Chủ nhiệm UBKT Quốc hội: Thiếu điện đã được cảnh báo vài năm trước

Đông Bắc 10:59 | 09/06/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh, các cảnh báo về thiếu điện đã được đưa ra cách đây vài năm.

 

Từ đầu tháng 6 tới nay, người dân Hà Nội cũng như các tỉnh thành miền Bắc thường xuyên bị mất điện. Lượng điện tiêu thụ bình quân cả nước đạt gần 820 triệu kWh một ngày trong tháng 5, tăng hơn 20% so với tháng 4. Riêng Hà Nội, điện tiêu thụ bình quân tháng 5 là hơn 75,4 triệu kWh, tăng 22,5% so với tháng 4. Đến 8/6, mức tiêu thụ bình quân đạt hơn 85,6 triệu kWh.

Thủy điện - một trong hai nguồn điện chính cung ứng cho Hà Nội đang sụt giảm huy động do hạn hán, các hồ thủy điện cạn nước. Theo Bộ Công Thương, hiện có 11 nhà máy thủy điện phải dừng phát điện, trong đó 5 nhà máy ở miền Bắc phải dừng là Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Thác Bà, Tuyên Quang. Đây là lý do gây thiếu hụt công suất điện cho miền Bắc khoảng 5.000 MW.

Bộ Công Thương cho hay, miền Bắc sẽ thiếu 30,9 - 50,8 triệu kWh một ngày, và nguy cơ thiếu điện tại hầu hết giờ trong ngày. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia dự báo các hồ thủy điện còn "khát" nước trong 10 ngày tới khi lưu lượng nước về hồ rất thấp.

Chia sẻ bên hành lang Quốc hội về tình trạng thiếu điện cục bộ hiện nay, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, trong các báo cáo thẩm tra của cơ quan này đã chỉ rõ "địa chỉ" chậm tại các dự án nguồn điện do các tập đoàn EVN, PVN và TKV triển khai đầu tư.

"Tình trạng thiếu điện có thể diễn ra nhiều hơn nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế phục hồi 6-7% như trước", ông nhìn nhận.

 

  Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh. Ảnh Quochoi.vn.

 Ông Vũ Hồng Thanh nói thêm, Quốc hội khi tổng kết Nghị quyết 31 về dừng đầu tư hai nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận, Ủy ban Kinh tế đã kiến nghị xem xét lại chủ trương đầu tư lĩnh vực này. Bởi, việc phát triển các nguồn điện, nhất là năng lượng tái tạo (điện gió, mặt trời) vừa qua đã tác động tới nguồn cung, lưới hệ thống điện.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, nguồn điện tái tạo chỉ phát có mức độ, chiếm tỷ trọng nhất định trong tổng đầu tư chứ không thể phát triển ồ ạt. "Năng lượng tái tạo phát triển nhiều ở vùng không có phụ tải, phải truyền tải đi xa, muốn làm vậy phải có quy hoạch, kế hoạch, chiến lược đầu tư rõ ràng. Còn đầu tư rồi, không đồng bộ với truyền tải thì không được", ông Thanh nêu quan điểm.

Điều này cũng được Chính phủ thừa nhận khi đánh giá về phát triển nguồn điện tại quy hoạch VII điều chỉnh. Theo đó, tổng công suất đặt nguồn điện năm 2019 là 56.000 MW tăng lên 69.300 MW vào 2020 nhờ sự phát triển của điện mặt trời (gồm điện mặt trời mái nhà).

Hiện miền Bắc chậm tiến độ hơn 3.000 MW nguồn nhiệt điện, miền Nam hơn 3.600 MW nhưng lại vượt gần 14.000 MW điện mặt trời. Trong khi đó, năng lượng tái tạo là nguồn điện biến đổi, phụ thuộc thời tiết, nên lượng điện năng thấp hơn 1/3 so với các nguồn điện truyền thống, như điện than.

Sự phân bổ không đều nguồn điện, khi tập trung quá nhiều nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) ở khu vực miền Trung - nơi có nhu cầu dùng điện thấp, và miền Nam cũng gây mất cân bằng cung - cầu miền, tạo sức ép lên lưới truyền tải, gây ra hiện tượng nghẽn mạch cục bộ, phải giảm phát điện tái tạo ở một số thời điểm.

