Kinh doanh thương mại điện tử: Khó kiểm soát hàng giả, hàng lậu và thuế

13:30 | 25/09/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sự bùng nổ của loại hình thương mại điện tử đã đem lại nguồn doanh thu khổng lồ cho nhiều cá nhân. Tuy nhiên các cá nhân có khoản thu nhập này lại vô tình hoặc chủ ý không thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước.
Điều này không chỉ gây thất thu thuế mà còn tạo môi trường cạnh tranh không công bằng cho các loại hình kinh doanh khác và cũng khó kiểm soát được việc buôn bán hàng giả. Vậy có cách nào để siết chặt việc quản lý thuế đối với người kinh doanh qua mạng hay gọi cách khác theo thuật ngữ kinh tế là thương mại điện tử?
 
Kinh doanh thương mại điện tử: Khó kiểm soát hàng giả, hàng lậu và thuế - ảnh 1
Ảnh minh họa

Kinh doanh online đặc biệt là hoạt động bán hàng qua mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Instagram… đang phát triển rầm rộ ở Việt Nam. Đặc biệt, trái ngược với những ngành nghề kinh doanh khác chịu ảnh hưởng nặng nền bởi dịch bệnh Covid-19, đây lại là cơ hội để kinh doanh qua mạng phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
 
Đặt hàng trên mạng, hàng được giao đến nhà, nhận hàng và trả tiền mặt là hình thức thanh toán chiếm chủ yếu hiện nay khi buôn bán qua mạng. Rất ít trường hợp khi nhận hàng mà có luôn hóa đơn đi kèm.
 
Kinh doanh thương mại điện tử: Khó kiểm soát hàng giả, hàng lậu và thuế - ảnh 2
Đặt hàng trên mạng, hàng được giao đến nhà, nhận hàng và trả tiền mặt là hình thức thanh toán chiếm chủ yếu hiện nay khi buôn bán qua mạng. Ảnh: VTV

"Khi các đơn vị chuyển phát nhanh cũng như các đơn vị làm dịch vụ bưu chính nhận bưu phẩm không kiểm tra về hóa đơn chứng từ cũng như nguồn gốc xuất xứ hay bắt người gửi phải chứng minh hàng hóa của mình là hợp pháp" - ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ Quản lý thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường trao đổi trên truyền hình.

Bán hàng không có hóa đơn, cá nhân kinh doanh qua mạng cũng không đăng ký mã số thuế, vì thế không có cơ sở nào thống kê được doanh thu bán hàng, điều này vô tình chung đã gây thất thu cho ngân sách.

Điển hình như vụ việc bán hàng bằng hình thức livestream trên Facebook của một kho hàng rộng hơn 10.000m2 ở Lào Cai đã được lực lượng chức năng phát hiện vừa qua. Toàn bộ hàng hóa tại đây là hàng nhập lậu, không có hóa đơn chứng từ; một số mặt hàng có dấu hiệu giả mạo nhãn mác các thương hiệu nổi tiếng của Mỹ, châu Âu.

Theo thông tin điều tra, kho hàng này kinh doanh mới gần 2 năm song doanh thu đã lên tới vài trăm tỷ đồng, nhưng lại không thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước.

Từ đó có thể thấy việc thu thuế đối với người kinh doanh qua mạng đang gặp nhiều khó khăn do người bán hàng không có địa chỉ cư trú, kinh doanh rõ ràng, tên đăng ký trên mạng khác với tên thật. Đây là lý do cản trở việc nắm bắt thông tin của cơ quan thuế.

Trong khi đó, ý thức chấp hành quy định pháp luật về nghĩa vụ thuế của các cá nhân kinh doanh thương mại điện tử chưa cao. Thói quen mua hàng không lấy hóa đơn, thanh toán bằng tiền mặt của người tiêu dùng đã vô tình tiếp tay cho người kinh doanh trốn thuế.

Ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế, cho biết: "Chúng ta thiếu thông tin về các loại giao dịch thương mại điện tử, thiếu thông tin về những cá nhân hay giao dịch thương mại điện tử như vậy. Vì chúng ta không có kênh để theo dõi, thiếu sự phối hợp của sở ban ngành và các đầu mối với nhau".
 
Kinh doanh thương mại điện tử: Khó kiểm soát hàng giả, hàng lậu và thuế - ảnh 3
Các cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên phải nộp thuế. Ảnh: VTV

Theo các luật sư, để giải quyết triệt để tình trạng này thì phải có quy định mỗi giao dịch qua mạng người bán đều phải xuất hóa đơn cho người mua, có thể dùng hóa đơn giấy hoặc hóa đơn điện tử. Ngoài ra, phải có sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị vận chuyển bưu chính.

Theo quy định tại Thông tư số 92/2015-BTC ngày 15/06/2015 của Bộ Tài chính, các cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên phải nộp thuế, theo tỷ lệ 5% thuế giá trị gia tăng và 2% thuế thu nhập cá nhân. Hành vi trốn thuế sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 1 đến 3 lần số tiền trốn thuế. Cách đây ít lâu, TP Hồ Chí Minh cũng đã từng ra quyết định truy thu và phạt hơn 9,1 tỷ đồng đối với một cá nhân kinh doanh mỹ phẩm mạng Facebook nhưng không kê khai đầy đủ doanh thu kinh doanh.

Cục Thuế TP. Hà Nội đã rà soát 13.422 chủ tài khoản Facebook có các hoạt động kinh doanh; trong đó có khoảng 2.000 cá nhân đã đăng ký và được cấp mã số thuế. Bước đầu cơ quan thuế đã thu được 1,2 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước đối với số tài khoản trên.

Hiện nay, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 đã có những quy định cụ thể nhằm siết chặt các quy định về thuế đối với thương mại điện tử theo hướng xây dựng cơ sở dữ liệu và triển khai rộng rãi các dịch vụ thuế điện tử như khai thuế điện tử, hoá đơn điện tử, nộp thuế online.

Đồng thời, Luật đã quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, các tổ chức, đơn vị liên quan đến hoạt động kinh doanh thương mại điện tử nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thuế, chống thất thu thuế trong lĩnh vực này, trong đó có kinh doanh qua mạng.
 
Hải Yến