Kinh tế Trung Quốc tiếp tục vượt trước - thêm căng thẳng cạnh tranh thương mại và đầu tư

20:16 | 08/03/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Quy mô kinh tế của Trung Quốc sẽ mang đến những căng thẳng về cạnh tranh thị phần trong thương mại và đầu tư, theo Trưởng Bộ phận kinh tế thị trường mới nổi thuộc Nomura Holdings ở Singapore, ông Rob Subbaraman.

Kinh tế Trung Quốc tiếp tục vượt trước - thêm căng thẳng cạnh tranh thương mại và đầu tư - ảnh 1
Trung Quốc tiếp tục tạo căng thẳng về cạnh tranh thị phần trong thương mại và đầu tư. Nguồn: Internet. 
Bloomberg dự báo: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc đạt khoảng 13,2 nghìn tỷ USD trong năm 2018, vượt tổng GDP 12,8 nghìn tỷ USD của 19 nước trong khối Eurozone.

Trong năm 2017, GDP của Eurozone chỉ nhỉnh hơn GDP của Trung Quốc chưa đầy 200 triệu USD.

Cho dù gặp một số thách thức lớn, bao gồm xử lý khối nợ khổng lồ, sức ép mở cửa thị trường tài chính cho các nhà đầu tư nước ngoài, và dân số lão hóa nhanh nhưng kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng với tốc độ ít nhất 6% mỗi năm trong thời gian còn lại của thập kỷ này và tăng 5-5,5% mỗi năm trong thập niên 2020, trong khi, tăng trưởng kinh tế Eurozone khó vượt xa mức 2% mỗi năm trong 2 thập kỷ tới, ông David Mann, chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách toàn cầu của ngân hàng Standard Chartered nhận định.

Sự nổi lên mạnh mẽ của kinh tế Trung Quốc sẽ đưa nền kinh tế toàn cầu trở lại với trạng thái đã duy trì trong hầu hết thời gian của lịch sử nhân loại, mà 150 năm qua chỉ là một ngoại lệ khi các nền kinh tế phương Tây dẫn trước phương Đông, theo ông Mann.

Đồng tình với sự trỗi dậy mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc, Trưởng Bộ phận kinh tế thị trường mới nổi thuộc Nomura Holdings ở Singapore, ông Rob Subbaraman cảnh báo: Quy mô kinh tế của Trung Quốc sẽ mang đến những căng thẳng về cạnh tranh thị phần trong thương mại và đầu tư, cũng như căng thẳng về chính sách đối ngoại, cho dù, ảnh hưởng của Trung Quốc đối với thị trường tài chính và hàng hóa cơ bản toàn cầu không còn nhỏ nữa.