Lãi ròng 6 tháng giảm 46%, Việt Phát (VPG) trả cổ tức đợt 1 năm 2021 và tạm ứng cổ tức năm 2022 bằng tiền tỷ lệ 5%

Trang Mai 17:14 | 09/09/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ngày 8/9, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Xuất nhập khẩu Việt Phát (VPG) đã phát thông báo Nghị quyết HĐQT về việc chi trả cổ tức năm 2021 và tạm ứng cổ tức năm 2022.

Theo đó, VPG cho biết Công ty đã thông qua việc chi trả cổ tức đợt 1 năm 2021 theo số tiền đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 thông qua và theo số lượng cổ phiếu hiện tại của Công ty (vấn đề này sẽ được báo cáo tại Đại hội cổ đông gần nhất) và tạm ứng cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt.

Ngày đăng ký cuối cùng là 23/9, với tỷ lệ thực hiện 5% (1 cổ phần được nhận 500 đồng). Trong đó, chi trả cổ tức đợt 1 năm 2021 là 4,5% (1 cổ phần nhận được 450 đồng) và tạm ứng cổ tức năm 2022 0,5% (1 cổ phần nhận được 50 đồng). 

Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Xuất nhập khẩu Việt Phát, tiền thân là một Công ty dịch vụ vận tải chuyên vận tải nội địa, được thành lập năm 2008 do 3 cổ đông sáng lập với số vốn điều lệ 25 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh chính của công ty là kinh doanh, xuất nhập khẩu và cung cấp quặng sắt và than cho các nhà máy thép và nhà máy nhiệt điện, cùng với một số dịch vụ như vận tải, kho bãi,…

Về tình hình kinh doanh, luỹ kế 6 tháng đầu năm, VPG báo cáo doanh thu thuần 2.440,5 tỷ đồng, tăng 17,11% so với 2.083,8 tỷ đồng của kỳ trước. Trừ giá vốn bán hàng, lợi nhuận gộp từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ là 252,9 tỷ đồng, giảm mạnh 39% so với cùng kỳ. Biên lãi gộp giảm từ 19,9% cùng kỳ năm ngoái xuống 10,4% trong kỳ này do sự tăng vọt của giá vốn.

Nhìn chung, 6 tháng đầu năm 2022, VPG ghi nhận lợi nhuận sau thuế 140,5 tỷ đồng, giảm 46% so với cùng kỳ năm trước.

Giải trình về nguyên nhân lợi nhuận giảm mạnh, phía VPG cho biết, 6 tháng đầu năm 2021, Công ty thực hiện hợp đồng than cốc ký từ năm 2020 giá nhập vào thấp, giá bán ra cao. 6 tháng đầu năm 2022 các hợp đồng đầu vào, đầu ra than cốc chênh lệch không nhiều như 6 tháng đầu năm 2021. Do vậy, lợi nhuận gộp than cốc 6 tháng đầu năm 2022 giảm so với 6 tháng đầu năm 2021 là 60,08%. Ngoài ra, 6 tháng đầu năm 2021, Công ty có doanh thu bất động sản, hiệu quả lãi gộp đạt 36,16 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2022 không có khoản lãi gộp bất động sản này. Hợp đồng Than nhiệt đang triển khai, chưa có doanh thu trong 6 tháng đầu năm 2022. 

 Bảng so kết một số chỉ tiêu của VPG 6 tháng đầu năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2021. (Ảnh: Mai Trang tổng hợp)

Về tình hình tài chính, tính đến 30/6, tổng tài sản của VPG tăng mạnh 80% lên 4.295 tỷ đồng từ mức 2.383,9 tỷ đồng hồi đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn là 3.264 tỷ đồng, tài sản dài hạn là 1.031 tỷ đồng.

Chiếm chủ yếu trong tài sản của VPG là tiền và các khoản tương đương tiền với 1.393,3 tỷ đồng, chiếm 32,4% và tăng 86% so với kỳ trước; các khoản phải thu ngắn hạn 1.152,3 tỷ đồng, tăng 80%; hàng tồn kho với 716 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,6%. 

Tổng nợ của VPG tại ngày 30/06 là 2.726 tỷ đồng, tăng so với tổng nghĩa vụ nợ 1.471 tỷ đồng vào đầu năm.

Trong đó, nợ ngắn hạn là 2.511,6 tỷ đồng, nợ dài hạn là 214,7 tỷ đồng. Vay và nợ thuê tài chính cả ngắn hạn và dài hạn là 844,7 tỷ đồng, tương 31% tổng nợ.

Vốn chủ sở hữu tính đến cuối quý II của VPG là 1.569 tỷ đồng, tăng 71,7% từ hồi đầu năm. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của công ty đến cuối quý II/2022 là 1,74 lần.

 

Theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ của doanh nghiệp, lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, VPG ghi nhận dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh dương 276,3 tỷ đồng. Trong khi đó, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm 499,5 tỷ đồng so với mức dương 13,8 tỷ đồng cùng kỳ 2021, chủ yếu do tiền chi mua sắm, xây dựng tài sản cố định và các tài sản dài hạn khác lên tới 454,4 tỷ đồng. 

Bù lại, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính tăng mạnh 1158%, đạt 868 tỷ đồng. Mức dương đến từ tiền thu từ phát hành cổ phiếu, nhận vốn góp chủ sở hữu là 536 tỷ đồng; tiền thu từ đi vay với 950 tỷ đồng. Do đó tính chung trong kỳ, lưu chuyển tiền thuần dương 645 tỷ đồng, giảm 5,8% so với kỳ trước.