Đánh vào lạm phát là nước đi sai lầm của ông Trump?

Khả Nhân 06:58 | 19/08/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ông Trump đang vịn vào yếu tố lạm phát để giành lấy lòng tin của cử tri. Song, Wall Street Journal đánh giá đây có thể là chiến lược sai lầm đối với ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hoà.

 

Ông Trump tham gia cuộc vận động tranh cử ở bang Montana. (Ảnh: Getty Images).

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump thực sự cần tìm một siêu thị mới để mua sắm, tờ Wall Street Journal (WSJ) đề xuất.

Trong bài phát biểu tại bang North Carolina vào giữa tuần trước, ông Trump phàn nàn rằng giá thịt xông khói đã tăng gấp 4 hoặc 5 lần so với vài năm trước. “Tôi không mua thịt xông khói nữa. Nó đã trở nên quá đắt”.

Theo WSJ, rõ ràng người bán thịt xông khói đang lừa ông Trump. Kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức, giá thịt xông khói chỉ tăng khoảng 18%.

Ngoài thịt xông khói, ông Trump còn khẳng định giá hàng tạp hoá đã bật tăng 70%, trong khi trên thực tế giá chỉ đi lên 21% kể từ tháng 1/2021.

Tuần trước, ông Trump nói giá xăng là 5 USD/gallon và đang tăng, dù thực tế giá trung bình toàn quốc là 3,5 USD/gallon và đang giảm.

Bất luận ông Trump lấy số liệu từ đâu, thì rõ ràng ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hoà đang muốn nhấn mạnh vào giá cả.

Có thể ông Trump nghĩ nếu cuộc bầu cử sắp tới là cơ hội để cử tri đánh giá chính quyền Biden về khía cạnh kiểm soát lạm phát, ông sẽ giành chiến thắng áp đảo.

Tuy nhiên, có thể lạm phát không còn là lá bài mà ông Trump nên trông đợi.

Lạm phát đang tiến triển theo hướng tích cực. Vào tháng 7, giá tiêu dùng tại Mỹ tăng 2,9% so với cùng kỳ, là mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021 và cũng giảm mạnh so với mức 9,1% vào giữa năm 2022.

Thị trường tài chính nhìn chung không còn coi lạm phát là một vấn đề đáng ngại. Theo Barclays, thị trường trái phiếu dự đoán trong năm tới, lạm phát sẽ hạ xuống còn 2,2%. Dự đoán vào một tháng trước là 2,6%.

Chắc chắn lạm phát vẫn là mối quan tâm của cử tri. Các cuộc thăm dò cho thấy người Mỹ nghĩ lạm phát đang trở nên tồi tệ hơn.

Ông Trump chẳng bị tội gì khi phóng đại lạm phát vì những tuyên bố của ông Trump phù hợp với cảm nhận chung của cử tri.

 

Nhiều cuộc khảo sát cho thấy về mặt kinh tế, cử tri có cái nhìn tích cực về Phó Tổng thống Kamala Harris hơn Tổng thống Joe Biden. (Ảnh minh hoạ: AP).

 

Tuy nhiên, sự hạ nhiệt của lạm phát và dữ liệu việc làm yếu hơn dự kiến đã mang lại lợi ích tức thời cho cả người tiêu dùng và đối thủ của ông Trump là Phó Tổng thống Kamala Harris: lãi suất thấp hơn.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) gần như chắc chắn sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9. Vấn đề bây giờ là Fed sẽ giảm bao nhiêu điểm cơ bản.

Ngoài thực tế là số liệu lạm phát đang cải thiện, bà Harris cũng ít phải chịu sự tức giận của công chúng như ông Biden.

Ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ cũng rút ra bài học để thu hút cử tri. Trong các bài vận động tranh cử, bà không đề cập đến việc lạm phát giảm mà thay vào đó hứa hẹn sẽ giảm chi phí sinh hoạt của người dân.

Và một nhóm cử tri - tuy nhỏ nhưng quan trọng - có vẻ sẵn sàng trao cho bà Harris cơ hội. Một số cuộc khảo sát cho thấy cử tri tin tưởng bà trên phương diện kinh tế hơn là ông Biden, dù thua kém ông Trump.

