Kiến nghị cấp bách về tài chính tín dụng cho lĩnh vực BĐS

22:53 | 12/06/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đưa ra kiến nghị tại buổi Tọa đàm “Giải pháp phục hồi thị trường bất động sản hậu COVID-19” sáng 12/6, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Nguyễn Trần Nam nhấn mạnh những vấn đề cấp bách và rất cụ thể về tài chính tín dụng cho lĩnh vực BĐS phục hồi và phát triển.

Theo ông Nguyễn Trần Nam, về lĩnh vực tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/03/2020 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19.

Tính đến thời điểm ngày 04/4/2020, đã có khoảng 10 ngân hàng tham gia  giảm lãi suất cho vay với các gói hỗ trợ lên tới hàng trăm nghìn tỷ và lãi suất giảm tới 2-4,5%.

Đây thực sự là hành động thiết thực từ phía các ngân hàng nhằm chung tay giúp người dân và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Kiến nghị cấp bách về tài chính tín dụng cho lĩnh vực BĐS - ảnh 1
 Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam.
Tuy nhiên, theo ông Nam, có thể do chưa có hướng dẫn chi tiết nên việc doanh nghiệp được tiếp cận với các nguồn hỗ trợ từ các tổ chức tín dụng còn nhiều khó khăn. Cụ thể, để được hưởng hỗ trợ lãi suất, doanh nghiệp phải cung cấp hồ sơ, thủ tục để chứng minh ảnh hưởng của dịch bệnh. Các thủ tục này thực sự rất phức tạp, gây khó khăn cho doanh nghiệp đồng thời khiến việc xác định mức hỗ trợ lãi suất của ngân hàng mang tính “định tính” dẫn đến mức hỗ trợ đưa ra dường như chỉ mang tính “hình thức” khi thực tế các doanh nghiệp chỉ được giảm 0,2-0,5% lãi suất chứ không được đến 2-3% lãi suất như các ngân hàng công bố.

Về lĩnh vực thuế, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Theo đó, đối với thuế GTGT, gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế GTGT phát sinh phải nộp của kỳ tính thuế tháng 3, tháng 4, tháng 5, tháng 6 năm 2020 (đối với trường hợp kê khai thuế GTGT theo tháng) và kỳ tính thuế quý I, quý II năm 2020 (đối với trường hợp kê khai thuế GTGT theo quý).

Hiệp hội BĐS Việt Nam nhận định một số giải pháp nêu trên đã phát huy tác dụng tốt, tháo gỡ một phần nào khó khăn cho các doanh nghiệp BĐS. Tuy nhiên các giải pháp thực thi chậm, Hiệp hội BĐS Việt Nam kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành cần đẩy nhanh thủ tục với các giải pháp đã có và tiếp tục kiến nghị bổ sung những vấn đề mới.

Về kiến nghị cấp bách trước mắt, đối với vấn đề tài chính, tín dụng: Cần cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với dư nợ gốc và lãi kéo dài thêm một khoảng thời gian là 12 tháng kể từ ngày cuối cùng của thời hạn trả nợ (thay vì quy định cơ cấu lại thời gian trả nợ không vượt quá 12 tháng kể từ ngày cuối cùng của thời hạn vay như Thông tư số 01/2020/TT-NHNN đang quy định); giảm 50% lãi suất cho vay (gồm cả dư nợ hiện hữu và dư nợ mới) đến ngày liền kề sau 12 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch COVID-19;

Gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, theo đó thời gian gia hạn là 12 tháng kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế GTGT theo quy định của pháp luật về quản lý thuế (thay vì thời gian gia hạn là 5 tháng như quy định tại Nghị định số 41/2020/NĐ-CP); gia hạn thời hạn nộp thuế TNDN cho cả quý III, IV năm 2020 và quý I, II năm 2021 như đã quy định cho quý I, II năm 2020 trong Nghị định 41/2020/NĐ-CP);

Cùng với đó, sớm ban hành nghị định sửa đổi Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP trong đó cho phép áp dụng hồi tố cho cả năm 2017, 2018 đối với các doanh nghiệp đã thanh kiểm tra cũng như chưa thanh kiểm tra để đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp;

Miễn thuế TNDN và thuế GTGT trong thời gian có dịch COVID-19; giảm 50% thuế TNDN và 50% thuế GTGT trong thời hạn 01 năm sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát;

Giãn thời gian nộp tiền sử dụng đất trong thời gian có dịch COVID-19 và 12 tháng sau khi công bố hết dịch để đảm bảo doanh nghiệp tập trung nguồn lực phát triển dự án.

Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết hiện nay Chính phủ mới có quy định về việc gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất, chưa có quy định về việc gia hạn thời hạn nộp tiền sử dụng đất. Bởi vậy, cần miễn hoặc giảm 50% thuế TNCN từ chuyển nhượng BĐS trong năm 2020 và 06 tháng đầu năm 2021 để tạo động lực đầu tư BĐS, thu hút dòng tiền nhàn rỗi từ người dân. Thực hiện miễn lệ phí trước bạ cho tất cả các giao dịch BĐS được thực hiện trong năm 2020.

Cho phép bù trừ lỗ của hoạt động kinh doanh khác với hoạt động kinh doanh bất động sản. Đặc biệt trong năm 2020 khi các hoạt động như kinh doanh du lịch khách sạn khó khăn, doanh nghiệp có khả năng lỗ nhưng vẫn phải nộp thuế TNDN.

Đề cập đến các vấn đề kiến nghị bổ sung, ông Nam đề xuất Chính phủ cho phép doanh nghiệp được lựa chọn quyết toán gộp thuế TNDN năm 2020 và 2019. Đối với doanh nghiệp đã quyết toán thuế năm 2019 và đã nộp thuế TNDN theo quý và theo quyết toán cho năm 2019, số thuế đã nộp nên được phép cấn trừ vào các loại thuế phải nộp khác và doanh nghiệp sẽ quyết toán lại gộp hai năm 2019 và 2020 sau khi kết thúc năm 2020.

Cho phép các Nhóm công ty (Tập đoàn) được lựa chọn quyết toán thuế chung của cả Tập đoàn (Công ty mẹ và công ty con, công ty cháu…) hoặc quyết toán riêng từng đơn vị hạch toán độc lập theo đăng ký với cơ quan thuế của Hội đồng quản trị/ Hội đồng thành viên của Công ty mẹ trong Nhóm công ty (Tập đoàn) cho riêng từng sắc thuế hoặc cho một số/tất cả các sắc thuế; tăng cường gói vay mua nhà với lãi suất hợp lý.

Về thể chế, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam đề xuất các cơ quan chức năng thực hiện miễn Giấy phép xây dựng đối với các công trình của dự án đầu tư thuộc khu vực đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 theo đúng tinh thần được ghi nhận tại Điểm h, Khoản 1, Điều 2, Nghị quyết 43/NQ-CP ngày 6/6/2014 của Chính phủ về một số nhiệm vụ trọng tâm cải cách thủ tục hành chính trong hình thành và thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất để cải thiện môi trường kinh doanh.

Tạm hoãn  thực hiện việc ký quỹ các dự án đầu tư đến hết năm 2020; nghiên cứu, xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp để bán với tiêu chuẩn thiết kế căn hộ khép kín.

Yêu cầu các địa phương khẩn trương hoàn thành việc rà soát thủ tục pháp lý các dự án bất động sản đang thực hiện nhưng bị tạm dừng và xử lý dứt điểm trong quý IV/2020 để sớm triển khải thực hiện lại dự án, bảo đảm kịp thời có nguồn cung hàng hóa cho thị trường. Thực hiện việc cấp sổ hồng cho các căn hộ du lịch ( condotel), biệt thự du lịch ( resort villa) và nhà phố thương mại ( shoptel, shop house) trên đất dịch vụ thương mại.

“Về thủ tục hành chính, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hình thức liên thông, cắt giảm thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết, hồ sơ, chi phí thực hiện trong hoạt động đầu tư xây dựng các dự án BĐS”, ông Nam nói.