Khôi phục các đường bay quốc tế: Sẵn sàng nhưng chưa cất cánh
Đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết chưa mở lại chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ từ ngày 15/9.
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chiều 14-9 cho biết vẫn chưa mở lại chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ từ ngày 15-9. Đại diện các hãng hàng không Việt Nam cũng khẳng định: đã sẵn sàng mọi nguồn lực để khai thác trở lại các đường bay thương mại quốc tế thường lệ, chỉ chờ sự cho phép của nhà chức trách.
Theo phương án đề xuất trước đó của Bộ Giao thông Vận tải, việc khôi phục đường bay quốc tế sẽ áp dụng với 6 quốc gia, vùng lãnh thổ và được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ ngày 15/9, Việt Nam nối lại các đường bay với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Từ ngày 22/9, các đường bay với Đài Loan (Trung Quốc) Campuchia, Lào được khôi phục.
Mở cửa bầu trời, nỗi lo mặt đất
Cần đảm bảo mọi quy trình hoàn thiện trước khi mở cửa đường bay
Theo Thông Tấn Xã Việt Nam, ông Phạm Tùng Lâm, Cục trưởng Cục Y tế Giao thông Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) cho hay, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 326/TB-VPCP ngày 13/9/2020, chiều 14/9, Bộ Giao thông Vận tải chủ trì cùng Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức họp với các bộ, ngành liên quan để bàn bạc, thống nhất phương án cho việc mở lại các đường bay quốc tế tới các điểm đến tại những quốc gia có kết quả phòng chống dịch COVID-19 tốt và là các đường bay có nhu cầu vận chuyển cao đối với Hàng không Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện nay cơ quan y tế đang hoàn thiện phương án, quy trình xét nghiệm, cách ly y tế đối với các nhóm đối tượng được phép nhập cảnh và dự kiến sẽ báo cáo Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 vào ngày 17/9 tới.
Bên cạnh đó, hiện nay, cần bàn bạc và thống nhất, làm rõ các điều kiện để được nhập cảnh Việt Nam (y tế, cách ly, chi phí....) đối với từng đối tượng (ngoại giao, chuyên gia, nhà đầu tư và công dân Việt Nam) để thông báo rộng rãi tới các nước liên quan cũng như đối với những người quan tâm, có nhu cầu nhập cảnh Việt Nam.
Các địa phương, đặc biệt là Hà Nội và TP HCM, hiện nay do chưa xác định được cụ thể nhu cầu số lượng người nhập cảnh để lên kế hoạch bố trí các khu cách ly cũng như các điều kiện giám sát, chi phí liên quan. Chính vì vậy, để đảm bảo yếu tố an toàn khi mở cửa đường bay quốc tế, Bộ GTVT và các Bộ, ngành, địa phương thống nhất sẽ tiếp tục làm rõ các điều kiện, yếu tố liên quan để trình Ban chỉ đạo thống nhất, trước khi ra quyết định cuối cùng.
Các hãng hàng không luôn sẵn sàng phục vụ
Các hãng hàng không luôn trong tư thế sẵn sàng phục vụ khi có lệnh mở cửa
Bộ GTVT cũng đề xuất, phía Việt Nam chỉ định Vietnam Airlines/Pacific Airlines phối hợp khai thác các đường bay đi/đến Hà Nội, Cần Thơ; Vietjet khai thác đường bay đi/đến TPHCM. Phía đối tác cũng chỉ định hãng để khai thác.
Về kế hoạch khai thác đường bay quốc tế khi được phép, thông tin từ Vietnam Airlines cho hay, hãng đã sẵn sàng. Thậm chí, từ ngày 18/9, hãng sẽ khai thác trở lại các chuyến bay quốc tế thường lệ đầu tiên đi Nhật Bản, sau thời gian dài tạm dừng bay vì dịch COVID-19. Đường bay thường lệ đầu tiên nối lại là Hà Nội - Tokyo, với tần suất 1 chuyến/tuần, và tới ngày 30/9 khôi phục đường bay TPHCM - Tokyo. Các chuyến bay thường lệ này chỉ chở khách từ Việt Nam đến Nhật Bản. Riêng chiều từ Nhật Bản về Việt Nam, sẽ chỉ chở khách về khi có quyết định chính thức của các nhà chức trách.
