Kinh tế Trung Quốc suy giảm do hậu quả của căng thẳng thương mại với Mỹ?
Tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2018 đã chậm lại, đạt mức thấp nhất kể từ năm 1990, trong bối cảnh sụt giảm nhu cầu nội địa và chịu áp lực từ cuộc chiến thương mại và kinh tế với Mỹ. Theo tính toán sơ bộ, GDP của Trung Quốc năm 2018 đạt 90.030 tỷ nhân dân tệ (khoảng 13.280 tỷ USD), cao hơn 6,6% so với năm ngoái.
Ông Ninh Cát Triết, Cục trưởng Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc trong khi bình luận về các chỉ số kinh tế của năm ngoái tại cuộc họp báo đã nhấn mạnh rằng, Trung Quốc vẫn là một trong những quốc gia có đóng góp chính vào sự tăng trưởng của nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận cuộc chiến thương mại và kinh tế với Mỹ đã ảnh hưởng đến nền kinh tế của đất nước, song theo ông, sự tác động này có thể kiểm soát được.
Kinh tế Trung Quốc tiếp tục đà suy giảm trong quý IV/2018 dưới áp lực suy giảm nhu cầu nội địa và gói thuế quan của Mỹ, kéo tăng trưởng kinh tế năm 2018 xuống mức thấp nhất trong gần 3 thập kỷ, gây lo ngại cho nền kinh tế toàn cầu.
Tương quan với sự suy giảm của nền kinh tế Trung Quốc, cựu Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Robert Zoellick cho rằng, nền kinh tế Mỹ cũng nhiều bất ổn và bấp bênh do không còn giữ vị thế lãnh đạo thế giới trong việc đặt ra các quy tắc thương mại, Kyodo đưa tin ngày 14/1. Thái độ của Tổng thống Trump đối với vai trò lãnh đạo của Mỹ trong thương mại đã tạo ra khoảng trống trong tiến trình thiết lập quy tắc, và Trung Quốc có thể muốn lấp chỗ trống này.
Ngược với cách đánh giá của ông Trump, ông John Woods - người đứng đầu nhóm đầu tư khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Credit Suisse nhận định: "Rõ ràng Trung Quốc được nhiều hơn mất so với Mỹ và do đó giới chức nước này cần phải sẵn sàng hơn nhằm đảm bảo điều đó có ý nghĩa".
Dưới con mắt của chuyên gia Credit Suisse, thông qua tác nhân kích thích, chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình có những đòn bẩy sẵn có để giải quyết tốc độ tăng trưởng.
Bản thân Trung Quốc cũng đang nỗ lực giải quyết bất đồng thương mại với Mỹ trong năm 2019, theo phát ngôn của Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn ngày 12/1, AFP dẫn lời. Ông Chung Sơn cho rằng, Bắc Kinh cũng sẽ thúc đẩy đầu tư nước ngoài, nỗ lực thông qua một đạo luật đầu tư nước ngoài cũng như cải thiện hệ thống giải quyết tranh chấp.