Lợi nhuận ngành gỗ chậm lại trong quý III, tận dụng từng cơ hội để phục hồi

Trang Mai 14:39 | 24/11/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thị trường thế giới biến động liên tục và ngày càng khó đoán là thách thức lớn cho ngành gỗ 9 tháng đầu năm 2023. Tuy nhiên, cuối năm khi các doanh nghiệp đã dần thích ứng, tận dụng tối đa các cơ hội để phục hồi.

Theo số liệu báo cáo của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, trong tháng 10, xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 1,28 tỷ USD, giảm 0,2% so với tháng 10/2022.

Ảnh: Mai Trang tổng hợp.

Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 10 tháng năm 2023 chỉ đạt 10,8 tỷ USD, giảm 19,9% so với cùng kỳ năm 2022. Nhưng tính đến hết tháng 10, đây là nhóm hàng duy nhất của ngành nông nghiệp có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD. Dự tính, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cả năm 2023 sẽ đạt hơn 14 tỷ USD, thấp hơn gần 3 tỷ USD so với mục tiêu đề ra từ đầu năm.

Xét từ đầu năm đến nay, gỗ là ngành nghề bị ảnh hưởng tới đối lớn khi hoạt động xuất nhập khẩu chậm lại. Điều này thể hiện khá rõ trong kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý III. 

Lợi nhuận sụt giảm dưới áp lực tài chính và doanh thu 'không như ý'

 Kết quả kinh doanh các doanh nghiệp ngành gỗ trong quý III và cùng kỳ 2022 (Tỷ đồng). Ảnh: Mai Trang tổng hợp.

Theo thống kê của phóng viên, trong 13 doanh nghiệp ngành gỗ (trên HOSE, HNX, UPCoM) công bố kết quả kinh doanh quý III, có tới 8 doanh nghiệp giảm lãi, 4 doanh nghiệp chuyển từ lãi sang lỗ và duy nhất 1 doanh nghiệp tăng lãi. Tổng doanh thu và lãi ròng của doanh nghiệp ngành gỗ quý III đạt gần 4.067 tỷ đồng và hơn 266 tỷ đồng, giảm lần lượt 19% và 47% so với cùng kỳ.

Những doanh nghiệp lớn như Gỗ An Cường, Phú Tài, Trường Thành đều sụt giảm cả doanh thu và lợi nhuận. Quý III cũng đánh dấu quý thứ hai lỗ liên tiếp của gỗ Trường Thành với hơn 6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 2 tỷ đồng. Đây cũng là nguyên nhân khiến cổ phiếu TTF tiếp tục bị cảnh báo do lỗ lũy kế tăng lên gần 3.129 tỷ đồng tại ngày 30/09/2023.

Kết quả thua lỗ do TTF chấp nhận tăng tỷ trọng số lượng đơn hàng có biên lợi nhuận thấp trong quý III để tiếp tục tăng trưởng doanh thu. Thực tế, dù doanh thu tăng 8%, song giá vốn lại tăng mạnh hơn khiến biên lãi gộp co hẹp từ mức 21% cùng kỳ còn 16%.

Hay tại Phú Tài, sự kiện hãng nội thất hơn 30 năm tuổi Noble House (Mỹ) (khách hàng của Phú Tài) đã nộp đơn xin phá sản khiến giới đầu tư lo ngại các tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh của PTB.

Phản hồi thông tin trên, PTB cho biết Noble House chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ (dưới 5%) trong tổng doanh thu xuất khẩu tại thị trường Mỹ. Sự kiện Noble House không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty. “Tình hình xuất khẩu đồ gỗ vào thị trường Mỹ của công ty đang phục hồi với tốc độ nhanh. Đơn hàng của các khách hàng Phú Tài xuất khẩu sang thị trường này vẫn duy trì ổn định và có xu hướng gia tăng trong thời gian tới”, Phú Tài thông tin trong thư gửi cổ đông. 

Giữa lúc đối tác xin phá sản, PTB bất ngờ chuyển hướng kinh doanh khi quyết định thành lập công ty con - Công ty TNHH MTV Phú Tài Home vốn 50 tỷ đồng, do Phú Tài sở hữu 100% vốn. Đơn vị này sẽ hoạt động chính trong lĩnh vực hoàn thiện công trình xây dựng.

Tương tự, Gỗ Đức Thành dù cũng tăng nhẹ doanh thu 8% nhưng dưới áp lực tài chính, doanh nghiệp báo lãi giảm 20%.

Tại doanh nghiệp dẫn đầu về sản xuất đồ chơi trẻ em, đồ trang trí bằng gỗ - Sản xuất và Thương mại Nam Hoa chứng kiến doanh thu lao dốc từ 234 tỷ đồng cùng kỳ còn 46 tỷ đồng, tương ứng giảm 80%, chủ yếu do sức mua ở các thị trường xuất khẩu chính sụt giảm. Doanh thu quá thấp dưới mức hòa vốn, NHT gánh lỗ ròng hơn 5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 16 tỷ đồng.

Hay như Xuân Hòa Việt Nam phải chịu lỗ hơn 500 triệu đồng, kém xa so với con số lãi 30 tỷ đồng của quý III/2022. Công ty cho biết, do phát triển thêm nhiều sản phẩm mới, tăng chi phí cho hoạt động sản xuất dẫn đến kết quả thua lỗ.

Đi ngược với gam màu tối của ngành gỗ, chỉ riêng Tổng Công ty Pisico Bình Định lãi gần 3 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ, nhờ tiết giảm chi phí. Tuy nhiên, thực tế tại PIS là doanh thu tăng nhưng lãi gộp giảm, biên lãi gộp thu hẹp.

