Khó đạt được mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp trong năm 2020
(DNVN) - Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Tổng cục Thống kê ước tính mục tiêu Việt Nam có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động sẽ không đạt được trong năm nay.
Sáng 28/4, Tổng cục Thống kê tổ chức họp báo công bố Sách trắng Hợp tác xã Việt Nam 2020 và Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam năm 2020. Đây là lần đầu tiên Bộ KH&ĐT phối hợp với các đơn vị biên soạn và ban hành Sách trắng Hợp tác xã Việt Nam 2020, trong khi đó Sách trắng Doanh nghiệp là lần thứ 2 được Bộ biên soạn với việc bổ sung thêm một số thông tin so với Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam 2019.
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, năm 2019, tăng trưởng kinh tế đạt 7,02%, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát thấp nhất trong 3 năm qua. Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa vượt mốc 500 tỷ USD.
Sách Trắng về doanh nghiệp cho thấy, tính đến ngày 31/12/2019, cả nước có 758.610 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 6,1% so với cùng thời điểm năm 2018. Năm 2019, bình quân cả nước có 7,9 doanh nghiệp đang hoạt động trên 1000 dân, bình quân cả nước có 15,4 doanh nghiệp đang hoạt động trên 1000 dân trong độ tuổi lao động. Trong khi đó, cả nước có 138.139 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 5,2% so với năm 2018, trong đó 30/63 địa phương có tốc độ tăng số doanh nghiệp thành lập mới năm 2019 so với năm 2018 cao hơn tốc độ tăng bình quân chung của cả nước (5,2%). Bình quân giai đoạn 2016-2019 hằng năm cả nước có 126.593 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký là 1,35 triệu tỷ đồng, tốc độ tăng số doanh nghiệp thành lập mới là 49,3%, với số vốn đăng ký tăng 24,8%.
Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2019 là 39.421 doanh nghiệp, tăng 15,9% so với năm 2018 và đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2014-2019. Bình quân giai đoạn 2016-2019 mỗi năm cả nước có 31.642 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 71,4% so với bình quân giai đoạn 2014-2015.
Trong năm 2019, tổng số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có đăng ký trên phạm vi cả nước là 28.731 doanh nghiệp, tăng 5,9% so với năm 2018. Bình quân giai đoạn 2016-2019, mỗi năm cả nước có 24.365 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có đăng ký, tăng 78,0% so với bình quân giai đoạn 2014-20152
Cả nước có 43.711 doanh nghiệp chờ giải thể năm 2019, tăng 41,7% so với năm 2018, trong đó có 17.708 doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; có 14.496 doanh nghiệp đăng thông báo giải thể và có 11.507 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể với cơ quan thuế. Năm 2019, cả nước có 16.840 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 3,0% so với năm 2018.
Đánh giá về vấn đề này, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, có thể thấy môi trường sản xuất kinh doanh năm 2019 rất thuận lợi, rất tốt. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2014-2019.
Cũng trong khuôn khổ buổi họp báo, ông Nguyễn Bích Lâm cho biết, mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp năm nay không đạt được. Nếu duy trì được con số tăng trưởng mức kỷ lục như năm ngoái là hơn 138.000 thì tổng số doanh nghiệp mà nền kinh tế dự kiến có trong năm nay cũng chỉ ở mức 900.000 doanh nghiệp.
Lý giải cho vấn đề này, theo ông Nguyễn Bích Lâm, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc thành lập doanh nghiệp mới rất khó khăn. Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2020, số lượng doanh nghiệp mới thành lập đều giảm và chỉ đạt hơn 80% so với cùng kỳ năm trước, gồm các chỉ tiêu số lượng, quy mô, vốn đăng ký trung bình mỗi doanh nghiệp và lao động.
Cũng theo ông Lâm, chỉ tiêu về số lượng doanh nghiệp chỉ phản ánh một khía cạnh nào đó trong bức tranh phát triển nền kinh tế. Trong khi đó chỉ tiêu về quy mô, chất lượng, ngành nghề và mức độ ứng dụng khoa học công nghệ của doanh nghiệp mới thành lập có phù hợp với xu hướng và định hướng phát triển của nền kinh tế trong thời gian tới mới là điều quan trọng hơn cả.
Do đó, nhằm thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, Tổng cục Thống kê đề xuất tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó, cắt giảm điều kiện kinh doanh, chi phí, đặc biệt chi phí không chính thức cho doanh và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc thủ tục về đầu tư, đất đai... Nhiều bộ, ngành và địa phương thời gian qua đã cắt, giảm 50% điều kiện, thủ tục theo tinh thần Nghị quyết 02 của Thủ tướng hồi đầu năm.
Đối với các địa phương: Xác định lợi thế và tiềm năng của địa phương để định hướng phát triển doanh nghiệp, tạo động lực tăng trưởng bứt phá, bền vững cho địa phương; Chủ động xây dựng, lồng ghép các nhiệm vụ, giải pháp trong Kế hoạch phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân đến năm 2025, tầm nhìn 2030 vào các chương trình, kế hoạch, đề án hỗ trợ phát triển doanh nghiệp của địa phương...
Còn với doanh nghiêp: Tăng cường đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất kinh doanh, đặc biệt các công nghệ lõi có tính tiên phong; Chủ động đổi mới tư duy kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ; chuẩn hóa sản xuất kinh doanh để đáp ứng các yêu cầu, tiêu chí của các thị trường quốc tế;
Tăng cường liên kết, hợp tác kinh doanh phát triển các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, dịch vụ, tiến tới nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; Đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh gắn với mục tiêu phát triển bền vững: sản xuất sạch, xanh, tiết kiệm, sử dụng hiệu quả năng lượng, bảo vệ môi trường, hướng tới nhóm người yếu thế trong xã hội….
Đối với các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp: Phối hợp tích cực với các cơ quan quản lý nhà nước để khuyến nghị chính sách khuyến khích doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm xã hội, tăng cường tham gia thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia; Chủ động tìm kiếm nguồn lực, xây dựng và triển khai các sáng kiến thúc đẩy phát triển các mô hình kinh doanh bền vững, nhân rộng những mô hình kinh doanh giúp giải quyết các thách thức phát triển bền vững; Xây dựng các chương trình, biện pháp cụ thể, khả thi để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động, thực hiện tốt vai trò hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên, là cầu nối hiệu quả giữa doanh nghiệp và Chính phủ.