Khó khăn bao trùm, ngành gỗ khó hoàn thành mục tiêu 17 tỷ USD
Dự báo xuất khẩu cả năm 2023 đạt 13,5 tỷ USD
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 11 tháng năm 2023 đạt 12,1 tỷ USD, bằng 82,5% kim ngạch của năm 2022. Ước tính kim ngạch xuất khẩu của ngành hết 12 tháng năm 2023 sẽ đạt 13,5 tỷ USD, giảm 15,5% so với năm 2022 và rất khó để hoàn thành mục tiêu 17 tỷ USD đã đặt ra từ đầu năm.
Tại Tọa đàm “Phát triển bền vững và những thách thức đặt ra cho ngành gỗ” do Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) tổ chức mới đây, TS Tô Xuân Phúc, chuyên gia Forest Trend nhận định, năm 2023 là một năm khó khăn của ngành gỗ Việt Nam. Nhu cầu sử dụng hàng hóa, đặc biệt là về hàng hóa không thiết yếu như đồ gỗ, giảm mạnh. Một số nhà nhập khẩu đồ gỗ lớn trên thế giới đã phá sản. Nhiều doanh nghiệp trong ngành của Việt Nam phải thu hẹp quy mô sản xuất, một số đơn vị thậm chí phải đóng cửa.
Trong mặt hàng gỗ, xuất khẩu viên nén gỗ có mức sụt giảm khá lớn. Vốn được sử dụng nguyên liệu đầu vào là những phụ phẩm tưởng như bỏ đi, nhưng mỗi năm xuất khẩu viên nén gỗ đóng góp hàng trăm triệu USD trong kim ngạch xuất khẩu gỗ và con số này kỳ vọng đạt 1 tỷ USD trong năm 2023. Thế nhưng, kim ngạch xuất khẩu viên nén gỗ trong năm nay dự kiến giảm 15 - 17% so với năm 2022.
Theo ông Phúc, lượng viên nén của Việt Nam xuất sang Hàn Quốc giảm không phải là giảm cầu tại thị trường này mà do các doanh nghiệp Hàn Quốc nhập khẩu viên nén từ các nguồn cung khác.
Có dấu hiệu phục hồi nhưng khó khăn sẽ còn
Nhu cầu đối với mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ của Mỹ luôn ở mức cao, với trị giá nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới, Mỹ luôn là thị trường tiềm năng đối với các nước xuất khẩu, trong đó có Việt Nam. Theo số liệu từ Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại - Bộ Công thương (VITIC), đồ nội thất bằng gỗ là nhóm hàng quyết định tốc độ tăng trưởng chính của ngành gỗ sang Mỹ, bởi kim ngạch xuất khẩu chiếm tới 86,2%.
Dù có giảm mạnh trong những tháng đầu năm 2023, nhưng thời gian gần đây, hàng tồn kho đã giảm mạnh và đây là tín hiệu rõ ràng nhất cho thấy tiêu dùng cùng những thị trường có xu hướng hồi phục. Các nhà mua hàng ở Mỹ vẫn xác định Việt Nam là nguồn cung quan trọng, trong bối cảnh Mỹ muốn đa dạng chuỗi cung và giảm phụ thuộc vào nguồn cung ứng từ Trung Quốc.
Nhận định chung về bức tranh xuất khẩu của ngành gỗ trong năm 2023 cũng như dự đoán thị trường sắp tới, ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Viforest cho rằng, không chỉ là thị trường, ngành gỗ đang đứng trước rất nhiều thách thức, đặc biệt là các vấn đề về tranh chấp thương mại, trong đó nổi cộm là kinh doanh gỗ bất hợp pháp; vấn đề bảo đảm môi trường; vấn đề khai gỗ ở những vùng rừng không có chứng nhận an toàn cao…
Để cụ thể hóa doanh số xuất khẩu, ngành gỗ đang tập trung vào nhiều vấn đề trọng tâm trong đó đẩy mạnh thị trường, coi đây là “một trong hai chân trụ” của doanh nghiệp (hạ tầng sản xuất, thị trường) theo hướng phát triển bền vững. Nếu không xây dựng tốt thị trường sẽ ảnh hưởng rất lớn đến doanh số xuất khẩu gỗ trong năm năm 2024.
Cụ thể, các thị trường xuất khẩu lớn ngày càng có các quy định chặt chẽ hơn về tính hợp pháp và bền vững của sản phẩm. Cụ thể, Quy định chống phá rừng của EU (EUDR) có hiệu lực từ cuối tháng 6/2023 quy định các sản phẩm nhập khẩu vào thị trường này phải bảo đảm tính hợp pháp và không gây mất rừng.
Bên cạnh đó là yêu cầu về mức phát thải carbon thấp trong các hoạt động của toàn chuỗi cung ứng, sẽ khiến sản phẩm có hàm lượng cacbon cao trở nên mất tính cạnh tranh trên thị trường.
Một khó khăn nữa xuất phát từ thực tế là mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 1,5 - 2 triệu m3 gỗ tròn và gỗ xẻ có nguồn gốc từ các quốc gia nhiệt đới, là gỗ rủi ro về pháp lý, chiếm 30 - 40% tổng lượng gỗ nguyên liệu nhập khẩu của cả ngành. Điều này không chỉ tác động tiêu cực tới hình ảnh của toàn ngành gỗ Việt mà còn làm mất đi cơ hội trong việc sử dụng gỗ nhập khẩu rủi ro thấp và đặc biệt là nguồn gỗ rừng trồng trong nước…
Chủ tịch VIFOREST Đỗ Xuân Lập nhận định, năm 2024 ngành gỗ vẫn nằm trong thế có nhiều bất ổn, do đó, về tổng thể, dự báo, ngành gỗ có tăng trưởng chậm nhưng không nhiều, khoảng 10 - 12% so với những quý cuối năm 2023.
“Giải pháp trọng tâm nhất trong năm 2024 đó là tạo ra hình ảnh ngành gỗ Việt Nam phát triển bền vững, dựa trên yếu tố cơ bản là sử dụng gỗ có chứng chỉ và sản phẩm giảm phát thải…” - ông Lập nhấn mạnh.
Mới đây, Bộ Thương Mại Mỹ (DOC) đã ban hành dự thảo sửa đổi các quy định nhằm tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại trong Luật Chống bán phá giá và Chống trợ cấp (Đạo luật Thuế quan 1930 của Mỹ) để lấy ý kiến các bên liên quan.
Trong dự thảo này, DOC đã đề xuất sử đổi nhiều thủ tục, quy trình hiện hành; luật hóa nhiều thực tiễn điều tra và củng cố một số phương pháp phân tích, tính toán giá và chi phí.
Để cạnh tranh hiệu quả, VITIC cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành sản xuất đồng thời đảm bảo quản lý và chăm sóc khách hàng một cách hiệu quả.