Chẳng hạn, trong một cuộc thăm dò ở 7 bang dao động, cử tri được hỏi họ tin tưởng ai hơn trong vấn đề kiểm soát chi phí sinh hoạt, 42% trả lời là bà Harris và 48% chọn ông Trump.

Trong bài phát biểu vận động tranh cử hồi đầu tuần trước, bà Harris hứa sẽ “chống lại các tập đoàn lớn có hành vi tăng giá bất hợp pháp, các chủ doanh nghiệp tăng tiền thuê nhà một cách không chính đáng... và các hãng dược lớn”.

Đây là một thông điệp tự nhiên đối với một cựu công tố viên như bà Harris, nhưng nó sẽ không tạo ra sự khác biệt rõ rệt.

Nhiều doanh nghiệp chắc chắn đã hưởng lợi khi giá cả tăng cao hơn trong vài năm gần đây, nhưng có rất ít bằng chứng chứng tỏ họ tăng giá bất hợp pháp.

Ông Trump cũng không có giải pháp cụ thể nào. Theo quan điểm của vị cựu tổng thống, lạm phát dưới thời ông Biden chủ yếu là do “chính sách năng lượng cực kỳ ngu ngốc”.

Hôm 14/8, ông Trump hứa sẽ giảm một nửa chi phí năng lượng, bao gồm giá dầu và giá điện, trong vòng 12 - 18 tháng nếu tái đắc cử.

Ông không đề cập đến bất kỳ chiến lược cụ thể nào. Tổng thống Mỹ không có quyền kiểm soát trực tiếp giá điện. Cơ sở hạ tầng sản xuất và truyền tải điện mất nhiều năm để xây dựng.

Để hạ giá dầu, ông Trump hứa sẽ “khoan, khoan nữa, khoan mãi”. Song, theo ông Jim Burkhard, trưởng bộ phận nghiên cứu dầu mỏ của S&P Global Commodity Insights, nguồn cung dầu mỏ sẽ không tăng đáng kể trong ngắn hạn.

Vị chuyên gia cho biết sản lượng dầu thô của Mỹ chủ yếu được thúc đẩy bởi giá toàn cầu. Đó là lý do tại sao sản lượng trong nước đạt kỷ lục vào năm ngoái dù ông Biden ủng hộ năng lượng tái tạo hơn nhiên liệu hoá thạch.

Trong hai năm tới, động lực chính của nguồn cung dầu thô toàn cầu sẽ là liên minh OPEC và Nga, ông Burkhard thông tin thêm.

 

Do tình trạng hỗn loạn chuỗi cung ứng trong đại dịch COVID-19 và các chính sách tài khoá để hỗ trợ nền kinh tế, lạm phát đã tăng mạnh dưới thời ông Biden.

 

Mặc dù các chính sách của hai ứng viên không có khả năng làm giảm lạm phát, một số khác lại có thể kích thích giá cả đi lên.

Cụ thể, các nhà kinh tế cho rằng kế hoạch tăng thuế quan và trục xuất người nhập cư của ông Trump sẽ gây áp lực lên chi phí nhập khẩu và tiền lương, từ đó kéo lạm phát lên cao.

Ông Trump tuyên bố sẽ áp thuế quan 60% lên hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc và 10% đối với hàng hoá từ mọi quốc gia khác. Deutsche Bank ước tính kế hoạch áp thuế này sẽ khiến giá tiêu dùng tăng từ 1,4% đến 1,7%.

Ông Trump cũng dự định sẽ gia hạn chương trình cắt giảm thuế mà ông ban hành vào năm 2017. Ngay cả khi ngân sách được bù đắp bởi doanh thu từ thuế quan, các khoản cắt giảm thuế đó vẫn là một khoản kích thích lớn.

Trong thời kỳ suy thoái, kích thích tài khoá có thể giúp ích cho nền kinh tế. Ngược lại, trong những thời kỳ khác, kích thích chỉ làm tăng thêm áp lực lạm phát.