Không để Việt Nam trở thành bãi rác của thế giới
Khoảng 4 triệu tấn phế liệu về Việt Nam trong vòng nửa năm
Theo Tổng cục Hải quan, thời gian qua, sau khi Trung Quốc thực hiện chính sách cấm nhập khẩu 24 loại phế liệu, hoạt động nhập khẩu, mua bán phế liệu ở nước ta có chiều hướng gia tăng mạnh, có nhiều diễn biến phức tạp, nguy cơ gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường sống gây bức xúc trong dư luận.
Tổng cục cho biết, trong nửa đầu năm 2018, cả nước đã nhập khoảng 4 triệu tấn phế liệu các loại.
Trong đó, lượng nhập khẩu nhựa phế liệu là 277.000 tấn, giấy phế liệu là 1,06 triệu tấn, sắt thép phế liệu là 2,7 triệu tấn. Tổng giá trị nhập khẩu phế liệu trong 6 tháng đầu năm là 1,2 tỷ USD, nghĩa là mỗi tháng người Việt nhập khẩu 200 triệu USD phế liệu.
Trước đó, trong năm 2017, Việt Nam đã nhập khẩu 5,5 triệu tấn phế liệu với trị giá 1,8 tỷ USD; năm 2016 là 4,9 triệu tấn với trị giá gần 1 tỷ USD.
Trong mặt hàng nhựa phế liệu, 24,8% có xuất xứ từ Nhật Bản; 14% từ Mỹ; 12,6% từ Hàn Quốc; 9,3% có xuất xứ từ Thái Lan; 7,2% từ Hàn Quốc…
Về mặt hàng phế liệu giấy, nguồn nhập khẩu lớn nhất cũng là Nhật Bản (39,6%), Anh (17,3%), Hà Lan (4,3%), Hàn Quốc (3,6%)…
Trong 2,7 triệu tấn sắt thép phế liệu, nguồn nhập khẩu lớn nhất là Nhật Bản (29,7%), Mỹ (18,7%), Hong Kong (12,2%), Australia (7,7%), Trung Quốc (7,3%)
Như vậy, tính chung cả 3 loại phế liệu, nguồn nhập khẩu nhiều nhất của Việt Nam là Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc. Mỗi tháng, trung bình người Việt bỏ ra khoảng 97,7 triệu USD để nhập khẩu phế liệu từ 3 nước này.
Siết chặt quản lý nhập khẩu phế liệu
Theo ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, nhiều lô hàng phế liệu nhập khẩu không đáp ứng các điều kiện quy định về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất nên doanh nghiệp không đến làm thủ tục hải quan hoặc không được cơ quan hải quan giải quyết thủ tục thông quan dẫn đến tình trạng có một lượng lớn các loại phế liệu nhập khẩu đang tồn đọng tại các cảng biển Việt Nam.
Về phía doanh nghiệp, một số hãng tàu, đại lý hãng tàu, doanh nghiệp kinh doanh cảng đã ý thức được nguy cơ và rủi ro trong nhập khẩu phế liệu nên đã chủ động thông báo ngừng tiếp nhận hàng hóa là phế liệu, góp phần giảm đáng kể mức độ hàng hóa tồn đọng tại cảng.
Ông Thành cho biết thêm, để đảm bảo công tác quản lý giám sát mặt hàng phế liệu nhập khẩu thực hiện đúng quy định của pháp luật về hải quan và pháp luật về bảo vệ môi trường, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 5290/VPCP-KTTH ngày 05/6/2018 về việc quản lý chặt chẽ nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các cơ quan hải quan địa phương, các đơn vị nghiệp vụ của ngành Hải quan tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu, xử lý nghiêm những trường hợp có hành vi gian lận, nhập khẩu phế liệu không đáp ứng về điều kiện, yêu cầu về bảo vệ môi trường theo đúng quy định của pháp luật. Chủ động xây dựng và triển khai ngay các kế hoạch kiểm soát rủi ro, phòng chống buôn lậu, kiểm tra sau thông quan, giám sát quản lý đối với mặt hàng phế liệu nhập khẩu.
Đồng thời, nhằm bảo vệ môi trường, không để Việt Nam trở thành bãi rác của thế giới, không tốn kém chi phí tiêu hủy đối với hàng hóa là phế liệu, chất thải đưa vào lãnh thổ nhưng không có người nhận, thực hiện đúng quy định về kiểm tra hải quan, Tổng cục Hải quan đã hướng dẫn cơ quan hải quan địa phương thực hiện các biện pháp siết chặt phế liệu nhập khẩu trong đó có việc ngăn chặn từ xa khi hàng hóa vẫn còn trên tàu, chưa dỡ hàng xuống cảng trên cơ sở rà soát, phân tích thông tin hàng hóa khai báo trên bản lược khai hàng hóa (manifest) trước khi hàng đến.