Kết nối cảng biển phát triển công nghiệp - Bài 1: Nhiều dư địa

Anh Tuấn – Tiến Lực/TTXVN 10:00 | 20/12/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Là một trong 28 tỉnh, thành phố ven biển, Bà Rịa - Vũng Tàu có bờ biển khoảng 305 km; trong đó phần phía Tây có vịnh to, sông lớn, đủ điều kiện phát triển hệ thống cảng nước sâu. Đây là địa phương hội đủ tiềm năng để phát triển kinh tế biển với các ngành và lĩnh vực khai thác dầu khí, dịch vụ dầu khí, cảng biển, dịch vụ hàng hải, vận tải biển và hậu cần logistic, dịch vụ du lịch biển - đảo, khu công nghiệp ven biển…

Với lợi thế bậc nhất so về phát triển các ngành kinh tế biển, từ khi thành lập tỉnh (năm 1991) đến nay, Bà Rịa – Vũng Tàu luôn đặt mục tiêu tăng trưởng gắn liền với khai thác có hiệu quả các ngành kinh tế trụ cột có liên quan đến biển. Tỉnh cũng kiên trì chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc, chú trọng bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, với mục tiêu “Phát triển Bà Rịa - Vũng Tàu thành tỉnh mạnh về công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao”.

Bài 1: Nhiều dư địa

Sau hơn 30 năm thành lập, Bà Rịa – Vũng Tàu đã đạt được thành tựu lớn về phát triển kinh tế - xã hội. Trước đây, ngành công nghiệp của tỉnh chủ yếu dựa vào khai khoáng dầu khí thì hiện đang dịch chuyển sang công nghiệp chế biến chế tạo, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao và hình thành khu công nghiệp hóa dầu. Không gian phát triển công nghiệp còn rất lớn để Bà Rịa – Vũng Tàu bứt phá hơn trong tương lai.

Điểm đến lý tưởng

Với những lợi thế về vùng biển, cùng với rất nhiều “dư địa” để phát triển công nghiệp, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã và đang trở thành điểm đến lý tưởng cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI.

Theo thống kê, hiện Bà Rịa – Vũng Tàu có 15 khu công nghiệp với 544 dự án đầu tư còn hiệu lực bao gồm: đầu tư trong nước 274 dự án (vốn đầu tư 133.396 tỷ đồng và 1,018 tỷ USD), 270 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn 12,344 tỷ USD. Nhiều dự án lớn từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan… đã và đang đầu tư vào đây hoạt động rất hiệu quả. 

Theo ông Lê Xá, Phó trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp Bà Rịa – Vũng Tàu, với lợi thế và tiềm năng sẵn có, trong giai đoạn dịch bệnh, các khu công nghiệp tỉnh vẫn duy trì thu hút số lượng dự án và vốn đầu tư khá ổn định. Khi dịch bệnh được kiểm soát, nhiều nhà đầu tư mới đã tích cực tìm hiểu và nghiên cứu khảo sát, đăng ký dự án đầu tư vào các khu công nghiệp tỉnh và xúc tiến thủ tục sau cấp phép nhanh chóng.

Tháng 3/2022, Tập đoàn Fuchs mở rộng hoạt động tại Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 (PM3 SIP, Bà Rịa - Vũng Tàu). Đây là nhà sản xuất dầu nhớt độc lập lớn nhất thế giới. Hợp đồng thuê kéo dài của tập đoàn này cho thấy tiềm năng của Bà Rịa - Vũng Tàu như một điểm đến công nghiệp ngày càng phổ biến đối với các nhà đầu tư. Tỉnh có nhiều lợi thế như giá cả cạnh tranh và vị trí gần với cụm cảng Cái Mép, nơi đang xử lý 30% lượng container xuất khẩu của Việt Nam.

Ông Mai Sơn - Giám đốc Fuchs Việt Nam cho biết, việc đầu tư vào một nhà máy mới tại Việt Nam thể hiện sự tin tưởng và cam kết của doanh nghiệp đối với khách hàng. Sau khi cùng Công ty Savills Việt Nam đánh giá nhiều địa điểm, công ty chọn PM3 SIP vì có niềm tin vào tiềm năng của Bà Rịa - Vũng Tàu và cảng Cái Mép - Thị Vải. 

Cùng với các nhà đầu tư nước ngoài, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng là vùng đất được nhiều doanh nghiệp tư nhân trong nước triển khai dự án khởi nghiệp, phát triển mới, mở rộng hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh hoặc liên doanh, liên kết đầu tư với doanh nghiệp FDI, đặc biệt là  sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Các khu công nghiệp thu hút đa dạng ngành nghề, lĩnh vực như gia công cơ khí, cơ khí chế tạo; sản xuất các sản phẩm từ thép, nhựa, cao su, giấy; gia công sản phẩm điện – điện lạnh; sản xuất sợi…

Để thực hiện mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp (trừ dầu khí), thời gian qua, Bà Rịa – Vũng Tàu đã triển khai đề án, kế hoạch cơ cấu lại các ngành công nghiệp; chú trọng phát triển công nghiệp có chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường khu vực, thế giới và giúp doanh nghiệp tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, giá trị tăng thêm của giá trị sản xuất công nghiệp chủ yếu nằm trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Một số dự án đầu tư mở rộng như Đạm Phú Mỹ, sản phẩm kính nổi, kính nổi siêu trắng... tham gia thị trường, góp phần làm tăng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Ngành công thương tiếp tục đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về thị trường mới, xúc tiến thương mại, đồng thời triển khai các gói tài chính hỗ trợ, kích cầu dành cho doanh nghiệp từ ngân sách.

