Khó khăn và hy vọng của 'gã khổng lồ' thương mại điện tử Mỹ

Minh Trang/ TTXVN 07:55 | 25/06/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sau khi trải qua nhiều thách thức trong năm 2022, tập đoàn thương mại điện tử Amazon lại bước vào năm 2023 với nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh và cả những rắc rối pháp lý.

Ảnh minh họa: Reuters.

Sau khi trải qua nhiều thách thức trong năm 2022, tập đoàn thương mại điện tử Amazon lại bước vào năm 2023 với nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh và cả những rắc rối pháp lý.

Tuy vậy, nhờ doanh thu từ các dịch vụ điện toán đám mây và quảng cáo đã vượt qua kỳ vọng về thu nhập trong quý I/2023, Amazon có thể tự tin hơn để tiếp tục triển khai các kế hoạch đầu tư, kinh doanh dài hơi nhằm hướng tới một tương lai phát triển bền vững trong kỷ nguyên số.

Khó khăn liên tiếp

Ngày 21/6 vừa qua, Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ (FTC) đã cáo buộc trang mua bán trực tuyến Amazon.com lừa dối hàng triệu người dùng đăng ký dịch vụ Amazon Prime mà không có sự đồng ý của họ cũng như gây khó khăn cho việc hủy dịch vụ này.

FTC đã kiện Amazon lên tòa án liên bang ở Seattle với cáo buộc Amazon đã cố ý lừa dối hàng triệu người dùng vô tình đăng ký dịch vụ Amazon Prime. Theo FTC, Amazon đã sử dụng các thiết kế giao diện người dùng mang tính thao túng, ép buộc hoặc lừa đảo để lừa dối người dùng đăng ký tự động gia hạn các gói dịch vụ Prime.

FTC cho biết Amazon Prime là dịch vụ đăng ký lớn nhất thế giới, tạo ra doanh thu 25 tỷ USD mỗi năm. Amazon Prime cung cấp dịch vụ vận chuyển nhanh chóng, miễn phí cho hàng triệu mặt hàng, các khoản chiết khấu và khả năng tiếp cận kho phim, âm nhạc và phim truyền hình cũng như nhiều lợi ích khác. Các thành viên sử dụng dịch vụ ở Mỹ trả 139 USD mỗi năm và thúc đẩy phần lớn doanh số bán hàng của Amazon. Prime hiện có hơn 200 triệu thành viên trên toàn thế giới.

Theo FTC, dưới áp lực từ vụ kiện của cơ quan này, Amazon đã thay đổi quy trình hủy dịch vụ Prime vào tháng 4/2022, song các vi phạm vẫn đang tiếp diễn và quy trình để hủy dịch vụ Prime vẫn còn phức tạp. FTC đang tìm kiếm các hình phạt dân sự và lệnh cấm vĩnh viễn để ngăn chặn các vi phạm của Amazon trong tương lai.

FTC đã điều tra các quy trình đăng ký và hủy chương trình Prime của Amazon kể từ tháng 3/2021. Theo đơn khiếu nại, người dùng đã phải đối mặt với nhiều bước như mê cung để hoàn thành việc hủy đăng ký dịch vụ Prime. FTC cũng cáo buộc Amazon phạm phải "hành vi sai trái có chủ ý" nhằm trì hoãn cuộc điều tra của cơ quan này bằng cách đưa ra các phản hồi "không có thiện ý" đối với các yêu cầu cung cấp tài liệu.

Trước đó, Amazon ngày 18/4 đã bắt đầu sa thải một số nhân viên trong mảng quảng cáo. Đây là một phần trong nỗ lực kiềm chế chi phí của Giám đốc điều hành (CEO) Andy Jassy.

Paul Kotas, Phó chủ tịch quảng cáo cấp cao của Amazon, đã gửi một bức thư cho nhân viên thông báo về việc sa thải, trong đó ghi rõ trong suốt quá trình lập kế hoạch cho năm 2023, Amazon đã ưu tiên các nguồn lực một cách cẩn thận nhằm tối đa hóa lợi ích cho khách hàng và sức khỏe lâu dài của doanh nghiệp.

Đối với mảng quảng cáo, quá trình này liên quan đến việc phân bổ lại nguồn lực bằng cách thay đổi thành viên trong nhóm, làm chậm hoặc dừng một số chương trình nhất định. Do đó, Amazon đã đưa ra các quyết định được cân nhắc kỹ lưỡng về việc cắt giảm một số nhân viên trong mảng này.

Tuy vậy, vẫn chưa rõ số lượng cắt giảm trong mảng này là bao nhiêu. Trong tháng 3/2023, ông Jassy đã thông báo rằng Amazon sẽ sa thải 9.000 nhân viên, ngoài 18.000 việc làm cắt giảm đã được công bố vào tháng 11 và tháng 1/2022. Việc cắt giảm trước đó chủ yếu tập trung vào các nhóm bán lẻ, thiết bị, tuyển dụng và nguồn nhân lực.

