Không `gồng gánh` được `3 tại chỗ`, doanh nghiệp muốn công nhân được đi làm từ nhà

16:04 | 12/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trước tình cảnh chi phí cho phương thức "3 tại chỗ" quá lớn cùng loạt khó khăn khác bủa vây, Chi hội doanh nghiệp Khu công nghệ cao (SBA) đang kiến nghị phương án làm việc mới cho người lao động.

Cụ thể, SBA cho biết kể từ ngày 15/7 đến nay doanh nghiệp đã tổ chức triển khai phương án vừa lưu trú vừa sản xuất theo các phương thức "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 địa điểm. Toàn bộ kinh phí phát sinh đều do các doanh nghiệp chi trả cho người lao động. Nhưng chi phí lớn cùng một loạt những khó khăn về di chuyển đang làm dần ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới ngân sách và kế hoạch hoạt động của doanh nghiệp, bà Hồ Thị Thu Uyên -  lãnh đạo SBA cho biết.

Trên thực tế, thời gian vừa qua báo chí cũng phản ánh rất nhiều trường hợp những doanh nghiệp gặp khó khăn khi triển khai mô hình "3 tại chỗ", phát hiện ca F0 ngay trong địa phận gây lúng túng không biết xử trí ra sao và tâm lý của công nhân bất ổn trong chuỗi ngày vừa cách ly, vừa phải tuân thủ quy định nghiêm ngặt trong thời gian ăn-ngủ-nghỉ tại nơi làm việc. 

Mặc dù doanh nghiệp đã cố hết sức nhưng một khi tâm lý của người lao động bị ảnh hưởng, do thời gian ở lại nhà xưởng quá dài mà ở bên ngoài sự lo lắng người nhà vẫn bị phong tỏa, cách ly... chắc chắn dẫn đến năng suất lao động thấp, lúc này thì gần như áp dụng mô hình làm việc tại chỗ coi như không hiệu quả. 

Không `gồng gánh` được `3 tại chỗ`, doanh nghiệp muốn công nhân được đi làm từ nhà - ảnh 1

Phương án vẫn đề cập tới vấn đề tiến hành nghiêm việc xét nghiệm cho người lao động. Ảnh minh họa

Chính vì những vấn đề phát sinh trong thời gian vừa qua, SBA cho rằng quy định giãn cách nghiêm theo Chỉ thị 16 cần phải thay đổi theo hướng dài hạn giúp giảm áp lực cho doanh nghiệp và người lao động về ngân sách, sinh hoạt, tâm lý người dân giúp sớm ổn định xã hội theo mô hình bình thường mới.

Lãnh đạo SBA đề xuất chương trình thí điểm cho người lao động đi làm từ nhà trong khoảng 14 ngày từ 16/8 đến 30/8.

Trước mắt, hai doanh nghiệp Công ty Intel Products Việt Nam và Công ty Datalogic Việt Nam sẽ triển khai cho người lao động có tay nghề cao và vị trí cốt cán trong quy trình sản xuất của nhà máy. Tất cả số lao động đều đã tiêm vaccine mũi 1. Danh sách và phương án triển khai chi tiết sẽ được cho Ban quản lý Khu công nghệ cao Tp.HCM trước khi thực hiện.

Bà Uyên, lãnh đạo chi hội cũng nhấn mạnh lượng người được phép thí điểm sẽ không vượt quá con số 300, trước mắt sẽ bắt đầu bằng nhóm nhỏ từ 20-30, tối đa là 100 người. 

Người lao động thuộc nhóm thí điểm sẽ ký cam kết chỉ di chuyển giữa nhà và công ty, cũng như phải tuân thủ 5K cũng như các yêu cầu phòng dịch khi ở nhà. Những người sống chung sẽ được xét nghiệm tại nhà do đó cũng không rời khỏi nơi cư trú trong suốt thời gian tham gia phương án này.

Đồng thời, người lao động sẽ phải cài ứng dụng do Khu công nghệ cao chỉ định trong lúc đi – về hoặc một hình thức kiểm soát kỷ luật đi đường tương đương để doanh nghiệp và lãnh đạo Ban quản lý có thể kiểm tra lộ trình. Doanh nghiệp cũng cam kết thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch và xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế. 

Đáng chú ý, phương án thí điểm này vẫn được phép tiếp tục cho dù doanh nghiệp có phát hiện ca dương tính, nhưng kèm theo yêu cầu tỷ lệ phải thấp hơn 10% tổng số người lao động tham gia thí điểm. 

Đây chỉ là một trong những sáng kiến và yêu cầu của khối các doanh nghiệp, bởi thời gian vừa qua mô hình sản xuất "3 tại chỗ" và "1 cung đường - 2 điểm đến" áp dụng gần 1 tháng, dù duy trì được chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa không bị đứt gãy nhưng khó khăn lẫn rủi ro cho DN vẫn là rất lớn. 

Nên, nhiều doanh nghiệp hiện đang đề xuất tiến hành các phương án linh hoạt cũng như được trao quyền tự chủ nhiều hơn nhằm giảm tải áp lực. 

H.S

Xem thêm: Bộ Công Thương: “3 tại chỗ” vẫn là phương án tốt