Kích cầu tiêu thụ nông sản Việt

Uyên Hương/BNEWS/TTXVN 10:12 | 05/05/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Nhằm kích cầu tiêu thụ nông sản cho các địa phương, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp xúc tiến thương mại cũng như ứng dụng công nghệ số trên các sàn thương mại điện tử.

Xe nông sản xuất khẩu trên Quốc lộ 1A khu vực thị trấn Đồng Đăng, Lạng Sơn. Ảnh: Quang Duy - TTXVN

Nhận thức rõ sàn thương mại điện tử là giải pháp để nông sản địa phương có thể đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước, nhiều địa phương đã kết hợp giữa thương mại điện tử và truyền thống nhằm phát huy tối đa lợi thế, tăng tính hiệu quả và qua đó giúp nông sản Việt vươn xa.

 

Đại diện Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho biết: Năm 2023, vải thiều được tiêu thụ trên các trang thương mại điện tử tăng gấp 1.000 lần so với vụ trước, đạt trên 8.000 tấn; trong đó, có hơn 8 tấn vải thiều được xuất sang các nước châu Âu qua sàn thương mại điện tử, đồng thời tiếp cận được nhiều khách hàng trên thế giới.

Tuy nhiên, để có những kết quả khả quan này, Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang đã chú trọng triển khai phối hợp với các sàn thương mại điện tử tổ chức tập huấn cho một số hợp tác xã, nông dân trồng vải thiều tại huyện Lục Ngạn theo phương thức “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn kỹ năng livestream bán hàng trực tiếp, cách tiếp nhận đơn hàng, chốt đơn, đóng gói, giao nhận và thanh toán…

Không những thế, tỉnh còn lựa chọn, hỗ trợ 15 doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ nông sản, sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh xây dựng bộ nhận diện thương hiệu trực tuyến, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa của tỉnh như sàn: Voso.vn, Postmart.vn, Sendo.vn, San24h.vn, Shopee.vn, Lazada.vn.

Ngoài ra, hỗ trợ 1 doanh nghiệp của tỉnh tham gia trên sàn thương mại điện tử quốc tế Alibaba.com và bước đầu đã có những khách hàng tại Anh, Pháp, Australia, Hà Lan, Đức quan tâm.

Mặt khác, Bắc Giang đã tổ chức tập huấn kỹ năng kinh doanh trực tuyến và kết nối, hỗ trợ tham gia sàn thương mại điện tử cho các học viên là đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ gia đình, thanh niên khởi nghiệp tích cực làm kinh tế mới trên địa bàn huyện, một số doanh nghiệp, hợp tác xã tại địa phương. Đến nay, Bắc Giang đã có gần 115.000 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình được khởi tạo tài khoản và thực hiện giao dịch trên các sàn thương mại điện tử.

Đáng lưu ý, trước xu hướng phát triển kinh doanh, tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm qua sàn thương mại điện tử, Bắc Giang đã triển khai xây dựng chuyên trang thương mại điện tử tỉnh, tích hợp trên Cổng thông tin của Sở Công Thương nhằm quản lý các website thương mại điện tử và cung cấp thông tin về hoạt động thương mại điện tử cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là địa chỉ để các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ quan, đơn vị, người dân có cơ hội giao lưu, nắm bắt các chế độ, cơ chế chính sách, thông tin của địa phương, bộ, ngành.

Là một trong những tỉnh miền núi, Sơn La cũng đã triển khai mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản qua các kênh bán hàng trực tuyến và bước đầu gặt hái nhiều thành công. Đặc biệt, việc phát triển thương mại điện tử được lãnh đạo tỉnh Sơn La quan tâm và chỉ đạo các ban, ngành, địa phương phối hợp, tham mưu cơ chế, chính sách, kế hoạch hành động cụ thể để nâng cao hơn nữa hiệu quả từ các sàn thương mại điện tử.

Ngoài ra, Sơn La còn tập trung nghiên cứu việc triển khai thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại tại nước ngoài, khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh tham gia hoạt động thương mại điện tử quốc tế. Chính vì vậy, sản phẩm nông sản của Sơn La đã từng bước được quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ qua các sàn thương mại điện tử đến nhiều thị trường trong và ngoài nước.

Nhằm đạt được mục tiêu giá trị hàng hóa xuất khẩu của tỉnh năm 2024 đạt 196,1 triệu USD, tăng 5,07% so với năm 2023, Sơn La sẽ tập trung đẩy mạnh xuất khẩu qua các sàn thương mại điện tử. Đồng thời, đưa sản phẩm nông sản của tỉnh tham gia sâu vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu qua hợp đồng thương mại quốc tế. Đặc biệt, không ngừng tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nông sản qua các kênh thương mại điện tử.

Nhận thức được vai trò của mạng xã hội, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã cũng đã đẩy mạnh ứng dụng mạng xã hội vào marketing, truyền thông để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Theo thống kê của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, các hợp tác xã thực hiện quảng cáo, truyền thông sản phẩm trên các trang mạng xã hội, trang quảng cáo đạt 51% trong số hợp tác xã khảo sát.

Ông Trịnh Văn Hoàn, Giám đốc Hợp tác xã Bảo An (Bắc Giang) cho biết, đã có rất nhiều loại nông sản được tiêu thụ thuận lợi nhờ những phiên livestream, qua kênh bán hàng hiện đại.

Đặc biệt, thông qua việc bán hàng qua thương mại điện tử, tệp khách hàng của hợp tác xã được đa dạng hơn, khoảng cách giữa nông sản của hợp tác xã với người tiêu dùng được thu hẹp và không đồng nghĩa với việc những khách hàng mua hàng theo cách truyền thống giảm đi.

Hơn nữa, thông qua các video giới thiệu, các bài đăng giới thiệu hàng hóa, nhiều đơn vị như cửa hàng nông sản sạch, siêu thị lại đến tận nơi làm việc và đặt hàng của hợp tác xã.

 

Theo chuyên gia thương mại điện tử, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á về mua sắm trực tuyến. Dự báo doanh thu và sản lượng bán bán ra trên các sàn bán lẻ trực tuyến B2C Việt Nam tiếp tục tăng mạnh trong năm tới có thể đạt 650 nghìn tỷ đồng vào năm 2024. 

Bên cạnh những con số tăng trưởng “khủng” là sự cạnh tranh khắc nghiệt trên thị trường. Năm qua, hơn 100.000 nhà bán hàng trên 4 sàn Shopee, Lazada, Tiki, Sendo rời khỏi thị trường. Tuy nhiên, sàn TikTok Shop xuất hiện thêm hơn 95.000 nhà bán mới.

Đề ra định hướng và giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử và kinh tế số phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2024 và những năm tới, bà Lê Hoàng Oanh- Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) nhấn mạnh: Cục sẽ tập trung phát triển thương mại điện tử theo các mục tiêu bao gồm bảo vệ quyền lợi người tiêu dung, tăng cường liên kết vùng; phát triển xanh và bền vững, thu hẹp khoảng cách giữa các địa phương và vùng miền thông qua các nền tảng số.

Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực của Bộ; xây dựng Chính phủ số theo đúng phương châm 4 không – 4 có; đổi mới căn bản phương thức quản lý, điều hành, phục vụ người dân, doanh nghiệp; xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu kết nối liên thông một cách hiệu quả.