Kinh tế Trung Quốc bùng nổ khiến các trung tâm sản xuất thiếu điện

15:57 | 03/06/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sự phục hồi kinh tế "rốt ráo" của Trung Quốc đã thành công đến mức gây ra tình trạng thiếu điện tại hàng chục trung tâm sản xuất và công nghiệp ở miền nam đại lục.

Các nhà máy ở khắp các thành phố như Quảng Châu, Phật Sơn và Đông Quan, được biết đến với việc sản xuất các sản phẩm công nghệ cao và tiêu dùng toàn cầu, đã được lệnh sử dụng ít điện hơn và thậm chí đóng cửa từ 1-3 ngày một tuần để giảm thiểu tình trạng thiếu hụt.

Klaus Zenkel, Chủ tịch Phòng Thương mại EU ở Nam Trung Quốc (Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây và Hải Nam), cho biết khoảng 100 công ty thuộc tổ chức này đã bị ảnh hưởng và tình trạng thiếu hụt tiếp tục có nguy cơ tác động xấu đến đầu tư nước ngoài trong khu vực.

Ông nói: “Khi nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, các công ty rất bận rộn và có rất nhiều đơn đặt hàng... Hiện một số đã được yêu cầu đóng cửa 3 ngày một tuần. Điều đó khá phi lý... Vấn đề cơ sở hạ tầng cần được xử lý ngay lập tức".

Khi các nền kinh tế khác phải vật lộn để trở lại đà tăng trưởng, nhu cầu kỷ lục về điện từ các nhà máy và công nghiệp đã vượt xa nguồn cung ở tỉnh Quảng Đông. Vấn đề càng trở nên trầm trọng hơn do nhiệt độ cao cũng như lượng mưa thấp ở Vân Nam, vì Quảng Đông phụ thuộc một phần vào thủy điện tại đây.

Kinh tế Trung Quốc bùng nổ khiến các trung tâm sản xuất thiếu điện - ảnh 1

Các công ty phải hạn chế sử dụng điện nếu không họ sẽ bị cắt điện. Ảnh: Guangdong.

Các nhà phân tích cho biết, mục tiêu phát thải carbon của chính phủ trung ương cũng đã khiến các chính quyền địa phương không sẵn lòng mở rộng sự phụ thuộc vào nhiệt điện than, buộc các quan chức phải phân phối điện thay vào đó.

Thiểm Quá, đối tác nghiên cứu tại Plenum China Research nói rằng: "Với kế hoạch carbon của Trung Quốc... Chính quyền địa phương rất lo lắng về việc sử dụng than và nhiệt điện của họ".

Giám đốc cấp cao, Điện năng và Năng lượng tái tạo khu vực Trung Quốc tại IHS Markit, Lara Dong, cho biết các giới hạn về nhập khẩu than và sản xuất trong nước cũng là một yếu tố góp phần gây ra tình trạng thiếu hụt.

Các nhà máy đang lo lắng họ sẽ không thể đáp ứng kịp thời các đơn đặt hàng, sau khi Công ty Lưới điện Phương Nam Trung Quốc cho biết ngày 29/5 rằng 21 thành phố và khu vực trên khắp Quảng Đông sẽ được đưa vào diện phân bổ hoặc hạn chế sử dụng điện. Các công ty (buộc) phải hạn chế sử dụng điện nếu không họ sẽ bị cắt điện.

Mike Wang, giám đốc của một nhà máy điện tử bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu điện ở Đông Quan, cho biết nhân viên đã “đổ mồ hôi rất nhiều” trong suốt 36 ngày qua vì họ không thể bật điều hòa và quạt mà không vi phạm giới hạn sử dụng điện.

Ông nói rằng tình trạng thiếu điện đã làm giảm hiệu suất của nhà máy của ông từ 20 đến 30%: "“Thực sự giờ tôi rất lo lắng. Tôi không biết làm thế nào để giải thích với khách hàng (rằng đơn đặt hàng của họ sẽ bị trễ)”.

Trung Quốc đã trải qua một trong những đợt phục hồi kinh tế nhanh nhất trên thế giới từ COVID-19, chủ yếu được thúc đẩy bởi các lĩnh vực công nghiệp và sản xuất của nước này. Nền kinh tế nước này đã tăng trưởng 18,3% trong quý 1 năm 2021 so với cùng kỳ năm ngoái, mặc dù tốc độ tăng trưởng được thúc đẩy bởi mức thấp ở đầu năm 2020.

Từ tháng 1 đến tháng 4, tổng lượng điện tiêu thụ của một nhóm các thành phố ở Quảng Đông, Hồng Kông và Ma Cao được gọi là “Khu vực Vịnh Lớn”, đã tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái, công ty điện lực cho biết.

Các tỉnh trên khắp Trung Quốc đang chịu áp lực giảm cường độ sử dụng năng lượng - lượng khí thải carbon dioxide trên một đơn vị GDP - như một phần trong nỗ lực của chính quyền trung ương nhằm đạt mức phát thải carbon cao nhất vào năm 2030 và đạt “mức độ bão hòa carbon” (phát thải ròng bằng 0) vào năm 2060.

Bà Lara Dong cho biết có sẽ nguy cơ phân phối điện nhiều hơn khi tỉnh Quảng Đông đã đạt đến đỉnh nhu cầu dự kiến ​​vào tháng 7 hoặc tháng 8.

 Tiệp Nguyễn