Khả năng phục hồi tốt, dệt may Việt cần giảm lãi suất và hỗ trợ tài chính
Ngành dệt may đang cho thấy khả năng phục hồi tốt từ đầu dịch Covid-19 đến nay với lượng hàng xuất khẩu tăng đột biến và hiện rất cần được cần giảm lãi suất và hỗ trợ tài chính của Chính phủ.
Theo số liệu sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 3 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước tính từ đầu năm đến hết ngày 15/3 đạt 122,21 tỷ USD, tăng 24,2%, tương ứng tăng 23,8 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020.
Hàng dệt may xuất khẩu tăng đột biến 80% so với cuối tháng 2
Đáng chú ý, trong nửa đầu tháng 3, Tổng cục Hải quan ghi nhận, tổng trị giá hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam đạt 13,3 tỷ USD, tăng 30% (tương ứng tăng 3,07 tỷ USD) so với kỳ 2 tháng 2/2021.
Xuất khẩu tăng mạnh ở một số nhóm hàng chủ lực như: dệt may tăng 565 triệu USD, tương ứng tăng 79,6%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 398 triệu USD, tương ứng tăng 22,6%; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 392 triệu USD, tương ứng tăng 32,6%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 281 triệu USD, tương ứng tăng 69,7%.
Tính đến hết 15/3, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 62,01 tỷ USD, tăng 22,7% tương ứng tăng 11,47 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020.
Một số nhóm hàng tăng mạnh như: máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 3,22 tỷ USD, tương ứng tăng 81,1%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 2,44 tỷ USD, tương ứng tăng 34,9%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 1,47 tỷ USD, tương ứng tăng 14,4%... so với cùng kỳ năm 2020.
Tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 86,91 tỷ USD, tăng 30,1% (tương ứng tăng tới 20,12 tỷ USD); trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 35,3 tỷ USD, tăng 11,6% (tương ứng tăng 3,68 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020.
Trong kỳ 1 tháng 3, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 239 triệu USD. Tính chung từ đầu năm đến hết ngày 15/3, Việt Nam xuất siêu 1,81 tỷ USD.
Dù chưa kết thúc quý I, nhưng với kết quả vừa qua và đà tăng trưởng liên tiếp gần đây có thể thấy hoạt động xuất nhập khẩu đang có sự khởi đầu năm mới ấn tượng.
Mới đây, Bộ Công Thương nhận được Công hàm số 14-52 của Ủy ban Kinh tế Á Âu (EEC) thông báo mặt hàng dệt may của Việt Nam xuất khẩu vào EAEU vượt mức ngưỡng hạn ngạch thuế quan ưu đãi nhập khẩu theo quy định tại Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á Âu (VN-EAEU FTA).
Cụ thể, nhóm mặt hàng áo bó, áo chui đầu, áo cài khuy gile, cardigans (mã HS 6110) của Việt Nam xuất khẩu vào EAEU trong năm 2020 đã vượt mức ngưỡng ưu đãi nhập khẩu quy định cho năm 2020 (đạt 1.640.902 kg so với mức quy định là 1.519.373 kg).
Mặc dù vượt ngưỡng ở mức thấp, tuy nhiên, theo Điều 2.10 của VN-EAEU FTA quy định về biện pháp phòng vệ ngưỡng đối với 12 nhóm mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, mặt hàng dệt may đang có nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ ngưỡng khi nhập khẩu vào EAEU.
Tùy thuộc lượng xuất khẩu vượt ngưỡng, các mặt hàng dệt may của Việt Nam sẽ bị áp mức thuế MFN trong thời gian 6 tháng hoặc 9 tháng.
Trở lại mạnh mẽ hơn cần nhiều giải pháp
cafebiz.vn đăng tải nhận định của hai chuyên gia nghiên cứu đến từ Đại học RMIT, Phó giáo sư Rajkishore Nayak (Khoa Truyền thông và Thiết kế) và Tiến sĩ Majo George (Khoa Kinh doanh và Quản trị) về các giải pháp cần thiết giúp ngành dệt may Việt quay lại mạnh mẽ hơn.
Phó giáo sư Rajkishore Nayak (trái) và Tiến sĩ Majo George (phải).
Theo Phó giáo sư Nayak, đại dịch covid-19 đem đến những thách thức chưa từng có cho nhiều ngành, trong đó có thời trang và dệt may. Lĩnh vực này phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng tích hợp toàn cầu nên phải đối mặt với những gián đoạn khá lớn.
Lấy châu Âu làm ví dụ, trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 9/2020, sản xuất quần áo ở đây đã giảm 37,4% so với cùng kỳ năm 2019, còn doanh số bán lẻ sụt giảm đáng kể ở mức 43,5%.
Dữ liệu toàn cầu về nhập khẩu thời trang và dệt may của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) - hai thị trường chính cho hàng dệt may và thời trang xuất khẩu của Việt Nam - cho thấy hai thị trường này đã hủy tổng đơn đặt hàng trị giá 16,2 tỉ USD từ tháng 4 đến tháng 6/2020.
Nhiều nhà bán lẻ và sản xuất hàng may mặc toàn cầu đã giảm quy mô hoặc ngừng hoạt động hoàn toàn do nhu cầu giảm đáng kể.
Theo tiến sĩ George, ngành dệt may và thời trang Việt Nam đang đối phó với những thay đổi trên một cách hiệu quả: Ngành thời trang và dệt may Việt Nam cho thấy khả năng phục hồi tốt suốt từ khi Covid-19 bùng phát đến nay.
