Kỳ vọng sửa đổi Luật Doanh nghiệp
Thực tế ba chục năm qua tại Việt Nam, cứ mỗi lần sửa đổi Luật Doanh nghiệp là một lần diễn ra cuộc cải cách mạnh mẽ về quyền kinh doanh, thể hiện sự thay đổi về tư duy kinh tế. Và qua mỗi lần đó, Việt Nam lại có bước phát triển mới về doanh nghiệp, về tăng trưởng kinh tế. Cả xã hội đang kỳ vọng vào việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần thứ tư dự kiến sẽ được Quốc hội chính thức xem xét thông qua vào kỳ họp tới.
Trong phiên họp hôm qua (23/3), UBTVQH đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và nhiều đại biểu phân tích những vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau của các đại biểu QH thảo luận tại kỳ họp trước; ý kiến tổng hợp của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và ý kiến của các chuyên gia, các nhà doanh nghiệp đóng góp vào dự án luật quan trọng này.
Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân (sau đó được sửa đổi, bổ sung, hợp nhất thành Luật Doanh nghiệp) được ban hành đầu tiên năm 1990 đã tạo ra sự đột phá đánh dấu sự cải cách mạnh mẽ về quyền kinh doanh, thể hiện sự thay đổi về tư duy kinh tế của Đảng và Nhà nước ta. Sau 3 lần sửa đổi (vào các năm 1999, 2005 và 2014), đến thời điểm này, Luật Doanh nghiệp tuy đã phát huy nhiều tác động tích cực, nhưng cũng bộc lộ nhiều hạn chế, cần phải được sửa đổi, hoàn thiện. Chẳng hạn như một doanh nghiệp đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp hiện hành, nếu muốn chuyển sang kinh doanh một lĩnh vực mới, doanh nghiệp phải tiến hành giải thể, sau đó làm thủ tục thành lập mới, phải đăng ký tại một cơ quan chuyên ngành. Hậu quả là ngoài chi phí thực hiện thủ tục hành chính liên quan thì doanh nghiệp mất đi tính liên tục trong kinh doanh, không tận dụng được lợi ích về hình ảnh, thương hiệu đã xây dựng. Ngoài ra, còn một số quy định trong luật hiện hành chưa rõ ràng, không tương thích với sự thay đổi pháp luật liên quan, không còn phù hợp với thực tiễn... Chính vì vậy, các đại biểu Quốc hội đều nhất trí phải sửa đổi ngay Luật Doanh nghiệp, tạo khung khổ pháp lý về tổ chức quản trị doanh nghiệp, tháo gỡ các rào cản để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, khi đi vào cụ thể của từng vấn đề trong dự thảo luật thì vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam đề nghị cần đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của luật để phù hợp với xu thế phát triển của xã hội, bảo đảm minh bạch, tạo địa vị pháp lý vững chắc cho hộ kinh doanh, tạo sự bình đẳng, hỗ trợ thúc đẩy phát triển và bảo vệ cho các hộ kinh doanh. Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lại đề nghị không quy định nội dung về hộ kinh doanh vào dự thảo luật và yêu cầu cần có một luật riêng. Có đại biểu lý giải, hiện chưa thể đưa hộ kinh doanh vào trong một luật riêng được vì cần thêm thời gian nghiên cứu, vì thế cần luật hóa về hộ kinh doanh tại dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Nhiều vấn đề khác cũng chưa được thống nhất...
Tự do kinh doanh là một quyền đã được quy định trong Hiến pháp. Quyền tự do kinh doanh bao gồm nhiều quyền cụ thể, trong đó có quyền lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh và quy mô kinh doanh. Vì vậy, theo ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, Luật Doanh nghiệp phải cụ thể hóa được những quyền này. Cơ quan soạn thảo và các cơ quan của Quốc hội cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng sự xung đột, mâu thuẫn của Luật Doanh nghiệp với các luật khác, đối chiếu với tình hình thực tế, làm cơ sở để tiếp tục sửa đổi, lấy thêm ý kiến của người dân và doanh nghiệp trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua. Với những vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau, cần có nhiều phương án để các đại biểu Quốc hội lựa chọn.
Giới doanh nghiệp, doanh nhân và đông đảo người lao động đang kỳ vọng vào sự đột phá của việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp nhằm khắc phục các “khuyết tật” của thị trường, không chỉ tạo ra những điều kiện thuận lợi cho từng doanh nghiệp hình thành và phát triển mà còn tạo điều kiện tốt nhất để nền kinh tế nước nhà tăng trưởng nhanh, bền vững.