Khám và điều trị tại cơ sở y tế công lập: Người bệnh không phải trả phí xét nghiệm Covid

15:00 | 11/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo Bộ Y tế, người bệnh đến khám và điều trị tại cơ sở y tế công lập không phải chi trả bất kỳ khoản kinh phí nào khi được chỉ định xét nghiệm Covid-19.

Bộ Y tế cho biết ngay sau khi Văn phòng Chính phủ có văn bản số 6665/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam xem xét, có thông tin rõ ràng, đồng thời chấn chỉnh việc thực hiện chưa đúng quy định (nếu có) của các cơ sở y tế, Bộ Y tế tiếp tục có công văn đề nghị Sở Y tế các tỉnh/thành phố, các cơ sở y tế thuộc Bộ Y tế; y tế các bộ, ngành; các cơ sở y tế tư nhân chấn chỉnh việc thực hiện thu dịch vụ xét nghiệm Covid-19.

Theo thống kê từ Bộ Y tế, đầu tháng 5 vừa qua, khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch đã quy định đối với người bệnh có thẻ BHYT khi đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế công lập nếu nghi mắc Covid-19 và được chỉ định xét nghiệm thì thực hiện theo hướng dẫn của BHXH Việt Nam tại công văn số 1126/BHXH ngày 29-4.

Ảnh minh họa

Các đối tượng còn lại và phần đồng chi trả của người có thẻ BHYT chi từ nguồn kinh phí phòng, chống dịch Covid-19 được cấp có thẩm quyền giao và theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.

"Như vậy, người bệnh không phải chi trả bất kỳ khoản kinh phí nào khi được chỉ định xét nghiệm Covid-19"- Bộ Y tế khẳng định.

Theo báo Người Lao Động cho biết Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá đối với các cơ sở y tế trên địa bàn, đặc biệt là việc tuân thủ các quy định về giá dịch vụ xét nghiệm Covid-19 của các cơ sở y tế tư nhân;

Xử lý nghiêm các vi phạm nếu có, không để tình trạng lợi dụng dịch bệnh để tăng giá dịch vụ y tế nói chung và dịch vụ xét nghiệm Covid-19 của các cơ sở y tế trên địa bàn. Trường hợp cần thiết báo cáo UBND cấp tỉnh chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.

Xét nghiệm Covid-19 là điều kiện bắt buộc trước khi vào các bệnh viện tại nhiều tỉnh, thành phố để khám chữa bệnh và chăm sóc người thân khi tình hình dịch Covid-19 căng thẳng. Tuy nhiên, do chi phí xét nghiệm cao, việc xét nghiệm phải thực hiện thường xuyên khiến người bệnh, người nhà bệnh nhân gặp không ít khó khăn về tài chính trong quá trình khám chữa bệnh.

Xử lý nghiêm nếu phát hiện hành vi tham nhũng, trục lợi

Theo thông tin từ báo Chính phủ, kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 diễn ra sáng 2/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định đến nay chúng ta cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh trên toàn quốc. Ngay tại các tâm dịch như TP.HCM cùng các tỉnh lân cận, tình hình dịch đã và đang được kiểm soát với số ca mắc, ca tử vong giảm dần.

Đây là một điểm sáng, kết quả đáng mừng trong quý III và tháng 9 sau khi 23 tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội.

Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý tuyệt đối không được lơ là, chủ quan vì tình hình vẫn còn diễn biến phức tạp; đồng thời không cực đoan, cần thực hiện lộ trình mở cửa an toàn, phục hồi và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác phòng chống dịch ở các cấp chính quyền, nhất là cấp cơ sở, tiếp tục phối hợp giữa các địa phương, không cát cứ, cục bộ. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu và linh hoạt, sáng tạo để tổ chức thực hiện hiệu quả các quy định của Trung ương. Củng cố hệ thống y tế từ Trung ương đến cơ sở và sẵn sàng tăng cường y tế lưu động để bảo đảm người dân được tiếp cận y tế sớm nhất, nhanh nhất từ cấp cơ sở. Tiếp tục thực hiện công thức “5K + vaccine + thuốc + công nghệ + ý thức người dân”.

Thủ tướng lưu ý cần hoàn thiện việc tích hợp các nền tảng công nghệ phục vụ phòng, chống dịch và bảo đảm an sinh xã hội, nhất là kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tạo thuận lợi nhất cho người dân. Tiếp tục thực hiện các trụ cột về cách ly, xét nghiệm, điều trị. Cần tích cực công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trên tất cả các mặt trong phòng, chống dịch.

Về giá xét nghiệm, kit xét nghiệm COVID-19, Thủ tướng cho biết đã chỉ đạo đơn vị liên quan vào cuộc kiểm tra làm rõ, kịp thời thông tin tới người dân. Trước đó, trong nhiều cuộc họp, Thủ tướng chỉ đạo việc mua sắm phải bảo đảm tiết kiệm, công khai, minh bạch, tránh thất thoát lãng phí.

Quan điểm của Chính phủ là nếu phát hiện hành vi tiêu cực, tham nhũng, trục lợi, các cơ quan liên quan phải vào cuộc để làm rõ thông tin, xử lý nghiêm.

Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ luôn lắng nghe và trân trọng mọi ý kiến đóng góp, phản ánh, nhưng thông tin đưa ra phải chính xác, tránh những thông tin phỏng đoán, không có kiểm chứng, thiếu căn cứ, ảnh hưởng tới niềm tin và tinh thần đoàn kết, tác động tới tâm lý các lực lực lượng phòng, chống dịch. Trong lúc này, càng cần củng cố niềm tin, sự đoàn kết, đồng lòng, vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, động viên, khích lệ các lực lượng tuyến đầu.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương hoàn thiện Chiến lược tổng thể về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Đẩy nhanh tiến độ nhập vaccine, đây là vấn đề có tính chất rất quyết định cho việc mở cửa thắng lợi nền kinh tế; làm tốt công tác ngoại giao vaccine, bằng mọi cách, mọi giá để có vaccine nhanh nhất, sớm nhất, triển khai tiêm vaccine khoa học, hiệu quả, ưu tiên vaccine cho các đối tượng, địa bàn phù hợp theo quy định.

Thủ tướng lưu ý xây dựng, áp dụng các chính sách thỏa đáng cho lực lượng tuyến đầu; huy động nguồn lực y tế ngoài công lập vào phòng, chống dịch. Làm tốt công tác động viên, khen thưởng với các tập thể, cá nhân có giải pháp sáng tạo, thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong công tác phòng, chống dịch và xử lý nghiêm các vi phạm; tăng cường thông tin truyền thông, huy động toàn dân tham gia công tác phòng chống dịch, trong đó tập trung nâng cao ý thức, thay đổi hành vi, thói quen của người dân, tạo đồng thuận xã hội.

“Việc phục hồi, mở cửa kinh tế phụ thuộc rất lớn vào phòng, chống dịch”, Thủ tướng nêu rõ.