Mặc dù nhiều đơn hàng từ Mỹ, EU và các quốc gia khác bị hủy trong giai đoạn bùng phát Covid-19 năm 2020, các nhà sản xuất trong nước đã đa dạng hóa các dòng sản phẩm chuyển sang sản xuất khẩu trang từ vải không dệt, khẩu trang kháng khuẩn và quần áo bảo hộ cho nhân viên y tế, bao gồm cả thiết bị bảo vệ cá nhân công nghệ cao.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp thời trang Việt đã được chuẩn bị tốt hơn trong việc hoàn thành các đơn hàng xuất khẩu so với doanh nghiệp ở Campuchia, Myanmar, Ấn Độ và Indonesia, nơi các biện pháp kiểm soát Covid-19 không mạnh bằng.
Thách thức lớn cần giải quyết trong chuỗi cung ứng thời trang tại Việt Nam là làm thế nào để có thể thu hút được đủ đơn hàng từ các thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ và EU. Thực tế, đơn hàng quý cuối 2020 và đầu 2021 không tăng đáng kể do lệnh phong tỏa vẫn tiếp tục ở một số khu vực tại EU và Mỹ, cùng với đó là thay đổi lối sống của những người tiêu dùng làm việc tại nhà.
Giải pháp mà ophó giáo sư Nayak đưa ra lĩnh vực dệt may xuất khẩu và thời trang Việt trước nhất là sự hỗ trợ của Chính phủ như nới lỏng rào cản thương mại với các nước nhập khẩu, giảm lãi suất và hỗ trợ tài chính.
Ví dụ, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đang giúp tăng cường thương mại giữa Việt Nam và EU. Tương tự, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đang mở ra cơ hội xuất khẩu mới, chẳng hạn như với Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ, nhờ đó tiết kiệm chi phí và giúp quy trình chuỗi cung ứng linh hoạt hơn.
Hiệp định thương mại tự do với các nước khác có thể giúp ngành dệt may Việt Nam thu hút các thương hiệu toàn cầu mới.
Song song với đó, việc giảm lãi suất và hỗ trợ tài chính của Chính phủ có thể thúc đẩy doanh nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả và chất lượng sản phẩm nói chung.
Điều này cũng sẽ giúp doanh nghiệp sẵn sàng đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường do các nước nhập khẩu đặt ra hơn, cũng như chủ động hơn trong việc đầu tư vào các dòng sản phẩm đa dạng theo nhu cầu quốc tế.
Ngành thời trang và dệt may nên chuẩn bị kỹ càng để vượt qua mọi rào cản sau đại dịch. Các nhà sản xuất nên hợp tác chặt chẽ với người mua để hiểu và đáp ứng chuyển đổi nhu cầu đang diễn ra trên thị trường thông qua các nền tảng kỹ thuật số đa dạng.
Tất cả các nhà bán lẻ hoạt động tại thị trường địa phương hay toàn cầu đều sẽ tập trung vào hoạt động đa kênh, nơi thương mại điện tử và cửa hàng bán lẻ bổ trợ cho nhau. Khách hàng ở nhiều quốc gia (trong đó có Việt Nam) đã tăng cường sử dụng các nền tảng trực tuyến trong năm 2020 do quy định giãn cách xã hội và phong tỏa.
Xu hướng này tiếp diễn trong quý đầu năm 2021 và sẽ là xu hướng tương lai ngay cả khi cuộc sống trở lại bình thường. Do đó, các nhà sản xuất và bán lẻ nên sử dụng đa kênh để phân phối hàng bán lẻ (bán hàng trực tiếp cũng như trực tuyến).
Đối với các nhà bán lẻ, một trọng tâm chính khác là tìm hiểu kỹ nhu cầu thị trường và tránh thừa hàng tồn kho. Họ nên đặt mua sản phẩm ở thời điểm gần đến mùa tiêu thụ. Hoạt động thu mua nên được thực hiện với số lượng nhỏ và đặc biệt là nên lấy nguồn hàng từ các nhà cung cấp ở gần.
Tiến sĩ George cho biết: Nhu cầu ở châu Âu và Mỹ vẫn chưa tăng lên mức mong đợi do kinh doanh bán lẻ vẫn tiếp tục đóng cửa ở một số khu vực. Để giải quyết vấn đề ngắn hạn này, ngành thời trang và dệt may nên tìm thị trường mới cho các sản phẩm hiện có bên cạnh việc khai thác nhu cầu tại chỗ.
Hơn nữa, họ cũng nên đa dạng hóa sang các dòng sản phẩm mà nhu cầu tiêu dùng trên toàn cầu đang tăng cao như khẩu trang, đồ mặc ở nhà, hay quần áo cho hoạt động thể thao, giải trí.
Về dài hạn, cần tập trung vào vấn đề phát triển bền vững, công nghệ tiên tiến và tự động hóa. Các yếu tố khác cần xem xét gồm tăng cường năng lực vận hành doanh nghiệp, thu hẹp khoảng cách về cơ sở hạ tầng, nâng cao trình độ kỹ năng của lực lượng lao động và củng cố hình ảnh Việt Nam như một cường quốc xuất khẩu thời trang và dệt may.
Chúng ta có thể tham khảo bài học từ Bangladesh, quốc gia cho thấy khả năng hồi phục tốt trước tác động của Covid-19. Nhiều doanh nghiệp dệt vải ở Bangladesh đã hiện đại hóa phương pháp sản xuất để tự chủ về nguyên liệu trong nước.
Đây là một điểm yếu lớn của ngành dệt may và thời trang Việt. Cần ưu tiên nâng cấp ngành sản xuất vải với công nghệ mới nhất để Việt Nam có thể tự chủ đầu vào sản xuất.
Minh Hoa