Đại diện EVN nói gì về tình hình cung cấp điện trong những tháng tới?

Trang Mai 20:43 | 09/06/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
9 hồ thủy điện về mực nước chết, 11 nhà máy phải dừng phát, gây thiếu hụt cho miền Bắc khoảng 5.000 MW. Trong khi đó, năng lượng tái tạo lại chủ yếu tập trung ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên - nơi có tiềm năng về điện gió và điện mặt trời.

Chờ nước về các sông, hồ để giải tỏa áp lực thiếu điện

Trước những áp lực về thiếu điện những ngày gần đây, chia sẻ tại buổi tọa đàm 2 của CLB Café số, ông Nguyễn Quốc Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia cho biết, theo các số liệu từ quá khứ, tháng 6 là giai đoạn nắng nóng cực hạn. Kỳ vọng cuối tháng 6, sang tháng 7, lưu lượng nước sẽ đổ về Sông Đà, làm áp lực được giải toả. Tuy nhiên, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thủy văn), hiện tượng El Nino có thể sẽ xuất hiện vào nửa cuối mùa Hè năm 2023 và duy trì đến năm 2024 với xác suất khoảng 70-80%. 

Thêm vào đó, nhiều tổ máy bị sự cố kỹ thuật sau thời gian hoạt động tối đa trong thời gian dài, nguồn từ nhiệt điện chỉ cung ứng được 11.934 MW, chiếm 76,6% công suất lắp.

"Chúng tôi sẽ liên tục theo dõi, cập nhật tình hình thuỷ văn, diễn biến lưu lượng nước về các hồ để kịp thời ứng phó trong thời gian tới. Hơn ai hết, chúng tôi rất kỳ vọng có nước về trên sông Đà" - ông Trung nhận định. 

 Ông Nguyễn Quốc Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia phát biểu tại toạ đàm. Nguồn: Trang Mai

Về cơ bản, ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc Công ty Mua bán điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhận định, việc các nhà máy nhiệt điện hoạt động liên tục, không ngừng nghỉ đã khiến cho nhiều tổ máy gặp sự cố kỹ thuật, ảnh hưởng đến việc cung cấp điện trong tháng 6. Do đó phải cần thời gian để sửa chữa, bảo dưỡng và cố gắng đưa vào hoạt động vào cuối tháng 7, tháng 8 này. 

Ông Lâm cho biết thêm, "may ra" tháng 7 sẽ thêm nước về các hồ, hệ thống thuỷ điện sẽ được khôi phục. Bên cạnh đó, tập đoàn than khoáng sản đang tăng năng suất, tập trung sản lượng để cung cấp điện cho miền Bắc. Than đá được trộn, kết hợp với than nhập khẩu để đảm bảo nhiệt lượng. Do đó riêng về nhiệt điện thì miền Bắc đang có sự chủ động hơn miền Trung và miền Nam.

Điện năng lượng tái tạo sẽ không giải quyết được việc thiếu điện ngắn hạn ở miền Bắc

Về vấn đề điện nhập khẩu, phát biểu tại toạ đàm, ông Nguyễn Hữu Khải - Trưởng phòng Kinh doanh EVN dẫn số liệu từ Bộ Công Thương, Việt Nam đang nhập khẩu điện từ Lào khoảng 7 triệu kWh/ngày, từ Trung Quốc khoảng 4 triệu kWh/ngày, tổng sản lượng điện nhập khẩu đang chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với sản lượng điện toàn quốc là trên 850 triệu kWh/ngày. 

"Việc nhập khẩu điện không phải từ năm nay, mà đã bắt đầu từ năm 2005, trong nhiều thời điểm, việc nhập khẩu này giúp ích rất nhiều cho việc đảm bảo nguồn cung ứng điện" - ông Khải thông tin. 

Lý giải vì sao EVN chưa mua điện năng lượng tái tạo, ông Khải cho biết, phần lớn nhà máy năng lượng tái tạo gió, mặt trời mặt trời nằm ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, trong khi hiện nay thiếu hụt điện ở miền Bắc. Năng lượng tái tạo sẽ có đóng góp cho mạng lưới điện quốc gia nhưng sẽ không giải quyết được việc thiếu điện ngắn hạn ở miền Bắc. 

Về việc mua điện từ các dự án, đại diện EVN cho biết doanh nghiệp đã tổ chức nhiều cuộc họp, mời nhà đầu tư tham gia trao đổi, giải quyết vướng mắc và tiến hành đàm phán giá điện để đưa các nhà máy vào vận hành. 

Đầu năm 2023, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định 21 về khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Đến 20/3, EVN cho biết không nhận được bộ hồ sơ nào từ các nhà đầu tư. Cập nhật đến 9/6, đã có 66/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp gửi hồ sơ. 66 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp này có tổng công suất 3.691,861 MW, đã được chủ đầu tư gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện (thuộc EVN) để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện. Trong đó có 56 dự án (tổng công suất 3.087,661MW) đã đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá (theo Quyết định số 21 của Bộ Công Thương). 

EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng mua bán điện (PPA) với 51/56 dự án, trong đó Bộ Công thương đã phê duyệt giá tạm cho 40 dự án.

Đến nay, đã có 10 dự án gửi hồ sơ công nhận ngày vận hành thương mại (COD), trong đó có 9 dự án/phần dự án với tổng công suất 472,62MW đã hoàn thành thủ tục COD, chính thức được phát điện thương mại lên lưới.

Cũng theo ông Khải, trong số này có 19 dự án đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình; 27 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy; 25 dự án đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư.