và tình hình hoạt động tại cụm công nghiệp và xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ gắn với việc bảo về và phát huy các giá trị di sản trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ ở các địa phương trên cả nước
Phan Trang