Kinh tế Việt Nam 2020, triển vọng 2021: Ứng phó và vượt qua đại dịch COVID-19
Ứng phó và vượt qua đại dịch COVID-19, phục hồi và phát triển là nội dung sẽ được đưa ra tại Hội thảo Khoa học Quốc gia để đánh giá kinh tế Việt Nam năm 2020 và triển vọng năm 2021 vào ngày 31/3.
Sáng 31/3 tới đây, tại Hội trường A2, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp cùng Ban Kinh tế Trung ương, Ủy Ban Kinh tế của Quốc hội và Tập đoàn Đầu tư và Quản lý V-Startup sẽ tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia để đánh giá kinh tế Việt Nam năm 2020 và triển vọng năm 2021, đồng thời công bố ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2020 của trường.
Bên cạnh phần đánh giá tổng quan nền kinh tế, chủ đề của Hội thảo cũng như của ấn phẩm thường niên năm nay là “Kinh tế Việt Nam năm 2020 và triển vọng năm 2021: Ứng phó và vượt qua đại dịch COVID-19, hướng tới phục hồi và phát triển”.
Hội thảo có sự tham gia của gần 300 nhà khoa học đến từ các tổ chức quốc tế, các cơ quan trung ương, các Trường đại học, các Viện nghiên cứu trong và ngoài nước như: Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Ủy Ban Giám sát Tài chính quốc gia, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Công thương, Viện Hàn Lâm Khoa học XH, các viện nghiên cứu, trường đại học khối Kinh tế và Quản trị Kinh doanh; các chuyên gia kinh tế; đại diện các doanh nghiệp; các phóng viên báo chí...
Hội thảo khoa học quốc gia “Kinh tế Việt Nam năm 2020 và triển vọng năm 2021: Ứng phó và vượt qua đại dịch COVID-19, hướng tới phục hồi và phát triển” thu hút gần 300 đại biểu tham dự
Đại dịch COVID-19 đặt ra những thách thức chưa từng có tiền lệ và những khó khăn vô cùng to lớn đối với toàn bộ nền kinh tế, đã và đang tác động mạnh mẽ và sâu rộng đến toàn bộ các ngành, các khu vực và các đối tượng khác nhau. Việc hoàn thành “mục tiêu kép” của năm 2020 được hiểu là vừa kiểm soát được dịch bệnh, vừa giảm thiểu được những tác động tiêu cực của đại dịch, giúp duy trì tăng trưởng kinh tế, dù ở mức tăng trưởng thấp nhất trong hơn 20 năm qua (tăng 2,91%), nhưng vẫn thuộc nhóm nước có mức tăng trưởng cao nhất toàn cầu, trong bối cảnh tăng trưởng chung của kinh tế thế giới suy giảm 4%.
Các nhà khoa học của trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng làm rõ các nguyên nhân lí giải cho việc nền kinh tế Việt Nam vẫn là điểm sáng trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực trượt dài trong tăng trưởng âm. Ngoài 2 nguyên nhân cơ bản là cách thức chống dịch hiệu quả của Việt Nam và hàng loạt các giải pháp để hỗ trợ nền kinh tế như các giải pháp tài khóa và tiền tệ của Chính phủ còn có một nguyên nhân khác. Đó là, nền kinh tế Việt Nam dựa phần lớn các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, hoặc khu vực phi chính thức có quy mô siêu nhỏ. Đây là những khu vực chịu ảnh hưởng lớn từ đại dịch, nhưng cũng là khu vực rất linh hoạt để thích ứng với tình hình mới.
Mặc dù Chính phủ đã có những chính sách kịp thời trong gói hỗ trợ lần 1 nhằm hỗ trợ và giải cứu một số khu vực kinh tế và đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất; những diễn diễn phức tạp trở lại của đại dịch trên nhiều địa phương trong cả nước đang và sẽ tác động toàn diện và nặng nề hơn đến nền kinh tế, đòi hỏi Chính phủ phải cân nhắc một gói hỗ trợ mới trong năm 2021 và thậm chí xa hơn, với quy mô lớn và độ bao phủ rộng hơn, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, duy trì phát triển kinh tế và chuẩn bị giai đoạn phục hồi sau đại dịch.
Do vậy, việc tổng kết thực tiễn chính sách hỗ trợ và đánh giá hiệu quả của chúng là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện tại của nền kinh tế. Hội thảo được kỳ vọng sẽ đánh giá được tổng quan kinh tế Việt Nam, tác động của đại dịch COVID-19 đến nền kinh tế, chỉ ra được các ưu nhược điểm của các chính sách ứng phó với COVID-19 trong thời gian qua, từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm nhằm thiết kế và thực hiện được gói hỗ trợ kinh tế mới một cách hiệu quả và thiết thực hơn.
Hội thảo tổng kết toàn diện kinh tế Việt Nam năm 2020, đánh giá các chính sách ứng phó đối với đại dịch COVID-19 của Chính phủ trong năm 2020, từ đó đề xuất các khuyến nghị chính sách nhằm hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời chuẩn bị những điều kiện cơ bản để phục hồi trong năm 2021 và những năm tiếp theo.
Với mục tiêu trên, Hội thảo sẽ tập trung vào các nội dung sau:
- Làm rõ bối cảnh quốc tế, tác động của COVID-19 đến kinh tế thế giới; nghiên cứu các chính sách đã được thực hiện trên thế giới, hiệu quả và những rủi ro đi kèm, từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm cho Việt Nam;
- Đánh giá diễn biến kinh tế Việt Nam năm 2020 và mức độ tác động của COVID-19 đến kinh tế Việt Nam thông qua các kênh khác nhau đến các khu vực chính của nền kinh tế (khu vực kinh tế thực, khu vực đối ngoại, khu vực tài chính tiền tệ, khu vực tài chính ngân sách...);
- Đánh giá các tác động tích cực và những tồn tại hạn chế của các chính sách hỗ trợ nền kinh tế để đối phó với COVID-19 đã thực hiện trong năm 2020, phân tích nguyên nhân của các tồn tại hạn chế;
- Phân tích và dự báo những cơ hội và thách thức trong năm 2021; đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2021;
- Quan điểm, định hướng chính sách và giải pháp cho năm 2021, nhằm mục tiêu vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19, chuẩn bị phục hồi sau đại dịch và tiếp tục phát triển dài hạn.
Minh Hoa