Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính gần 354.000 tỷ đồng

16:13 | 25/03/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Nhiệm kỳ 2016-2021, số kiến nghị về xử lý tài chính của Kiểm toán Nhà nước đã được các đơn vị thực hiện là 237.578 tỷ đồng, đạt 73,6% tổng số kiến nghị.
Tiếp tục phiên làm việc sáng 25/3, Quốc hội đã nghe Báo cáo của Tổng Kiểm toán Nhà nước về công tác của Kiểm toán Nhà nước nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.
 
Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính gần 354.000 tỷ Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Kiểm toán Nhà nước. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
 

Quyết liệt đổi mới nội dung, phương pháp

 
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, trong nhiệm kỳ, với sự quyết tâm cao, Ban cán sự Đảng, Đảng ủy, lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và tổ chức thực hiện các nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tập trung nâng cao chất lượng kiểm toán trên cơ sở thực hiện các giải pháp đột phá về siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng đội ngũ, kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức, không ngừng đổi mới phương pháp, cách thức kiểm toán...
 
Công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán có nhiều đổi mới cả về nội dung và cách thức tổ chức thực hiện, chất lượng ngày càng được nâng cao, bám sát các định hướng lớn của Đảng, Nhà nước, các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm, các vấn đề có rủi ro cao về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công theo hướng ngày càng khoa học, minh bạch, công khai.
 
Công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành hoạt động kiểm toán với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt và sát hợp, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực hoạt động kiểm toán.
 
Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, trong nhiệm kỳ, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 353.733 tỷ đồng; chuyển 20 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật, 2 vụ việc đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý.
 
Kiểm toán Nhà nước đã cung cấp 498 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho cơ quan của Quốc hội, Ủy ban kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 786 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý sai quy định hoặc không phù hợp với quy định chung của Nhà nước, thực tiễn, góp phần làm lành mạnh nền tài chính quốc gia.
 
Nhiệm kỳ 2016-2021, số kiến nghị về xử lý tài chính của Kiểm toán Nhà nước đã được các đơn vị thực hiện là 237.578 tỷ đồng, đạt 73,6% tổng số kiến nghị. Ngoài ra, 136/786 văn bản đã được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thực hiện hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.
 
Về phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ sở pháp lý cho tổ chức, hoạt động của Kiểm toán Nhà nước để cụ thể hóa Hiến pháp, Luật Kiểm toán Nhà nước, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Kiểm toán Nhà nước tương xứng với vị trí, vai trò của Kiểm toán Nhà nước là cơ quan thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
 
Kiểm toán Nhà nước quyết liệt đổi mới nội dung, phương pháp kiểm toán nhằm nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả và chất lượng hoạt động kiểm toán.
 
Cụ thể, nâng cao năng lực kiểm toán đối với quyết toán ngân sách nhà nước các bộ, cơ quan trung ương và quyết toán ngân sách địa phương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; tăng cường các cuộc kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề; kiểm toán các chuyên đề lớn đối với việc quản lý, điều hành ngân sách nhà nước, những vấn đề dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí...

 

Rút ngắn thời gian kiểm toán

 

Trình bày Báo cáo thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, trong nhiệm kỳ vừa qua, với sự cố gắng, nỗ lực, Kiểm toán Nhà nước đã từng bước khẳng định vị thế là cơ quan kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công do Quốc hội thành lập, là công cụ của Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
 
Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính gần 354.000 tỷ Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tại kỳ họp. (Ảnh: Phương Hoa/ TTXVN)
 
Bên cạnh kết quả đạt được, Ủy ban Tài chính-Ngân sách đề nghị Kiểm toán Nhà nước lưu ý một số vấn đề.
 
Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước chưa đảm bảo 100% báo cáo tài chính của các bộ, cơ quan Trung ương và báo cáo quyết toán các địa phương được kiểm toán thường xuyên hằng năm theo yêu cầu của Luật Ngân sách Nhà nước. Tỷ lệ thực hiện kiến nghị về xử lý tài chính tăng song vẫn còn nhiều kiến nghị chưa được thực hiện (bình quân đạt 73,6%).
 
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách lưu ý: “Kiểm toán Nhà nước cần báo cáo rõ hơn vướng mắc, nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến tỷ lệ thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước chưa cao; đề xuất giải pháp cụ thể để xử lý triệt để. Trường hợp cần thiết cần tổng hợp danh sách các đơn vị không thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ, kịp thời kiến nghị kiểm toán, đề xuất phương án xử lý để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội để xử lý.”
 
Bên cạnh đó, việc công khai Báo cáo kiểm toán cơ bản đã được thực hiện theo quy định, tuy nhiên hiệu quả, tính lan tỏa còn hạn chế; việc tiếp cận, khai thác thông tin, kết quả kiểm toán còn chưa thuận lợi, dễ dàng đối với các đối tượng theo quy định.
 
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán đã có bước tiến đáng kể nhưng cần tiếp tục triển khai quyết liệt để rút ngắn thời gian kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán; quản lý chặt chẽ kết quả kiểm toán, kiểm toán viên...
 
Công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật cho hoạt động Kiểm toán Nhà nước cần tiếp tục triển khai để sớm ban hành các văn bản quy định chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước, đặc biệt là quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, quy định để xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động kiểm toán, quy định về kiểm tra đối chiếu, quy định việc truy cập dữ liệu điện tử tại đơn vị kiểm toán.
 
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách cũng đề nghị, Kiểm toán Nhà nước phân tích rõ hơn giải pháp, yếu tố tác động, mối liên hệ với việc chấn chỉnh kỷ luật tài chính, ngân sách của quốc gia để đạt được kết quả kiến nghị xử lý tài chính bằng 3,5 lần so với nhiệm kỳ trước, tránh hiểu lầm kiến nghị kiểm toán tăng đồng nghĩa với kỷ luật tài chính, ngân sách đi xuống…
 
Theo TTXVN