Bên cạnh đó, Vietnam Airlines tiết lộ, đang xây dựng phương án khôi phục các đường bay đến Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Lào, Campuchia trong thời gian tới, để sẵn sàng bay khi được cấp phép. Toàn bộ phi hành đoàn thực hiện các chuyến bay quốc tế sẽ được kiểm tra sức khỏe và thực hiện cách ly, máy bay được phun khử khuẩn. Trên chuyến bay, hãng chỉ phục vụ các dịch vụ cơ bản, khuyến cáo khách hạn chế đi lại... nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Với Pacific Airlines (tên cũ là Jetstar Pacific Airlines), ngày 14/9, hãng đã thực hiện chuyến bay đầu tiên đón công dân Việt Nam từ nước ngoài (Singapore) về nước và thêm 2 chuyến nữa trong ít ngày tới. Theo đại diện hãng, các chuyến bay này là bước chuẩn bị để hãng sẵn sàng thực hiện các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ khi được phép. Hiện hãng đã chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân sự (đặc biệt với phi hành đoàn), kỹ thuật, trang thiết bị...
Tương tự với Vietjet Air, đại diện hãng cũng khẳng định, đã chuẩn bị sẵn sàng để khai thác đường bay quốc tế thường lệ.
Dù chưa trong diện được chỉ định khai thác một số đường bay thương mại quốc tế thường lệ, nhưng Phó TGĐ Bamboo Airways Nguyễn Mạnh Quân cho biết, hãng luôn sẵn sàng cho việc này. Theo ông Quân, việc khôi phục một số đường bay quốc tế thường lệ có 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu trong 14 ngày sẽ chỉ định hãng khai thác, sau đó tới giai đoạn 2 (cuối tháng 9) dự kiến Bamboo Airways sẽ tham gia. “Chúng tôi đã và đang thực hiện một số chuyến bay đưa đón công dân Việt Nam, chuyên gia từ các nước về, đã chuẩn bị sẵn nguồn lực, nhân lực để khi được phép sẽ khai thác ngay các đường bay quốc tế”, ông Quân nói.
Đảm bảo cơ sở lưu trú và có thu phí xét nghiệm và cách ly
Trước đó, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 ngày 11/9, Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao xem xét giải quyết các vấn đề khi mở lại đường bay quốc tế, bao gồm việc lựa chọn các nhóm đối tượng ưu tiên nhập cảnh, lựa chọn các cảng hàng không tiếp nhận các chuyến bay thương mại quốc tế, các phương án giải tỏa cho các cảng hàng không quốc tế, phương án quản lý các trường hợp nhập cảnh, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, cách ly kinh tế phù hợp, các hướng dẫn khác bảo đảm công tác phòng, chống dịch một cách thuận lợi cho người được nhập cảnh. Tăng tần suất chuyến bay đón công dân về nước cũng như đón các nhà đầu tư, chuyên gia, nhà quản lý vào Việt Nam.
Đối với khách quốc tế nhập cảnh, các cơ quan chức năng phải có quy định riêng về phòng, chống dịch trong suốt quá trình nhập cảnh, đi lại, làm việc tại Việt Nam. Khi xuất hiện ca mắc bệnh phải thần tốc truy vết các trường hợp có nguy cơ, khoanh vùng và cách ly thật gọn, dập dịch triệt để.
UBND các tỉnh phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính tổ chức thực hiện cách ly có thu phí. Thủ tướng đề nghị các địa phương: Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Cần Thơ và các tỉnh lân cận của 3 thành phố khẩn trương chỉ đạo các cơ sở lưu trú, khách sạn làm nơi cách ly người nhập cảnh có thu phí bảo đảm cơ số cách ly tối thiểu, có thể tăng dần trong thời gian tới. Bộ Công an, chính quyền các địa phương, nhất là ngành y tế tiếp tục thực hiện giám sát chặt chẽ việc cách ly tại cơ sở lưu trú, bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch, không để lây nhiễm chéo bệnh và lây nhiễm trong cộng đồng. Bộ Quốc phòng tiếp tục duy trì việc bố trí, chuẩn bị tốt các cơ sở cách ly tập trung tại các cơ sở quân đội khi cần thiết.
Nguyễn Dung