Kịch bản nào cho người lao động thất nghiệp trong mùa dịch COVID?
Ngày 10/7, tại Hà Nội, số liệu được Tổng cục Thống kê công bố tại cuộc họp báo tình hình lao động việc làm quý 2 và 6 tháng đầu năm năm 2020 cho biết, trong 51,8 triệu lao động có việc làm trong quý 2 năm nay, có 30,8 triệu người bị ảnh hưởng do dịch bệnh, trong đó 2,4 triệu lao động mất việc, tỉ lệ thất nghiệp trên cả nước gia tăng.
Tuổi Trẻ đưa tin, trao đổi với báo chí tại cuộc họp báo, ông Phạm Quang Vinh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết dịch bệnh đang ảnh hưởng nặng nề đến lao động, việc làm toàn cầu. Dự báo khoảng một nửa lao động toàn cầu mất việc, mất sinh kế.
Riêng tại Việt Nam trong quý 2 có thêm 2,4 triệu lao động mất việc, tỉ lệ thất nghiệp cả nước quý 2 năm nay tăng 2,73% (khoảng 1,3 triệu người), trong đó khu vực thành thị tăng 4,46% so với quý trước.
COVID-19 quay trở lại Việt Nam sau 99 ngày không có lây nhiễm cộng đồng vào hồi cuối tháng 7/2020. Dự báo trong quý 3/2020, xuất khẩu của Việt Nam bị hạn chế do các đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Mỹ đang chịu ảnh hưởng nặng nề. Mặt khác, nguyên nhiên liệu cần trong sản xuất bị cạn kiệt dần.
Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh. Ảnh: T.V.G
Trao đổi với VnExpress, ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, trước thực trạng đó, Cục Việc làm của Bộ Lao động Thương binh Xã hội đã tính đến kịch bản xấu nhất là thời gian tới, số lao động mất việc làm có thể tăng khoảng 60.000 đến 70.000 mỗi tháng, tập trung chính ở các lĩnh vực như du lịch, hoạt động dịch vụ lưu trú và ăn uống, xây dựng, vận tải, chế biến chế tạo...
Số doanh nghiệp bị ảnh hưởng sẽ lên đến 70%, trong khi số lao động bị ngừng việc, giãn việc, giảm việc có thể lên tới 3,5-5 triệu người.
Cũng theo ông Lê Văn Thanh, dự báo của Ngân hàng thế giới về triển vọng kinh tế toàn cầu cũng nêu rõ, nền kinh tế thế giới trong những tháng tới sẽ tiếp tục suy giảm nghiêm trọng (dự báo năm 2020, GDP giảm 5,2%; thu nhập đầu người giảm 3,6%), thương mại, du lịch và các ngành nghề có tính giao thương quốc tế sẽ bắt đầu hoạt động trở lại nhưng sẽ khó có sự hồi phục mạnh mẽ.
Về câu hỏi giải pháp, mạng lưới an sinh có giải pháp gì, vị Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nêu rằng: "Chúng tôi đã đề nghị Chính phủ sửa đổi một số điều kiện để các doanh nghiệp có thể tiếp cận gói hỗ trợ theo nghị quyết 42 và quyết định 15. Cụ thể như khoản vay ngân hàng chính sách đễ hỗ trợ 50% tiền lương cho người lao động, trước đây cần nhiều điều kiện gồm không có doanh thu, khó khăn về tài chính đến mức không có tiền trả lương, đã trả trước cho người lao động 50% lương..., nay giảm bớt các điều kiện đó đi, doanh nghiệp chỉ cần giảm doanh thu là được vay.
Tại đợt dịch đầu tiên, chúng tôi đề nghị tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất cho doanh nghiệp và người lao động đến hết tháng 6/2020, nhưng nay dịch vẫn diễn biến phức tạp nên tiếp tục kiến nghị dừng đóng thêm 6 tháng nữa".
Các cơ quan của Bộ cũng tổ chức rà soát, nắm chắc tình hình việc làm, nhu cầu của các doanh nghiệp để có giải pháp hỗ trợ, cung ứng lao động, khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động tạm thời do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Điều này góp phần ổn định sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và bảo đảm đời sống người lao động. Chúng tôi cũng hướng dẫn người dân làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối cung - cầu lao động, ông Thanh nói.
Chi hỗ trợ cho người lao động không có giao kết hợp đồng tại quận Long Biên, Hà Nội. (Ảnh: CHÍ TÂM).
VnExpress dẫn lời ông Lê Văn Thanh: "Vừa qua, các địa phương đã hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng COVID-19 theo nghị quyết 42 của Chính phủ và quyết định 15 của Thủ tướng với tổng số tiền trong gói hỗ trợ là 62.000 tỷ đồng. Cơ quan chức năng đang tiếp tục rà soát để đảm bảo người nghèo, bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh đều được hỗ trợ. Chúng tôi cũng tham mưu Chính phủ, Thủ tướng sửa đổi, bổ sung nghị quyết và quyết định nói trên để mở rộng nhóm hỗ trợ, giảm bớt thủ tục hành chính và điều kiện thụ hưởng".
Bên cạnh đó, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng nghiên cứu các chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn, đảm bảo tính khả thi để mở rộng diện bao phủ đến những người dân cần được trợ giúp. Chúng tôi sẽ sử dụng một khoản tiền trong quỹ Bảo hiểm thất nghiệp và huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển giáo dục nghề nghiệp; đào tạo, chuyển đổi nghề cho người lao động phù hợp với tình hình thực tế.
Trao đổi trên Thời báo Tài chính Việt Nam, bà Nguyễn Lan Hương, chuyên gia về lao động việc làm cho rằng, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cần tiếp tục các giải pháp hỗ trợ lao động yếu thế. Một mặt tăng cường giải pháp hỗ trợ trực tiếp với lao động không được bảo vệ bởi mạng lưới an sinh xã hội (lao động phi chính thức); đẩy mạnh thực hiện chi trả bảo hiểm thất nghiệp với nhóm lao động mất việc có tham gia bảo hiểm xã hội; tăng cường tái đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm cho lao động mất việc...
"Tuy nhiên, cần phải linh hoạt trong cách thức thực hiện hỗ trợ. Đặc biệt, sớm thực hiện ngay việc tái đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho lao động, vì chỉ có công việc mới tạo ra cuộc sống ổn định cho người lao động. Muốn vậy, cần triển khai ngay việc cập nhật dữ liệu lao động, từ đó chủ động trong việc hỗ trợ, can thiệp", bà Hương nói.
Còn ông Đào Ngọc Dungm Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng cho biết, Bộ đã xây dựng các kịch bản để ứng phó với các tình huống xấu nhất có thể xảy ra do dịch COVID-19. Trong trường hợp số lao động thất nghiệp tăng lên ồ ạt thì sẽ đẩy mạnh việc chi trả bảo hiểm thất nghiệp và có thể tiếp tục đề xuất thực hiện gói hỗ trợ dành cho lao động, doanh nghiệp và chủ sử dụng lao động.
Lệ Vỹ (T/h)