Trong tháng 3/2023, ông Jassy cho hay đợt cắt giảm mới nhất sẽ ảnh hưởng đến nhân viên trong các bộ phận quảng cáo, điện toán đám mây, phát trực tiếp Twitch và nhân sự của Amazon. Đầu tháng này, khoảng 100 nhân viên trong mảng kinh doanh trò chơi điện tử của Amazon cũng đã bị sa thải.

Amazon đang trải qua đợt sa thải nhân công lớn nhất trong lịch sử 29 năm sau đợt tuyển dụng rầm rộ trong đại dịch COVID-19. Lực lượng lao động toàn cầu của Amazon đã tăng lên hơn 1,6 triệu người vào cuối năm 2021, tăng so với mức 798.000 người trong quý IV/2019.

Hy vọng nhen nhóm

Amazon cho biết doanh thu từ các dịch vụ điện toán đám mây và quảng cáo đã vượt qua kỳ vọng về thu nhập trong quý I/2023, mặc dù người tiêu dùng và doanh nghiệp vẫn còn cẩn trọng trong việc chi tiêu.

Trong báo cáo kinh doanh công bố cuối tháng 4/2023, Amazon đã báo cáo lợi nhuận trong quý I/2023 đạt 3,2 tỷ USD trên tổng doanh thu 127,4 tỷ USD, tăng 9% so với quý trước. Lợi nhuận ròng cao hơn khoảng 1 tỷ USD so với dự báo của các nhà phân tích.

Ngay sau khi công bố số liệu thu thập được, cổ phiếu của Amazon đã tăng hơn 10%. Nhà phân tích chính của công ty Insider Intelligence, ông Andrew Lipsman cho biết đây là lần đầu tiên sau nhiều quý việc kinh doanh của Amazon có hy vọng tăng trưởng.

Ông Jassy khẳng định trong bối cảnh nền kinh tế không ổn định, hãng vẫn đang tiếp tục cải thiện dịch vụ để phục vụ khách hàng, bao gồm điều chỉnh chi phí, cũng như tăng tốc độ đưa sản phẩm đến tay người dùng.

Từ đầu năm 2023, Amazon đã thực hiện hai đợt cắt giảm lao động tổng cộng khoảng 27.000 nhân viên. Con số này chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng lực lượng lao động của công ty (khoảng 1,5 triệu người tính tới năm 2022). CEO Jassy cho rằng việc cắt giảm lao động là cần thiết khi công ty đang tìm cách thu hẹp quy mô, đặc biệt là sau giai đoạn tuyển dụng mạnh mẽ trong thời kỳ đại dịch COVID-19.

Amazon cũng cho biết hệ thống gói hàng bằng người máy (robot) mang tên “Robin” – mới được ứng dụng tại Bắc Mỹ và châu Âu – đã xử lý hơn 1 tỷ gói hàng trong quý này.

Đơn vị điện toán đám mây của Amazon (AWS) cũng ghi nhận doanh thu tăng 16% và đạt 21,4 tỷ USD. Tuy nhiên, chi phí đã ảnh hưởng tới loại nhuận hoạt động, giảm từ 6,5 tỷ USD trong cùng kỳ năm 2022 xuống còn 5,1 tỷ USD trong quý đầu năm nay. Ông Jassy cho biết mảng dịch vụ điện toán đám mây của hãng đang đặt ưu tiên hàng đầu cho các mối quan hệ khách hàng lâu dài, giúp điều hướng các công ty chi tiêu thận trọng hơn trong môi trường vĩ mô.

Trước đó, AWS hồi tháng 3/2023 đã ra thông báo về kế hoạch mở một cơ sở hạ tầng điện toán đám mây tại Malaysia trị giá 6 tỷ USD. Theo Cơ quan Phát triển Đầu tư Malaysia (MIDA), AWS có kế hoạch đầu tư khoảng 6 tỷ USD vào năm 2037 để thiết lập một AWS khu vực. Quyết định này của AWS là minh chứng cho sự tin tưởng của AWS đối với nền kinh tế kỹ thuật số đầy hứa hẹn cũng như khả năng thúc đẩy tăng trưởng lâu dài của Malaysia.

Thông báo cho hay khoản đầu tư nêu trên sẽ thúc đẩy quá trình số hóa toàn quốc, thúc đẩy tinh thần sáng tạo, nuôi dưỡng lực lượng lao động kỹ thuật số đẳng cấp thế giới nhằm hướng đến tham vọng của Malaysia là trở thành quốc gia hàng đầu về công nghệ điện toán đám mây

Mới đây, ông Jassy cho biết Amazon sẽ đầu tư thêm 15 tỷ USD vào Ấn Độ tại cuộc gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang ở thăm Mỹ. Theo ông Jassy, khoản đầu tư trên sẽ nâng tổng đầu tư của Amazon tại Ấn Độ lên 26 tỷ USD vào năm 2030.

Tại cuộc gặp, Thủ tướng Modi và ông Jassy đã trao đổi về việc hỗ trợ các công ty khởi nghiệp Ấn Độ, tạo việc làm, tạo điều kiện cho xuất khẩu, số hóa và tạo điều kiện cho các cá nhân và doanh nghiệp nhỏ cạnh tranh toàn cầu.