Khó khăn vì đại dịch, hàng loạt hãng xe nhập khẩu đề xuất giảm 50% phí trước bạ

Hà Lan 12:00 | 27/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đại diện 11 doanh nghiệp kinh doanh ô tô nhập khẩu chính hãng tại Việt Nam vừa có văn bản kiến nghị Chính phủ xem xét giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô nhập khẩu (CBU) tương tự như ưu đãi cho xe lắp ráp trong nước (CKD) trong thời gian tới.

11 hãng xe kiến nghị được giảm 50% lệ phí trước bạ

Sau khi Chính phủ có cuộc họp về chính sách hỗ trợ lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất trong nước (CKD) vào ngày 8/10, mới đây, đại diện các nhà nhập khẩu ô tô được ủy quyền chính hãng tại Việt Nam (VIVA) đã gửi văn bản tới Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Quốc hội xung quanh vấn đề ưu đãi lệ phí trước bạ đối với ô tô.

Theo đó, kiến nghị được đưa ra bởi 11 nhà nhập khẩu xe bao gồm: Audi, Aston Martin, Bentley, Ferrari, Maserati, Jaguar & Land Rover, Jeep, Subaru, Porsche, Volkswagen và Volvo. Đại diện các đơn vị này kiến nghị, chính sách hỗ trợ lệ phí trước bạ đối với ô tô cần được áp dụng chung cho cả xe lắp ráp trong nước (CKD) và xe nhập khẩu (CBU) để đảm bảo tính công bằng.

Đến nay, vẫn chưa có quyết định chính thức về việc giảm lệ phí trước bạ cho ôtô CKD, tất cả chỉ dừng lại ở mức đề xuất.

Các nhà kinh doanh ô tô nhập khẩu chính hãng vừa có văn bản bày tỏ “Ý kiến góp ý về quy định hỗ trợ giảm thuế trước bạ đối với các xe sản xuất, lắp ráp trong nước”, gửi Chính phủ.

Tuy nhiên, trong văn bản của VIVA có nêu: "Chúng tôi được biết rằng Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục giảm 50% lệ phí trước bạ lần thứ hai đối với riêng ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước, nhằm hỗ trợ các công ty ôtô trong đại dịch Covid-19. Chỉ giảm 50% thuế trước bạ đối với các xe lắp ráp trong nước đã cho thấy hiệu quả, nhưng cũng là sự phân biệt đối xử ưu tiên xét trên toàn quốc".

Theo các doanh nghiệp này, năm 2021 nhiều tỉnh, phành phố trong cả nước thực hiện việc giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 buộc tất cả các nhà nhập khẩu và nhà phân phối ô tô nguyên chiếc phải tạm ngừng kinh doanh. Sự phân biệt đối xử ưu tiên chỉ riêng với xe sản xuất lắp ráp trong nước là thiếu công bằng đối với các nhà nhập khẩu cũng như nhà phân phối xe nguyên chiếc. Đây cũng là những đơn vị đang phải gánh nhiều tổn thất từ các văn phòng đăng ký, đăng kiểm xe hiện đang ngưng hoạt động, trong khi các doanh nghiệp này vẫn phải tiếp tục chi trả chi phí cho việc thuê cơ sở thương mại, thuế, lưu kho và nguồn nhân lực.

Năm 2020, những nhà nhập khẩu ô tô nguyên chiếc đã chịu ảnh hưởng lớn khi chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ chỉ áp dụng đối với xe sản xuất lắp ráp trong nước và mang tính phân biệt đối xử đối với xe nhập khẩu. Từ đầu năm 2021 đến nay, lượng xe nguyên chiếc nhập về Việt Nam của 11 doanh doanh nghiệp này chỉ chiếm khoảng 8% tổng lượng xe nhập về Việt Nam. Các nhà nhập khẩu và các đại lý xe nhập khẩu nguyên chiếc đang sử dụng khoảng 3.000 lao động mà gia đình các nhân viên này cũng đều phụ thuộc vào hoạt động kinh doanh đó. Mặc dù doanh số bán ra nhỏ hơn, nhưng những nhà nhập khẩu xe nguyên chiếc lại đóng góp một khoản thuế cao hơn nhiều trên mỗi chiếc xe vào Ngân sách Nhà nước.

Trong khi đó, các hạn chế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tại Việt Nam đang được áp dụng chung cho tất cả các doanh nghiệp kinh doanh ô tô, do đó các nhà nhập khẩu ô tô nguyên chiếc tại Việt Nam đề nghị việc giảm thuế trước bạ cũng cần áp dụng chung cho cả xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu nguyên chiếc và đây cũng sẽ là sự hỗ trợ cho toàn cộng đồng.

Giải pháp "cứu cánh" cho doanh nghiệp

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với VnBusiness, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, việc tái áp dụng giảm 50% lệ phí trước bạ sẽ không làm thất thu ngân sách Nhà nước.

Việc giảm lệ phí trước bạ có tác động rất tốt trong thời gian qua đối với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước. Điều này đã được chứng minh khi 6 tháng cuối năm 2020, Bộ Tài chính triển khai giảm 50% lệ phí trước bạ, tổng thu ngân sách từ thuế và trước bạ bán ô tô tăng lên gần gấp đôi so với những tháng đầu năm. Kết quả này cho thấy việc giảm 50% lệ phí trước bạ sẽ khuyến khích người dân mua ô tô, doanh nghiệp bán được hàng và nguồn thu ngân sách sẽ tăng theo.

Dẫn chứng thêm ông Thịnh cho hay, số với lượng ô tô nhập khẩu những tháng đầu năm tăng gần gấp đôi so với trước đó, trong khi sản xuất kinh doanh ô tô trong nước sụt giảm 25%. Vì vậy, việc giảm phí trước bạ sẽ đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trong nước, giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí đầu vào, giúp người mua giảm chi phí mua các sản phẩm ô tô. Điều này giúp tăng tổng cầu, tổng cung, từ đó giúp tăng thị phần ô tô trong nước.

“Tất nhiên, để đảm bảo tính công bằng trong kinh doanh, sẽ có những doanh nghiệp nhập khẩu ô tô nước ngoài lên tiếng về việc không bình đẳng, nhưng đặt trong trường hợp khẩn cấp thì việc hỗ trợ doanh nghiệp lúc này là cần thiết và hợp lý”, ông Thịnh cho hay.

Tuy nhiên, chuyên gia cũng khuyến nghị, đây chỉ là hỗ trợ mang tính ngắn hạn, cần có những cân đối phù hợp để hài hòa với cam kết quốc tế và năng lực cạnh tranh dài hạn của chính các hãng xe nội. "Các doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị phương án liên quan đến đổi mới công nghệ, cạnh tranh giá thành, thay vì chỉ trông chờ vào các chính sách hỗ trợ", ông Thịnh nhận định.

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) sau gần nửa năm có doanh số sụt giảm nghiêm trọng vì dịch Covid-19, sang đến tháng 10, thị trường ôtô trong nước đã có dấu hiệu khởi sắc trở lại. Các tỉnh thành nới lỏng giãn cách, showroom xe trở lại với loạt "chiêu" tung nhiều mẫu xe mới, giảm giá xả hàng tồn xe cũ, kích cầu khách hàng đặt ký hợp đồng.

Dự báo những tháng cuối năm, với khoảng 30 mẫu xe mới ra mắt, cùng hàng loạt chính sách giảm giá và tiến độ mở cửa trở lại nền kinh tế, chính sách hỗ trợ phù hợp sẽ là cơ hội lớn để thị trường xe Việt Nam vượt qua đại dịch.