Khả quan bài toán thị trường xuất khẩu của Việt Nam giữa dịch COVID-19
Tăng trưởng trong COVID-19
Đại dịch COVID-19 xảy ra trên toàn cầu đã và đang ảnh hưởng nặng nề tới hầu hết các nền kinh tế trên thế giới. Tuy nhiên, bất chấp dịch COVID-19, nhiều mặt hàng nông sản ở Việt Nam vẫn xuất khẩu tỷ đô.
Báo Đầu tư đưa tin, Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố báo cáo nhận định về tình hình kinh tế Việt Nam. WB nhận định, trong tháng 7/2020, nền kinh tế tiếp tục hồi phục, với sản lượng chế tạo chế biến và doanh số bán lẻ trong nước tăng lần lượt 2,1% và 4,6% so với cùng kỳ, cùng với việc nới dần giãn cách xã hội, nhưng vẫn thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng của cùng kỳ năm 2019.
Điểm nhấn trong báo cáo này là hoạt động xuất khẩu của Việt Nam giữa ảnh hưởng của dịch COVID-19 vẫn đứng vững (tương đương tháng 7/2019), thể hiện khả năng chống chịu ở mức độ ngoài dự kiến trong bối cảnh quốc tế đình trệ, chủ yếu nhờ sự đóng góp các doanh nghiệp nội địa chứ không phải của doanh nghiệp nước ngoài.
Theo WB, xuất khẩu của Việt Nam vẫn đứng vững (tương đương tháng 7/2019), thể hiện khả năng chống chịu ở mức độ ngoài dự kiến.
Còn theo Tạp chí điện tử Tài chính, thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, trong tháng 7/2020, kim ngạch xuất khẩu (XK) nông, lâm thủy sản ước đạt 3,4 tỷ USD, tăng 4,6% so với tháng 6/2020.
Trong đó, giá trị XK nhóm nông sản chính ước đạt 1,4 tỷ USD (giảm 1,0%), lâm sản chính khoảng 1,1 tỷ USD (tăng 9,8%), thủy sản đạt 780 triệu USD (tăng 8,4%) và chăn nuôi đạt 33 triệu USD (giảm 2,7%).
Ở chiều ngược lại, trong 7 tháng, kim ngạch nhập khẩu (NK) các mặt hàng nông, lâm thủy sản ước khoảng 17,2 tỷ USD, giảm 4,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, giá trị NK các mặt hàng nông lâm thủy sản chính ước đạt 13,9 tỷ USD, giảm 6,1%.
Tính chung 7 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông, lâm thủy sản ước đạt gần 39,5 tỷ USD, trong đó xuất khẩu (XK) ước đạt 22,3 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2019; nhập khẩu (NK) ước khoảng 17,2 tỷ USD, giảm 4,6%; xuất siêu gần 5,2 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong 7 tháng, các mặt hàng gạo, rau, sắn, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ, quế, mây tre đều có giá trị xuất khẩu tăng so với cùng kỳ.
Cụ thể, xuất khẩu gạo đạt 1,9 tỷ USD (tăng 10,9%); rau đạt 414 triệu USD (tăng 9,6%); sắn đạt 107 triệu USD (tăng 101,8%), xuất khẩu tôm thu về gần 2 tỷ USD (tăng 12,1%); quế đạt 110 triệu USD (tăng 15,4%); sản phẩm gỗ đạt 4,5 tỷ USD (tăng 9,0%); mây, tre, cói thảm đạt 305 triệu USD (tăng 14,7%).
Giải bài toán thị trường xuất khẩu ở Việt Nam
Đánh giá về trị giá xuất khẩu những tháng đầu năm vẫn khả quan, giảm nhẹ dù tác động của dịch bệnh, báo Tuổi Trẻ dẫn lời của ông Nguyễn Xuân Thành, chuyên gia kinh tế, cho rằng có lý do trên là vì Việt Nam vẫn tăng được xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc. "Chúng ta xuất khẩu chủ yếu các mặt hàng chủ lực như điện tử, máy móc thiết bị sang Mỹ, còn xuất điện thoại di động sang Trung Quốc, đã bù đắp cho sự suy giảm của những thị trường khác như EU, ASEAN và những mặt hàng khác như may mặc, giày dép, thủy sản...", vị chuyên gia này nói.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những tháng cuối năm tình hình thế giới, khu vực sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường: Bất ổn liên quan dịch COVID-19, chính sách thương mại, căng thẳng địa chính trị tại một số khu vực; xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước; nhiều thị trường nhập khẩu nông sản siết chặt hơn nữa hàng rào kỹ thuật và các biện pháp tự vệ thương mại, yêu cầu mới về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cấp chứng thư xuất khẩu, đẩy mạnh chính ngạch, thanh kiểm tra chất lượng tại nước xuất khẩu.
Năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến phương án tăng trưởng toàn ngành phấn đấu đạt 2,6-3%, trong đó, nông nghiệp tăng 2,85%; thủy sản tăng 3,0%; lâm nghiệp tăng 2,57%. Phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2020 khoảng 41 tỷ USD.