Hiện nay, nhiều công ty xuất khẩu lựa chọn đầu tư vào Bà Rịa – Vũng Tàu do giá đất công nghiệp của Tp. Hồ Chí Minh tăng cao và nguồn cung hạn chế. Giá cả cạnh tranh, cơ sở hạ tầng hoàn thiện và cảng biển hiện đại đã giúp các khu công nghiệp như PM3 SIP thu hút thành công nhiều khách thuê đa quốc gia trong những năm gần đây.

Theo ông Kazama - Phó tổng Giám đốc PM3 SIP, Fuchs Group là công ty châu Âu thứ hai tại PM3 SIP, điều này góp phần củng cố lòng tin của các công ty phương Tây khác. PM3 SIP không ngừng nỗ lực thực hiện tầm nhìn trở thành một khu công nghiệp chuyên sâu đẳng cấp quốc tế, cung cấp chất lượng tối ưu cho khách hàng.

Tại hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW diễn ra ngày 26/11 vừa qua, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã trao Giấy chứng nhận đầu tư, Biên bản hợp tác đầu tư cho 10 dự án với tổng mức đầu tư hơn 8,4 tỷ USD. Nổi bật là các dự án lớn như “Đầu tư mở rộng giai đoạn 2 - Tổ hợp hóa dầu miền Nam” (5,5 tỷ USD), “Sản xuất gỗ công nghiệp cho ngành xây dựng lắp ghép theo công nghệ CLT và đóng tàu giải trí” (1,3 tỷ USD)…

Phát triển theo chiều sâu

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục phát triển các khu công nghiệp lớn tại Xuyên Mộc, Đất Đỏ, Phú Mỹ. Đến năm 2030, tỉnh đầu tư mới 4 khu công nghiệp công nghệ cao, dự kiến đặt tại huyện Châu Đức với tổng diện tích 5.700 ha.

Theo Sở Công Thương Bà Rịa - Vũng Tàu, 5 năm tới tỉnh sẽ tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu và trở thành kiểu mẫu về phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường. Phát triển công nghiệp chất lượng cao và công nghiệp hỗ trợ là nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển bền vững. Tỉnh chú trọng hỗ trợ các dự án công nghiệp lớn như: Tổ hợp Hóa dầu miền Nam, Nhà máy sản xuất PP và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng của Hyosung; các dự án điện khí, dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn.

Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, hai năm qua, nhờ nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng nên Bà Rịa - Vũng Tàu thu hút được nhiều dự án. Tỉnh đã tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch theo hướng thu hút đầu tư có chọn lọc gắn với bảo vệ môi trường, sử dụng có hiệu quả quỹ đất và hình thành các cụm công nghiệp liên kết với nhau, tạo nguồn hàng cho hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải, thực hiện điều chỉnh ngành, nghề nhằm thu hút đầu tư vào tỉnh.

Cùng với định hướng thu hút đầu tư có chọn lọc, Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đang quy hoạch, triển khai các dự án hạ tầng kết nối nhằm phát huy thể mạnh về kinh tế biển, logistics của địa phương trong vùng Đông Nam bộ. Hiện tỉnh cùng các bộ ngành và địa phương lân cận thúc đẩy nhiều dự án giao thông kết nối Vùng Đông Nam Bộ.

Theo ông Trần Thượng Chí - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cơ sở hạ tầng cảng biển đã thu hút dòng vốn đầu tư, nhất là vốn FDI tăng mạnh, đưa Bà Rịa – Vũng Tàu liên tục vượt lên đứng trong nhóm đầu cả nước về thu hút đầu tư. Các khu công nghiệp, hệ thống cảng thủy nội địa, kho bãi và nhiều loại hình sản xuất công nghiệp cũng được tăng tốc đầu tư. Để tận dụng lợi thế cảng, Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ tiến hành rà soát và bổ sung, điều chỉnh những bất cập của quy hoạch; bố trí không gian phát triển các khu công nghiệp, dự án cảng, logistics, du lịch, đô thị ven biển phù hợp với tổng thể của quy hoạch vùng và điều kiện tự nhiên của từng địa phương; phát huy tối đa lợi thế và nguồn lực từ đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội. 

UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, tỉnh sẽ tập trung thu hút đầu tư các dự án công nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm đất, năng lượng, thân thiện với môi trường, không thâm dụng lao động, đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chuyên sâu, công nghiệp gắn với lợi thế cảng biển; chú trọng thu hút đầu tư theo mô hình liên kết ngành, chuỗi giá trị. 

Tỉnh cũng xác định phát triển công nghiệp theo hướng chuyển đổi cơ cấu nội bộ ngành, từ dựa vào khai khoáng sang các ngành quan trọng mới trong lĩnh vực phi khoáng sản. Tỉnh cũng thực hiện cơ cấu lại ngành công nghiệp theo từng chuyên ngành; tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu, phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với công nghệ thông minh, chú trọng công nghiệp xanh.

Ông Nguyễn Văn Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, triển khai kịp thời, đầy đủ các cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà đầu tư, thường xuyên tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc giúp các dự án triển khai hiệu quả.