Kỳ vọng những “gót chân xanh” mới đồng hành phát triển bền vững
Phát biểu tại Lễ công bố doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2018 vào tối 22/11, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, Đồng Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) cho rằng 2018 tiếp tục đánh dấu một năm đầy biến động và sôi động khi mà bức tranh kinh tế thế giới và môi trường phát triển tiếp tục có sự chuyển đổi sâu sắc.
“Tại Việt Nam, trong thời gian gần đây, chúng ta được đón nhận nhiều tin vui của câu chuyện hội nhập và tăng trưởng kinh tế: Hiệp định thương mại tự do như CPTPP vừa được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn, hay FTA Việt Nam-EU cũng đang trong quá trình tiến tới ký kết và phê chuẩn dự kiến vào đầu năm 2019. Những hiệp định FTA thế hệ mới đó đang mở ra những cơ hội to lớn cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước và cộng đồng doanh nghiệp”, TS. Vũ Tiến Lộc nói.
Ông Lộc cũng cho rằng, song song với đó là những sáng kiến, chương trình hành động mới của Chính phủ để tạo động lực cho sự phát triển của khối doanh nghiệp, như xây dựng Bộ chỉ số phát triển doanh nghiệp Việt Nam hay phát động phong trào thi đua yêu nước mới trong cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân thông qua chương trình “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”.
Tại Hội nghị thượng đỉnh cấp cao APEC 2018 vừa qua, PwC đã công bố một kết quả nghiên cứu rất khả quan: Trong số 21 nền kinh tế APEC thì Việt Nam trở thành điểm lựa chọn đầu tiên của các nhà đầu tư cho các hoạt động đầu tư kinh doanh trong 12 tháng tới. Kết quả này cho thấy những nỗ lực không mệt mỏi của Chính phủ, các cơ quan hữu quan, của cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả.
Theo ông Lộc, Việt Nam chỉ có thể tận dụng được lợi ích từ các FTA, cũng như các cơ hội trở thành quán quân thu hút FDI hay thực hiện thành công các mục tiêu phát triển doanh nghiệp khi có được giải pháp thúc đẩy, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp theo hướng phát triển bền vững. Ba trụ cột của phát triển bền vững chính là hiệu quả kinh tế, hài hoà về xã hội và thân thiện với môi trường. Nói cách khác, lợi nhuận doanh nghiệp phải đạt được thông qua phụng sự xã hội, vì lợi ích của con người và không làm "đau" trái đất. Đối với doanh nghiệp, những giá trị này đang trở thành sức mạnh cạnh tranh cốt lõi.
Ngày càng nhiều doanh nghiệp trở thành “hạt giống xanh”
Chủ tịch VCCI chia sẻ: Trong bối cảnh hiện nay, phát triển bền vững là chiến lược và mô hình kinh doanh mới của doanh nghiệp, là "giấy thông hành" của doanh nghiệp đến với thị trường và hướng tới tương lai. Các chuỗi giá trị chọn đối tác, người tiêu dùng chọn sản phẩm và dịch vụ, người lao động chọn nơi làm việc... đều hướng tới các giá trị có tính chất nhân văn, bền vững chứ không chỉ quan tâm tới các lợi ích kinh tế trong ngắn hạn. Các doanh nghiệp phát triển bền vững là những doanh nghiệp có thể đưa ra những sản phẩm dịch vụ được thị trường lựa chọn đầu tiên, và cũng là nơi người lao động lựa chọn là nơi làm việc lý tưởng của mình.
Sớm nhận thức được điều này, VCCI – với vai trò đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, đã thành lập VBCSD từ năm 2010 để góp sức xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp vững mạnh. VBCSD đã, đang triển khai hàng loạt các chương trình hướng tới tăng trưởng xanh, thúc đẩy triển khai nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam và đặc biệt là VBCSD, VCCI đã cùng với các chuyên gia hàng đầu trong nước, quốc tế dày công xây dựng Bộ chỉ số Doanh nghiệp bền vững (CSI) và triển khai Chương trình đánh giá, công bố doanh nghiệp bền vững thường niên từ năm 2016 theo sự chỉ đạo của Chính phủ. Bộ chỉ số CSI chính là công cụ tuyệt vời để đo lường sức khỏe của doanh nghiệp trên 3 lĩnh vực: kinh tế, xã hội, môi trường.
CSI không chỉ dừng lại ở con số 131 chỉ tiêu, mà trên hết, CSI giúp tất cả các doanh nghiệp – đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ - hoạch định một lộ trình cụ thể để xây dựng chiến lược phát triển bền vững, sớm phát hiện những rủi ro cũng như những cơ hội kinh doanh mới, qua đó quản trị doanh nghiệp hiệu quả hơn theo định hướng phát triển bền vững.
“VCCI khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các thành viên Ban lãnh đạo doanh nghiệp, hãy nghiên cứu kỹ lưỡng Bộ chỉ số CSI, đưa CSI vào “trái tim” của doanh nghiệp, để CSI đồng hành và giúp các doanh nghiệp phát huy được hết những tiềm năng phát triển của mình”, ông Lộc chia sẻ.
Doanh nghiệp với tinh thần “Thánh Gióng”
Khẳng định lợi ích từ phát triển bền vững, TS. Vũ Tiến Lộc đưa ra con số rất cụ thể: “Một báo cáo mới đây đã chỉ ra rằng thực hiện thành công 17 Mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030 sẽ mở ra cơ hội kinh doanh trị giá ít nhất 12 nghìn tỷ đô la, hay sẽ tạo ra thêm ít nhất 380 triệu việc làm – với gần 90% được tạo ra ở các nước đang phát triển. Vậy tại sao cộng đồng doanh nghiệp của chúng ta không sớm chuyển mình để có thể biến phát triển bền vững trở thành một lợi thế cạnh tranh lâu dài, và nắm bắt được những cơ hội tuyệt vời được hình thành từ chính nó?”
Từ đó, ông Lộc kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp hãy hành động ngay từ bây giờ, hãy bắt đầu từ việc thay đổi tư duy kinh doanh, nghiên cứu kỹ lưỡng 17 Mục tiêu phát triển bền vững, lựa chọn những mục tiêu phù hợp để lồng ghép vào chiến lược phát triển của doanh nghiệp và áp dụng Bộ chỉ số CSI để có thể quản trị doanh nghiệp hiệu quả hơn.
“Tôi cũng kỳ vọng rằng sẽ sớm có thêm nhiều gương mặt mới, những “gót chân xanh” mới đồng hành cùng VBCSD, VCCI trên hành trình xanh, hướng tới tương lai phát triển bền vững. Chúng ta đang nỗ lực để truyền tải đến thế giới thông điệp: Việt Nam sẽ tăng tốc và trở thành nước có thu nhập trung bình cao trong vòng hai thập niên tới với những thành quả ấn tượng về bình đẳng, công bằng xã hội và quản lý nhà nước hiệu quả. Để làm được điều đó, hãy mang theo tinh thần của “Thánh Gióng” khi chinh phục những thử thách mới, và viết nên câu chuyện của một Việt Nam mạnh mẽ trong nội tại; cởi mở, đáng tin trong hợp tác và phát triển bền vững trong tương lai”.