IAEA sẽ tiếp tục giám sát chương trình hạt nhân Iran trong 3 tháng tới
IAEA vừa đạt được một thỏa thuận tạm thời cho phép tiếp tục thực hiện công tác thanh sát chương trình hạt nhân Iran trong vòng 3 tháng tới.
Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi ngày 21/2 cho biết đã đạt được một "giải pháp tạm thời" kéo dài 3 tháng với Iran để cho phép cơ quan này tiếp tục giám sát chương trình hạt nhân Iran dù mức độ tiếp cận còn hạn chế. Việc giám sát sẽ bắt đầu từ ngày 23/2.
Reuters dẫn lời ông Rafael Grossi, người đứng đầu cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc nhấn mạnh: "Những gì chúng tôi nhất trí là điều có thể thực hiện được, rất hữu ích để thu hẹp khoảng cách chúng tôi đang đối mặt và cứu vãn tình hình hiện nay”.
Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi trong cuộc gặp với ông Ali-Akbar Salehi, lãnh đạo Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran ở Tehran ngày 21/2. Ảnh: Reuters
Theo Tổng Giám đốc IAEA, cần phải chấp nhận thực tế là việc tiếp cận của các thanh sát viên IAEA sẽ bị giảm bớt, nhưng vẫn có thể duy trì mức độ giám sát và xác minh cần thiết.
Dù không cho biết thêm chi tiết về chính xác những hoạt động nào của IAEA sẽ không còn được thực hiện, song Tổng Giám đốc IAEA xác nhận số lượng thanh sát viên ở Iran là không giảm và các hoạt động thanh sát đột xuất vẫn có thể được tiếp tục theo thỏa thuận tạm thời. Tuy nhiên, thỏa thuận mới đạt được sẽ liên tục được đánh giá lại và có thể bị đình chỉ bất kỳ lúc nào.
Mặt khác, người đứng đầu IAEA nhận định dù chỉ mang tính kỹ thuật tạm thời, nhưng thỏa thuận sơ bộ này là kết quả hợp lý sau "quá trình tham vấn rất, rất tích cực" với giới chức Iran, từ đó có thể thúc đẩy các cuộc thảo luận chính trị ở các cấp độ khác diễn ra.
Tuần trước, Iran thông báo sẽ cấm IAEA thực hiện các cuộc kiểm tra báo trước trong thời gian ngắn tại những địa điểm liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này kể từ ngày 23/2.
Trước đó, hồi tháng 12/2020, Quốc hội Iran đã thông qua 1 dự luật yêu cầu ngừng một số hoạt động thanh sát hạt nhân nếu như Mỹ không dỡ bỏ trừng phạt. Dự luật sẽ có hiệu lực chính thức từ ngày 23/2.
Từ ngày 21/2, Tổng Giám đốc IAEA có chuyến thăm Iran 2 ngày diễn ra trong bối cảnh chính quyền mới tại Mỹ, các nước châu Âu và Iran đang tìm cách thúc đẩy việc cứu vãn thỏa thuận hạt nhân lịch sử hồi năm 2015, vốn đang bên bờ vực sụp đổ sau khi Washington đã rút khỏi dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Theo thỏa thuận hạt nhân quốc tế JCPOA ký với các cường quốc vào năm 2015, Iran đã đồng ý cắt giảm chương trình nguyên tử gây tranh cãi để đổi lấy việc Mỹ và các đồng minh phương Tây dỡ bỏ một số lệnh cấm vận kinh tế.
Tuy nhiên, năm 2018, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lúc đó đơn phương xé bỏ thỏa thuận và các đồng minh của Mỹ không sẵn sàng chấp nhận rủi ro để làm ăn với Tehran, Chính phủ Iran đã dần từ bỏ việc thực hiện các cam kết trong JCPOA.
Xem thêm: Mỹ sẵn sàng nối lại đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran, châu Âu và IAEA liên tục thúc giục
Hà Ly