DN dệt may: Thiếu vốn đầu tư công nghệ cao là khó khăn lớn nhất trong chuyển đổi xanh
Mặc dù là một trong những ngành công nghiệp quan trọng, đóng góp đáng kể cho nền kinh tế toàn cầu, nhưng dệt may cũng là một trong những ngành gây ô nhiễm nhất trên thế giới, vì chuỗi cung ứng sử dụng nhiều tài nguyên và hóa chất, tạo ra lượng lớn chất thải, chất độc hại gây ô nhiễm môi trường không khí, nước và đất. Do đó, xanh hóa ngành dệt may sẽ giúp giải quyết được nhiều vấn đề về môi trường mà ngành này đang gây ra.
Xanh hóa không có kịch bản riêng cho từng doanh nghiệp, mà mỗi đơn vị cần bám sát thị trường, khách hàng để có chiến lược phù hợp, bài bản, gia tăng năng lực cạnh tranh trên thương trường.
Thế nhưng việc đầu tư để chuyển đổi xanh đòi hỏi nguồn vốn lớn, nhất là trong ngành dệt may khiến doanh nghiệp gặp không ít trở ngại, nhất là vừa trải qua giai đoạn dài khó khăn vừa qua.
Chia sẻ tại một toạ đàm mới đây, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Văn phòng Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, hiện nay Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với 53 quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp mở rộng thị trường và tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, các FTA thế hệ mới cũng đặt ra thách thức khi yêu cầu về tăng trưởng xanh ngày càng khắt khe.
“Hơn 80% doanh nghiệp vừa và nhỏ thiếu vốn đầu tư chuyển đổi sản xuất xanh, nhiều quy định (chứng chỉ LEED, Thẩm định Chuỗi cung ứng, truy xuất nguồn gốc) và yêu cầu phức tạp về thiết kế sinh thái khiến nhiều doanh nghiệp còn chần chừ khi thực hiện chuyển đổi”, bà Mai nhấn mạnh.
Trao đổi với phóng viên Doanh nhân Việt Nam, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VITAS cho biết: “Sự đổi mới yêu cầu từ các thị trường có 2 mặt. Một mặt là cơ hội để các doanh nghiệp nhận thức được việc phải nâng tầm hoạt động. Ví dụ như phải đầu tư, đổi mới trang thiết bị công nghệ, áp dụng số hóa, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế toàn hoàn. Như vậy cũng là tạo hình ảnh cho doanh nghiệp và có cơ hội từ các đối thủ không làm được.
Nhưng mặt khác cũng sẽ kéo theo nhiều vấn đề, một trong những vấn đề nan giải và phức tạp nhất là chi phí.
Là doanh nghiệp thì kinh doanh phải có lãi. Chứ không thể chạy theo xanh hoá mà mình chưa đủ điều kiện thì có khi chưa đáp ứng được các yêu cầu đó thì đã giải thể. Do vậy, doanh nghiệp phải có bước đi, lộ trình phù hợp, tính toán giữa lợi ích và chi phí thì mới có thể đáp ứng được yêu cầu và phát triển bền vững”.
Đồng thời, nguồn nhân lực cũng là bài toán phải để tâm. “Lực lượng dệt may đa số sử dụng lao động ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và trình độ còn thấp. Trong khi các thị trường yêu cầu về xanh hoá, đáp ứng các tiêu chuẩn về lao động. Do đó mình phải đào tạo, trang bị kỹ năng, không chỉ là công nhân mà cả những người quản lý”, đại diện Hiệp hội nói thêm nói thêm.
“Đây là vấn đề tất yếu, anh làm sớm hay muộn thôi chứ không phải là không làm. Anh không có sự lựa chọn. Cho nên mặc dù có thể điều kiện trước mắt chưa đảm bảo nhưng anh luôn luôn phải để tâm đến và có kế hoạch để từng bước thực hiện nó. Bởi vì nếu không anh sẽ bị loại ra khỏi cuộc chơi bất kỳ lúc nào”, ông Cẩm nhấn mạnh.
Là doanh nghiệp đã kinh doanh gần 40 năm trong ngành thời trang, ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty Việt Thắng Jean đánh giá: “Phát triển xanh, chuyển đổi xanh không còn là lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc. Đối với chúng tôi, khó nhất là nguồn vốn để đầu tư công nghệ cao. Bây giờ không phải thâm hụt lao động nữa mà thâm hụt về công nghệ. Ngành thời trang là ngành chuyển đổi về công nghệ nhanh nhất và cao nhất so với tất cả các ngành khác, đã chuẩn hoá và số hoá và có thể triển khai được. Tuy nhiên, do thời gian trước kinh doanh khó khăn, không tích lũy được nhiều tiền để chuyển đổi nhanh về công nghệ. Do đó tôi mong muốn có chính sách về công nghệ hỗ trợ để hỗ trợ ngành thời trang chuyển đổi tốt trong tương lai”.
Thông tin trên EVN, TS Lê Xuân Thịnh – Giám đốc Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) chia sẻ: “Hiện nay, có nhiều nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất xanh gồm cả nguồn trong nước và ngoài nước. Các nguồn vốn trong nước gồm các nguồn vay ưu đãi của các định chế tài chính cho tín dụng xanh theo Chỉ thị 03/CT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước năm 2015 và đến nay đã có nhiều các ngân hàng tham gia hỗ trợ doanh nghiệp. Một số nguồn vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế khác như: Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng phát triển Pháp (AFD), Cục kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO),…
Trong Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 theo Quyết định số 1658/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong đó có giao Ngân hàng Nhà nước xây dựng các cơ chế huy động và hỗ trợ các doanh nghiệp vay vốn thay đổi công nghệ, sản xuất xanh. Một trong những ưu tiên của Chiến lược là xây dựng thị trường tín chỉ các bon để các doanh nghiệp có thể dễ dàng huy động các nguồn vốn thông qua cơ chế buôn bán, trao đổi tín chỉ khi đầu tư công nghệ cho giảm sử dụng năng lượng qua đó giảm phát thải khí nhà kính.
"Tuy nhiên, để có thể tham gia vào việc tiếp cận các nguồn vốn này, doanh nghiệp cần chuẩn bị hồ sơ đầy đủ cả thông tin tài chính của dự án đầu tư lẫn thông tin về công nghệ để dễ dàng đáp ứng các tiêu chí và yêu cầu của các bên cho vay vốn", ông Thịnh nói.