Kỳ vọng lợi nhuận cao hơn có thể cản trở sự phục hồi của thị trường chứng khoán
Chọn lọc kỹ cổ phiếu
Theo Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam), từ cuối năm 2022, trước áp lực lạm phát và tỷ giá, các ngân hàng không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tăng lãi suất huy động để cải thiện khả năng thanh khoản.
Với sự ổn định vĩ mô tốt hơn so với năm 2022, thị trường những tháng đầu năm được kỳ vọng sẽ tiếp tục thu hút dòng vốn vào. Tuy nhiên, Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) nhận thấy có nhiều sự thay đổi mang tính cơ bản nên nhà đầu tư cần thận trọng hơn trong thời điểm này.
Sau đợt tăng mạnh trước đó, áp lực chốt lời hiện đang gây áp lực lên thị trường chung, đặc biệt là ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Hơn nữa, kết quả kinh doanh quý IV/2022 không khả quan sẽ sớm đẩy định giá thị trường tăng lên.
Do đó, các nhà đầu tư nên chọn lọc hơn, chú ý đánh giá sâu hơn về giá trị nội tại, triển vọng tăng trưởng và chất lượng tài sản của từng cổ phiếu riêng lẻ trước khi đưa ra quyết định đầu tư.
Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn tương đối hấp dẫn xét về triển vọng tăng trưởng kinh tế và thu nhập doanh nghiệp.
Về diễn biến giao dịch tuần qua (từ 6 - 10/2), Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho biết, chốt tuần, VN-Index giảm 21,85 điểm xuống 1.055,30 điểm, HNX-Index giảm 6,78 điểm xuống mức 208,50 điểm.
Giá trị giao dịch trên HOSE giảm 26,3% so với tuần giao dịch trước đó xuống mức 49.133 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 29% xuống 2.587 triệu cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX giảm 38,4% xuống 4.260 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 39,7% xuống 282 triệu cổ phiếu.
Thị trường điều chỉnh trong tuần qua khiến cho phần lớn các nhóm ngành cổ phiếu đều có sự suy giảm. Nhóm cổ phiếu dịch vụ tiêu dùng giảm mạnh nhất với 7,3% giá trị vốn hóa, chịu áp lực từ 2 ngành con là bán lẻ, du lịch và giải trí. Bán lẻ mặc dù có sự phân hóa nhưng cổ phiếu MWG với mức giảm 11,9% đã kéo lùi cả ngành, các cổ phiếu khác như DGW giảm 3,87%, trong khi FRT tăng 0,42%, PET tăng 1,92%. Ngành du lịch và giải trí với VJC giảm 6,51% và HVN giảm 2,42%.
Tiếp theo là cổ phiếu tài chính với mức sụt giảm 2,6% giá trị vốn hóa, chủ yếu đến từ 2 nhóm ngành con là bất động sản và chứng khoán. Nhóm ngành bất động sản chịu tác động chính bởi các cổ phiếu thuộc họ Vingroup với VHM giảm 5,61%, VIC giảm 3,57% và VRE giảm 3,42%.
Liên quan đến nhóm bất động sản, tại hội nghị với doanh nghiệp bất động sản ngày 8/2, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra thông điệp nhà điều hành không siết chặt tín dụng bất động sản. Cụ thể, dư nợ tín dụng bất động sản đến cuối năm 2022 đạt khoảng 2,58 triệu tỷ đồng, tăng hơn 24% so với cuối năm 2021 và là một trong những lĩnh vực được giải ngân với mức tăng cao nhất. Tính đến cuối 2022, bất động sản chiếm tỷ trọng 21,2% tổng dư nợ với nền kinh tế - là mức cao nhất trong 5 năm qua.
Nhóm ngành chứng khoán, tuần qua cũng giảm với SHS giảm 5,56%, MBS giảm 4,96%, SSI giảm 3,8, VND giảm 28%, VCI giảm 2,21%...
Cổ phiếu nguyên vật liệu giảm 2,4% giá trị vốn hóa, với các cổ phiếu tiêu biểu trong ngành là NKG giảm 4,26%, HPG giảm 2,84%, HSG giảm 2,04%...
Chiều ngược lại, cổ phiếu dầu khí tăng ấn tượng với mức tăng 4,5% vốn hóa. Các mã tiêu biểu trong nhóm này là PVD tăng 5,18%, PLX tăng 2,86%, PVC tăng 2,21%, BSR tăng 1,86%, PVS tăng 0,85%...
Khối ngoại mua ròng trên hai sàn trong tuần qua với 908 tỷ đồng. Xét theo khối lượng ròng, STB là mã chứng khoán được mua ròng nhiều nhất với 29,9 triệu cổ phiếu. Tiếp theo là HPG và HCM với lần lượt 9,5 và 3,3 triệu đơn vị. Ở chiều ngược lại, DXG là mã chứng khoán bị bán ròng nhiều nhất với 5 triệu cổ phiếu.
Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 2/2023 đang thấp hơn chỉ số cơ sở VN30 với mức chênh 3,74 điểm. Động thái này cho thấy các nhà giao dịch đang khá tiêu cực về triển vọng thị trường trong ngắn hạn.
Theo SHS, thị trường đã có 2 tuần điều chỉnh liên tiếp sau 4 tuần tăng điểm thời điểm đầu năm 2023. VN-Index điều chỉnh khi chạm ngưỡng kháng cự trung bình 200 tuần.
Tuần qua, chỉ số giảm nhẹ hơn so với tuần trước tuy nhiên VN-Index đang sắp chạm ngưỡng hỗ trợ 1.050 điểm và có nguy cơ quay trở lại trạng thái downtrend (giai đoạn mà giá thị trường có xu hướng giảm) trung hạn. Xét theo phân tích kỹ thuật, thị trường vẫn đang trong xu hướng phục hồi sau khi đã thoát downtrend và quá trình điều chỉnh sau giai đoạn hồi phục mạnh là bình thường.
Do đó, SHS vẫn kỳ vọng thị trường sau giai đoạn điều chỉnh hiện tại sẽ tiếp tục nỗ lực phục hồi và tìm đến khu vực cân bằng để tích lũy trung hạn.
Xét về ngắn hạn, VN-Index đang bị thử thách trước kỳ vọng có thể duy trì trạng thái vận động bên trên kênh downtrend trung hạn, nhưng một số yếu tố vận động tích cực của một số cổ phiếu dẫn dắt đặc biệt là dòng ngân hàng vẫn đem đến hy vọng VN-Index không trở lại downtrend và vẫn còn khả năng hồi phục sau điều chỉnh để hướng tới vùng cản thực sự mạnh 1.150 điểm.
Với góc nhìn trung - dài hạn, SHS vẫn luôn đề cập đến tình huống thị trường chưa thể tạo uptrend trong thời gian ngắn sắp tới, VN-Index chỉ đơn giản là đang vận động trong sóng hồi và cần thêm một giai đoạn cân bằng và tích lũy lại một cách chặt chẽ và tin cậy mới có thể tạo ra uptrend (xu hướng tăng trưởng chung về giá chứng khoán) tiếp theo.
Xét tổng thể thì mặt bằng giá cổ phiếu hiện tại đang khá hấp dẫn cho đầu tư trung - dài hạn. Nhiều dòng cổ phiếu chủ chốt vẫn đang vận động tích cực, duy trì uptrend và còn có thể vượt đỉnh thời đại như một số cổ phiếu ngân hàng hay cổ phiếu công nghệ nên có thể kỳ vọng khả năng phân hóa của các dòng cổ phiếu và cơ hội giải ngân vẫn sẽ xuất hiện trong giai đoạn hiện tại.
Chứng khoán thế giới đi xuống
Thị trường chứng khoán Việt Nam giảm điểm trong bối cảnh các thị trường chứng khoán trên thế giới cũng đi xuống.
Dù các chỉ số chứng khoán Mỹ hầu hết tăng cao hơn trong phiên 10/2, nhưng chỉ số chính gồm S&P 500 và Nasdaq Composite đã có tuần giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 12/2022.
Nasdaq đã mất chuỗi 5 tuần tăng điểm liên tiếp khi các nhà giao dịch chờ đợi báo cáo lạm phát tháng 1/2023 được công bố vào tuần tới.
Cụ thể, Nasdaq giảm 2,4%, Dow Jones đã giảm 0,2%, còn S&P 500 mất 1,1% trong tuần qua. Đây là tuần giảm thứ hai liên tiếp của Dow Jones, trong khi S&P 500 mất chuỗi hai tuần tăng với mức giảm theo phần trăm lớn nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 16/12.
Mặc dù các chỉ số chính chứng khoán đã giảm trong tuần qua, nhưng một số nhà quan sát nhận định rằng họ đã tránh được những tổn thất sâu hơn. Vì Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã không đi chệch khỏi quan điểm rằng "quá trình giảm lạm phát đã bắt đầu" trong các bình luận vào đầu tuần.
Các nhà đầu tư sẽ theo dõi chặt chẽ số liệu giá tiêu dùng của Mỹ vào thứ Ba tuần tới (14/2) để tìm thêm các dấu hiệu cho thấy lạm phát đang tiếp tục ở mức vừa phải. Một số chuyên gia khác cảnh báo rằng việc tăng trưởng tiền lương vẫn cao và lạm phát khu vực dịch vụ có thể gây ra vấn đề khi báo cáo CPI được công bố.
Thị trường chứng khoán châu Á cũng giảm điểm trong phiên chiều 10/2. Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong (Trung Quốc) giảm 1,8% xuống 21.226,98 điểm trong bối cảnh các công ty công nghệ chịu sức ép bán ra lớn, còn chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải (Trung Quốc) giảm 0,3% xuống 3.260,67 điểm.
Chứng khoán Sydney, Seoul, Singapore, Mumbai, Bangkok và Jakarta cũng giảm. Trong khi đó, tại Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 tăng 0,3% lên 27.670,98 điểm nhờ đồng yen suy yếu.