Không đủ cổ đông tham dự, ĐHĐCĐ bất thường của Xây dựng Hoà Bình bất thành sau gần hai tiếng chờ đợi

Hoàng Kiều 12:15 | 26/08/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sau gần hai tiếng chờ đợi, ĐHĐCĐ bất thuờng của Xây dựng Hoà Bình vẫn không đủ điều kiện tiến hành theo quy định.

Sáng 26/8 đã diễn ra Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2023 của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (Mã: HBC) theo hình thức trực tuyến.

Đại hội dự kiến diễn ra vào lúc 8h sáng song tới 9h20 buổi họp vẫn chưa thể tiến hành do số lượng cổ phần tham dự họp chưa đủ theo quy định (trên 50% cổ phần có quyền biểu quyết).

Tính tới 9h40, đại diện lãnh đạo của tập đoàn lên tuyên bố đại hội lần 1 không thể tiến hành và dự kiến sẽ tổ chức buổi họp bất thường lần 2 trong thời gian tới.

Đại diện Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình công bố buổi họp bất thành. (Ảnh chụp màn hình).

Theo thông tin từ báo cáo thường niên 2022, tính tới hết năm ngoái, Xây dựng Hoà Bình có tổng cộng 45.812 cổ đông trong nước (chiếm 84,47% vốn) bao gồm 73 cổ đông tổ chức và 45.739 cổ đông cá nhân.

Bên cạnh đó, tập đoàn có 540 cổ đông nước ngoài gồm 39 tổ chức và 501 cá nhân, chiến hơn 15,5% cổ phần của doanh nghiệp.

Cơ cấu cổ đông hết năm 2022. (Nguồn: Báo cáo thường niên 2022).

Hiện cổ đông lớn nhất của tập đoàn là ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT với tỷ lệ sở hữu 17,14%. Cổ đông lớn thứ hai là Hyundai Elevator Co., LTD, sở hữu khoảng 10,24% cổ phần ở Xây dựng Hoà Bình.

Hai cổ đông nước ngoài khác của tập đoàn là Korea Investment Management và PYN Elite Fund sở hữu lần lượt 4,08% và 3,33% cổ phần. Trong đó PYN Elite Fund và Korea Investment Management từng là cổ đông lớn của tập đoàn song đã liên tục thoái vốn giai đoạn 2018 - 2020.

Sanei Architecture Planning Co., Ltd của Nhật, là đối tác mua cổ phần trong đợt chào bán 5 triệu cổ phiếu riêng lẻ của Xây dựng Hoà Bình vào quý IV/2022. Sau đợt phát hành riêng lẻ, Sanei Architecture Planning nắm 1,82% vốn của doanh nghiệp.

Cơ cấu cổ đông của Xây dựng Hoà Bình tới hết quý II/2023. (Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp từ công bố thông tin của tập đoàn).

Tại đại hội, doanh nghiệp dự kiến trình ĐHĐCĐ phương án phát hành tối đa tổng cộng 274 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ với cùng mức giá 12.000 đồng/cp.

Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, ông Lê Văn Nam, Tổng Giám đốc từng thông tin: “Hiện nay, có 4 đối tác rất quan tâm và đang thảo luận với HBC để đi đến ký kết MoU. Trong đó, có một đối tác từ Australia sẵn sàng chi 60-100 triệu USD để mua cổ phiếu HBC”.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022, giá trị sổ sách của cổ phiếu HBC tại thời điểm 31/12/2022 là 4.262 đồng/cp.

Giá đóng cửa bình quân 30 phiên giao dịch gần nhất của cổ phiếu HBC (từ ngày 21/6 - 1/8/2023) là 9.592 đồng/cp.

Do đó, giá phát hành gấp khoảng 2,8 lần giá trị sổ sách tính tới cuối năm 2022 và cao hơn 25% so với mức giá đóng cửa bình quân 30 phiên (21/6 - 1/8/2023).

Trong đó, tập đoàn dự kiến phát hành riêng lẻ tối đa 107 triệu cổ phiếu để hoán đổi nợ hiện hữu của công ty với các chủ nợ là nhà cung cấp, nhà thầu phụ, nhà sản xuất.

Tỷ lệ hoán đổi nợ là 1,2:1, nghĩa là mỗi 12.000 đồng nợ hoán đổi được 1 cổ phiếu phổ thông phát hành thêm.

Cổ phiếu phát hành mới sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành. Giá trị các khoản nợ được hoán đổi sẽ được hạch toán để tăng vốn chủ sở hữu. Vốn điều lệ tăng tương ứng với số cổ phiếu đã phát hành và khoản nợ được xoá nên công ty không còn nghĩa vụ trả các khoản nợ đã được hoán đổi bằng tiền cho chủ nợ.

Thời gian dự kiến phát hành riêng lẻ để hoán đổi nợ là trong năm 2023 - 2024.

Bên cạnh đó, tập đoàn lên phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ đợt 1 với số lượng cổ phiếu dự kiến phát hành là tối đa 120 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược và/hoặc nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Với mức giá 12.000 đồng/cp, số tiền thu về tối đa 1.440 tỷ sẽ được dùng để thanh toán các khoản nợ và bổ sung vốn kinh doanh.Thời gian dự kiến phát hành riêng lẻ để hoán đổi nợ là trong năm 2023 - 2024.

Về phương án chào bán riêng lẻ đợt 2, tập đoàn dự kiến phát hành tối đa 47 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược và/hoặc nhàđầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Tối đa 564 tỷ thu được từ đợt chào bán riêng lẻ lần 2 sẽ được dùng để bổ sung vốn kinh doanh.

Cổ phiếu chào bán lần 2 sẽ được thực hiện sau khi hoàn tất đợt chào bán lần 1 ít nhất 6 tháng.

Cổ phiếu chào bán riêng lẻ lần 1 và lần 2 đều bị hạn chế chuyển nhượng tối thiểu 3 năm với nhà đầu tư chiến lược và tối thiểu 1 năm với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

 

Hiện Xây dựng Hoà Bình đang tiến hành kế hoạch tái cấu trúc toàn diện với 5 giải pháp: (1) Tái cấu trúc tài chính; (2) tái cấu trúc sản phẩm và thị trường; (3) tái cấu trúc hệ thống quản lý; (4) tái cấu trúc nguồn nhân lực; (5) tái cấu trúc công ty thành viên và liên kết.

Trong đó, tái cấu trúc tài chính là ưu tiên hàng đầu bao gồm việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho các nhà cung cấp, nhà thầu phụ để tăng vốn điều lệ cũng như giảm áp lực trả nợ. Mặt khác đưa các nhà thầu phụ, nhà cung cấp trở thành cổ đông chiến lược của HBC.

Bên cạnh đó là công tác tập trung thu hồi công nợ; tái cấu trúc các khoản vay với ngân hàng để giãn nợ và tái cấp các gói tín dụng mới và định giá lại tài sản của công ty. Việc tiến hành định giá tài sản mà chủ yếu là máy móc, thiết bị để ghi nhận lại giá trị hiện tại và khẳng định giá trị còn cao hơn rất nhiều so với giá trị ghi nhận trong sổ sách kế toán.