Kinh doanh tê liệt vì Covid, hiệp hội taxi xin Thủ tướng "cả gói" ứng cứu

11:40 | 26/05/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Làn sóng Covid lần thứ 4 bùng nổ khiến kinh doanh vận tải gặp khó khăn, Hiệp hội taxi ba miền đã "kêu cứu" chính phủ.

Hiệp hội taxi tại Hà Nội, Đà Nẵng và Tp.HCM (gọi chung là Hiệp hội taxi ba miền) vừa đề xuất tới Thủ tướng Chính phủ các giải pháp hỗ trợ khẩn cấp cho các đơn vị vận tải bị tác động nặng nề bởi Covid-19. 

Trong nội dung kiến nghị, hiệp hội cho biết dịch COVID-19 đã trở lại ở nhiều tỉnh thành, lượng khách hàng sụt giảm đến 80-90%, nhiều doanh nghiệp gần như đã tê liệt hoạt động. Từ đó doanh thu không được đảm bảo, người lao động không có thu nhập. Hiện tại, hàng loạt doanh nghiệp taxi đang có tỷ lệ nợ xấu ngân hàng tăng cao và đứng trước nguy cơ phá sản. 

Do đó, Hiệp hội taxi ba miền đã khẩn cấp kêu gọi Thủ tướng Chính phủ cùng các Bộ, ngành liên quan vào cuộc "giải cứu", nhằm giúp các đơn vị vận tải hành khách vượt qua thời kỳ khó khăn này. 

Để giảm bớt những thiệt hại, hiệp hội mong muốn Chính phủ chấp thuận việc giảm thuế giá trị gia tăng về 0% trong khoảng 6 tháng đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Cùng với đó giảm 50% lệ phí trước bạ cho các xe ô tô mới đăng ký với mục đích kinh doanh vận tải.

Kinh doanh tê liệt vì Covid, hiệp hội taxi xin Thủ tướng cả gói ứng cứu - ảnh 1

Các doanh nghiệp vận tải taxi gặp nhiều khó khăn

Hiệp hội cũng đề xuất doanh nghiệp sẽ nhận được các giải pháp hỗ trợ về vốn trong bối cảnh kinh doanh không khả quan. Cụ thể, giảm từ 3%-5% lãi suất cho vay, sắp xếp lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và tiếp tục cho vay mới để doanh nghiệp có thêm vốn lưu động phục hồi hoạt động kinh doanh. 

Về phí bảo trì đường bộ, hiệp hội cũng xin "khất" cho các doanh nghiệp chậm đóng đến hết tháng 12/2021, và điều chỉnh tăng chu kỳ đăng kiểm ô tô kinh doanh vận tải (cụ thể là đối với chu kỳ đầu là 24 tháng và chu kỳ tiếp theo là 12 tháng).

Đặc biệt, Hiệp hội taxi ba miền có đề xuất liên quan đến đóng bảo hiểm xã hội. Đó là hiệp hội muốn được miễn trừ việc đóng bảo hiểm xã hội cho đến hết năm 2021. Những doanh nghiệp nào còn nợ khoản này thì được giãn nộp số nợ đến 31/12/2021 và không tính lãi chậm nộp.

Được biết, triển khai Chỉ thị số 11/CT-TTg, vào ngày 17/3/2020 Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành Công văn số 860/BHXH-BT, trong đó có nội dung các doanh nghiệp sẽ được tạm ngừng đóng bảo hiểm xã hội nếu bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. 

Các điều kiện để có thể nhận quyền miễn giảm này là: Trên 50% tổng số lao động tham gia đóng Bảo hiểm xã hội tạm nghỉ việc trước thời điểm tạm dừng sản xuất, kinh doanh. Bị thiệt hại từ 50% trở lên tổng giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra (không bao gồm tài sản đất) tại quy định thuộc Khoản 1 Điều 88 Luật BHXH năm 2014; các Khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 16 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ và Điều 28 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

H.S

Xem thêm: Biện pháp phòng dịch mới tại Tp.HCM: Taxi không được bật điều hòa