Kinh tế số là “bản sao” của thế giới thực

13:29 | 03/06/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Tại Hội thảo “Phát triển thương mại điện tử: Tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam”, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh khẳng định, thương mại điện tử (TMĐT) và kinh tế số (KTS) trong 5 tháng qua tại Việt Nam với gam màu hồng là chủ đạo len lỏi đến khắp các lĩnh vực kinh tế của Việt Nam.

Tuy nhiên, TS Võ Trí Thành cũng nhận định, dù ảo số đến đâu thì cuối cùng bản chất của kinh tế số vẫn là bản sao của thế giới thực. Nếu thế giới thực không vận hành thì mảng kĩ thuật số cũng không thể tồn tại và phát triển, dù đằng sau những bản sao ấy là những nhà toán học, bác học lvà cả hệ thống trí tuệ nhân tạo khổng lồ. Đơn cử như, Uber vừa rồi phải cắt giảm 600-700 nhân công ở Ấn Độ vì thua lỗ nặng. Như vậy dù mô hình kinh tế ứng dụng công nghệ nào cũng phải gắn với chiến lược thực của mỗi doanh nghiệp và doanh nghiệp đó phải biết chọn bản sao nào của thế giới thực để tham gia cuộc chơi.

Kinh tế số là “bản sao” của thế giới thực - ảnh 1
 Hội thảo “Phát triển thương mại điện tử: Tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam”. Ảnh DNVN/HuongLan.
Mặc dù thừa nhận quá trình chuyển đổi số trong thời gian dịch COVID-19 ở Việt Nam đã có những bước đột phá trong 5 tháng qua, ngoài quá trình KTS và TMĐT vốn là một xu hướng tất yếu, song TS. Võ Trí Thành vẫn đề cập đến 3 nguyên nhân mà trong đó chỉ có 1 nguyên nhân được coi là tích cực. Theo cách nói của TS. Võ Trí Thành thì “Chuyển đổi số nhờ có dịch bệnh nên đã được đẩy mạnh. Lý do nghe rất hay nhưng sâu xa lại rất buồn”.
Theo TS. Võ Trí Thành, nguyên nhân đầu tiên khiến TMĐT phát triển nhanh trong quá trình dịch bệnh phải kể đến là nhờ chính sách “cực chẳng đã” khi Việt Nam phải thực hiện chủ trương chống dịch COVID-19 và cách ly biên giới trong nội tại quốc gia và giữa các quốc gia. Thành công của TMĐT trong chống dịch là nhờ một nguyên nhân không hề mong muốn, nhờ một chính sách không hề ai muốn có, đó là giãn cách xã hội.
“Điểm sáng” thứ hai và cũng là nguyên nhân thứ yếu trong phát triển KTS và TMĐT 5 tháng qua theo TS. Võ Trí Thành chính là nhờ nỗi sợ hãi. Sợ hãi dịch bệnh của xã hội khiến giao dịch online tăng lên. “Thương mại điện tử tiến lên không thể nhờ vào sự sợ hãi mà phải phát triển bằng tình yêu, sự gắn bó đoàn kết và sự dịch chuyển xu hướng tiêu dùng”, TS Võ Trí Thành nói.
Lý do thứ 3 là trong thời gian chống dịch theo phân tích của TS. Võ Trí Thành chính là việc xử lý các nhiệm vụ, chỉ thị rất cần tốc độ, việc triển khai các chỉ thị cần phải nhanh và muốn nhanh thì việc tăng cường giải quyết bằng công nghệ số hóa, kinh tế số, vận hành TMĐT đã được tận dụng để giải quyết. “Nguyên nhân này được đánh giá là tích cực bởi có sự triển khai đồng bộ, nhanh và hiệu quả”, TS. Võ Trí Thành khuyến khích phát triển KTS và TMĐT từ yếu tố này.
Kinh tế số là “bản sao” của thế giới thực - ảnh 2
 Thương mại điện và kinh tế số trong 5 tháng qua tại Việt Nam với gam màu hồng là chủ đạo len lỏi đến khắp các lĩnh vực kinh tế.
Còn theo ông Phạm Đình Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (NHNN) cho biết, TMĐT và thanh toán số đang phát triển rất mạnh cả trên thế giới và Việt Nam. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với doanh nghiệp (DN) Việt Nam để nâng cao sức cạnh tranh.
Dẫn số liệu thanh toán điện tử năm 2019, ông Phạm Xuân Hòe, cho biết, 5 hình thức thanh toán điện tử hiện nay đều có sự tăng trường so với năm 2018. Cụ thể, tài khoản thanh toán tăng 13,56%; thanh toán thẻ tăng 42,74 về món giao dịch và 34,93% về giá trị giao dịch; thanh toán qua qua internet tăng 64,13% về món giao dịch và 37,3% về giá trị; mobile payment tăng 298% về món giao dịch và 300% về giá trị; thanh toán qua QR code mới triển khai năm 2019 với 5,3 triệu món và 7.700 nghìn tỷ đồng; ví điện tử tăng 40,7% cái.
Theo ông Hòe, cơ hội cho DN tiếp cận TMĐT là rất lớn, nhất là đối với DN khởi nghiệp khi quy mô thị trường dự kiến lên tới 25 tỷ USD vào năm 2020 (năm 2019 là 13 tỷ USD, năm 2020 dự báo 33 tỷ USD), tốc độ tăng trưởng 25-30%/năm; 96,9 triệu dân và tỉ lệ người dân dùng smart phone lớn (66% dùng internet; 64% dùng mạng xã hội; 60% dùng smartphone). Cùng với đó, Chính phủ đang nỗ lực nâng cấp hạ tầng internet và viễn thông mạng 3,4,5 G; hạ tầng thanh toán điện tử cải thiện; hành lang pháp lý về thanh toán thúc đẩy nhanh, cởi mở; khả năng tiếp cận nguồn tài chính đầu tư (từ nước ngoài).
Tuy nhiên thách thức hiện nay là: Thể chế chính sách cho KTS chậm ban hành; lòng tin người tiêu dùng với mua hàng trực tuyến (88% dùng tiền mặt để kiểm soát chất lượng hàng); thói quen dùng tiền mặt; hạ tầng mạng không đồng đều trong toàn quốc; bảo mật, an ninh, an toàn trong giao dịch tực tuyến; xác thực, định danh, xử lý tranh chấp nhiều trở ngại; phải cạnh tranh với các DN các nước hàng đầu khu vực như Singapore, Malaysia…
Do đó, ông Hòe đề nghị, bên cạnh sự nỗ lực vào cuộc của DN thì cần có quan điểm mở, cuộc cách mạng về tư duy chính sách, cơ chế thử nghiệm về phát triển TMĐT.