Đây cũng là lý do nguồn năng lượng tái tạo vận hành nhiều, chiếm gần 27% công suất đặt toàn hệ thống điện vào cuối 2022 và cung ứng khoảng 15% nguồn huy động, nhưng điện tại miền Bắc vẫn thiếu.

Mặt khác, một số dự án nguồn nhiệt điện ở hai miền Bắc và Nam chậm tiến độ, gây nguy cơ thiếu điện và khó khăn trong vận hành do thiếu công suất nguồn dự phòng, nhất là miền Bắc đến 2025.

Điều tiết cắt giảm điện phải bảo đảm công bằng, công khai

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo 216/TB-VPCP ngày 8/6/2023 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về tình hình cung ứng điện mùa khô năm 2023.

Tình hình nắng nóng gay gắt diễn ra tại nhiều nơi trong cả nước thời gian qua đã làm tăng nhu cầu điện sinh hoạt của nhân dân, kết hợp với tình trạng nước về các hồ thủy điện rất thấp, đã gây ảnh hưởng rất lớn đến cung ứng điện trong mùa khô năm 2023.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có chỉ đạo về việc bảo đảm cung ứng điện mùa khô năm 2023, trong đó yêu cầu tuyệt đối không để xảy ra thiếu điện cũng như lưu ý các giải pháp cụ thể khắc phục các khó khăn phát sinh trong thời gian qua (Thông báo số 185/TB-VPCP ngày 19/5/2023 của Văn phòng Chính phủ).

EVN và các cơ quan liên quan đã cố gắng, nỗ lực thực hiện các giải pháp để đảm bảo cung ứng điện thời gian qua. Tuy nhiên, theo báo cáo của EVN và Bộ Công Thương, tình hình cung ứng điện hiện nay đang rất khó khăn, nguy cơ thiếu điện tại miền Bắc là hiện hữu khi mực nước tại nhiều hồ thủy điện đã về sát mực nước chết, cá biệt có một số hồ mực nước đã thấp hơn mực nước chết, đồng thời một số nhà máy nhiệt điện than lại đang bị sự cố chưa thể khắc phục đưa vào vận hành sớm (tổng công suất các nguồn điện than đang sự cố khoảng 2.600 MW).

Đây là những vấn đề mới phát sinh, cần có các giải pháp khắc phục, đồng thời cần xây dựng các kịch bản điều hành mang tính chủ động, nhằm giảm thiểu những tác động đến phát triển kinh tế và đời sống nhân dân.

Yêu cầu bảo đảm an ninh năng lượng, bảo đảm cung ứng điện là nhiệm vụ chính trị quan trọng của ngành điện đã được các đồng chí lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo xuyên suốt và thống nhất qua các thời kỳ.

Đối với khó khăn về bảo đảm cung ứng điện hiện nay, nhất là đối với miền Bắc cần được các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan, đặc biệt là EVN, Bộ Công Thương phối hợp thực hiện các giải pháp kịp thời, hiệu quả, trong đó lưu ý một số nhiệm vụ, giải pháp.

Cụ thể, EVN, PVN, TKV và các cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện các giải pháp phù hợp đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại Thông báo số 185/TB-VPCP ngày 19/5/2023, lưu ý không được để xảy ra thiếu nhiên liệu cho phát điện trong lúc khó khăn về cung ứng điện.

Chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than đang bị sự cố cần tập trung thực hiện các biện pháp khắc phục ngay để đưa vào vận hành sớm nhất có thể.

EVN phải tập trung nghiên cứu, thực hiện đồng bộ các giải pháp về cung ứng điện, đặc biệt là việc thực hiện đạt hiệu quả cao nhất các biện pháp về tiết kiệm điện; xây dựng các kịch bản điều hành cung ứng điện theo hướng dẫn của Bộ Công Thương, kể cả kịch bản thiếu nguồn điện phải điều tiết cắt giảm điện và tổ chức thực hiện bảo đảm công bằng, công khai, đúng quy định, giảm thiểu tác động đến hoạt động sản xuất và đời sống của nhân dân.