Dù chỉ còn 1 quý nữa là kết thúc năm, thế nhưng các doanh nghiệp ngành gỗ đang cách khá xa kế hoạch lợi nhuận đặt ra cho năm 2023. Xét theo % thực hiện, Pisico đang tiến gần đích nhất với 89% mục tiêu lợi nhuận. Xuân Hoà, Công ty Lâm nghiệp và Phú Tài cùng thực hiện được trên 60%. Còn Gỗ An Cường, Savimex, BKG… chưa thực hiện được một nửa kế hoạch lợi nhuận năm nay. 

Nắm bắt cơ hội mở rộng thị trường

Có thể nhận thấy rằng, Mỹ đang là thị trường quan trọng nhất với ngành gỗ và các sản phẩm gỗ Việt Nam khi kim ngạch xuất khẩu sang quốc gia này luôn chiếm trên 75% tổng giá trị xuất khẩu. Không chỉ là sản lượng, các sản phẩm xuất sang thị trường này cũng là những đồ có giá trị lớn như nội thất, tủ bếp,... Do đó, khi bất động sản tại Mỹ đóng băng đã ngay lập tức khiến ngành gỗ Việt Nam rơi vào tình cảnh khó khăn. 

Trao đổi với phóng viên hồi đầu năm, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam nhận định, các doanh nghiệp ngành gỗ "bỏ trứng vào một giỏ" khi tập trung vào thị trường Mỹ. Do đó phải chịu những rủi ro khi thị trường này chững lại là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, để có thể xuất khẩu sang các thị trường khác cũng không phải câu chuyện dễ dàng. 

Chia sẻ tại tọa đàm Giải pháp tăng trưởng kinh tế cuối năm 2023 - đầu năm 2024 do Báo Người lao động tổ chức sáng 3/11, ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (Hawa) cho biết, ngành gỗ đã trải qua thời gian tăng trưởng liên tục trong 10-15 năm với mức tăng trưởng mỗi năm đạt 10-15%. Tuy nhiên, sau thời gian tăng trưởng này, các doanh nghiệp gỗ Việt Nam bắt đầu đi vào vùng an toàn khi làm xuất khẩu nhưng sản xuất ở nội địa, chờ nhà mua hàng quốc tế đến. Khi đơn hàng hiếm, các doanh nghiệp Việt Nam mới đi xúc tiến song không có mặt hàng mới. Nhưng thế hệ tiếp theo trong ngành gỗ chưa có điểm sáng mới, chưa nhiều, chưa có phong trào lớn. 

Ông Phương kỳ vọng sau khi Mỹ sẽ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sau khi hai nước nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, điều này có thể giảm tần suất các vụ điều tra phòng vệ thương mại. Còn về phía doanh nghiệp, ông cho rằng doanh nghiệp cần tiếp tục lưu ý đến các yếu tố xuất xứ nguyên liệu, tiêu chuẩn kỹ thuật mà thị trường đặt ra.

Bên cạnh Mỹ, châu Âu cũng là thị trường tiềm năng của ngành gỗ Việt Nam. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu lâm sản sang các khu vực này còn chiếm tỷ trọng thấp. Cục Xuất nhập khẩu cho biết nhu cầu tiêu thụ lâm sản, đặc biệt là nhóm hàng đồ nội thất bằng gỗ tại EU đạt trên 23 tỷ USD/năm, tuy nhiên giá trị xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt khoảng trung bình 600 triệu USD/năm, chiếm chưa tới 3%. Do đó, các doanh nghiệp vẫn còn nhiều cơ hội để đẩy mạnh sang các khu vực này.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng EU đã thông qua quy định chống phá rừng (EUDR), cấm nhập khẩu những mặt hàng nông lâm sản sản xuất trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng sau ngày 31/12/2020. Do vậy, các doanh nghiệp cũng cần lưu ý và có sự chuẩn bị để đáp ứng những yêu cầu ngày càng khắt khe từ các thị trường chính. 

Dẫn thông tin từ VnEconomy, TS Tô Xuân Phúc, Giám đốc Tổ chức Forest Trends tại Việt Nam cho biết năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu sang EU gần 700 triệu USD gỗ và các sản phẩm gỗ. Các mặt hàng gỗ Việt Nam xuất khẩu sang EU chủ yếu có nguồn gốc từ gỗ rừng trồng trong nước và gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ các nguồn rủi ro thấp, có chứng chỉ bền vững như từ chính EU và Mỹ. 

Có thể thấy rõ, các doanh nghiệp ngành gỗ đã dần thích ứng, chuyển dịch để nắm bắt những cơ hội mới qua đó kỳ vọng cải thiện được kết quả kinh doanh trong những quý tới đây.

 

"Nếu các doanh nghiệp ngành gỗ không thực hiện tuân thủ EUDR sẽ phải nộp phạt (tối đa 4% tổng doanh thu của doanh nghiệp trong năm trước đó tại EU), bị tịch thu tiền và hàng hóa trong giao dịch vi phạm, cấm tham gia trong thời hạn 12 tháng vào các gói thầu mua sắm công hoặc các hoạt động sử dụng ngân sách công. Thậm chí, là cấm tạm thời không cho phép doanh nghiệp đưa sản phẩm đó vào thị trường EU nếu vi phạm nặng".

TS. Tô Xuân Phúc, Giám đốc Forest Trends Việt Nam.