Lalamove ra Hà Nội cạnh tranh cùng các 'ông lớn' lĩnh vực giao-nhận
Tại buổi họp báo, ông Charles Chamblas, Giám đốc phát triển thị trường của Lalamove (Head of International Expassion Lalamove) cho biết, Lalamove đã đặt chân tới và thành công tại hơn 112 thành phố châu Á trước khi đến Hà Nội. Ông nhấn mạnh: “Lalamove bước vào thị trường Hà Nội với tâm thế chia sẻ, học hỏi. Lalamove đã có nhiều bài học kinh nghiệm về quản trị, vận hành ứng dụng giao hàng tại nhiều thành phố trên toàn châu Á, trong đó có các thị trường ở các nước lân cận như Thái Lan, Philippine, Singapore… Trong một năm làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi cũng hiểu rằng thị trường Việt Nam có nhiều điểm khác biệt, chúng tôi muốn bước vững chắc, và sẵn sàng lắng nghe ý kiến của các bên bán hàng, đối tác để làm tốt hơn các công việc của mình. Với kinh nghiệm quản trị, điều hành và mở rộng thị trường cùng tầm nhìn dài hạn, chúng tôi hy vọng có thể giúp sức nâng cao chất lượng dịch vụ ngành giao-nhận ở Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung”.
Tiết lộ về lý do chọn Hà Nội là thành phố tiếp theo trên con đường của Lalamove, ông Philippe Rambaud, Trưởng bộ phận phát triển thị trường Hà Nội (Head of Hanoi Expansion) cho biết: “Tới 2020, Việt Nam sẽ có hơn 50 triệu khách hàng mua sắm trực tuyến, tổng doanh thu từ ngành thương mại điện tử sẽ lên đến con số 50.2 tỷ đồng… đây là một thị trường lớn đối với các hãng cung cấp dịch vụ giao-nhận tức thời như Lalamove. Thêm vào đó, sau một năm hoạt động ở thị trường Thành Hồ Chí Minh, Lalamove có được những tiến triển tốt. Vì thế Lalamove có mặt ở Hà Nội để phục vụ thị trường tiềm năng này”.
Việc Lalamove bước chân tới Hà Nội thêm sức cạnh tranh trong lĩnh vực này khi ngày hôm qua (3/10), Grab cũng đã cho ra mắt dịch vụ GrabFood tại thị trường này. Ngoài ra, cuộc cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ nặng ký nưu Go-Viet, FastGo, Now và AhaMove, GrabExpress… cũng trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết. Người tiêu dùng, doanh nghiệp thủ đô sẽ có thêm một sự lựa chọn khi muốn giao, nhận hàng nhanh chóng, tiện lợi.
Tại lễ ra mắt, Lalamove cũng tổ chức tọa đàm về các vấn đề trăn trở liên quan đến “shipper” (người giao nhận hàng) như thực trạng hình thành nghề shipper tại đô thị Việt Nam những năm qua, khó khăn từ các phía trong hệ sinh thái thương mại điện tử liên quan đến làm việc và hợp tác với shipper.
Tại đây, đại diện doanh nghiệp nằm trong chuỗi cung ứng giao-nhận cũng đưa ra những thảo luận về giải pháp và các khuyến nghị các bên trong chuỗi cung ứng thực hành luôn để hỗ trợ tốt hơn cho shipper - một mắt xích quan trọng chưa được chính thức thừa nhận trong logistics.
Ông Nguyễn Đức Lợi, Giám đốc điều hành Lalamove tại Việt Nam khẳng định: "Shipper công nghệ là một "nghề" mới xuất hiện ở Việt Nam trong kỷ nguyên kinh tế thương mại điện tử. Không cơ quan chủ quản, không có tên trong hệ thống nghề nghiệp được nhà nước công nhận, chưa có hành lang pháp lý bảo vệ, shipper hiện nay khi hành nghề gặp nhiều khó khăn và rủi ro. Vào thị trường Hà Nội đợt này, Lalamove theo đuổi chiến lược phát triển bền vững, tập trung vào chất lượng dịch vụ mà trong đó trọng tâm là hỗ trợ phát triển cộng đồng shipper Việt Nam. Đây là yếu tố cốt lõi dẫn đến thành công của chúng tôi ở các thị trường khác”.
Lalamove là dịch vụ vận chuyển công nghệ đã phát triển thành công tại nhiều quốc gia châu Á. Kiên định với triết lý kinh doanh tập trung phát triển chất lượng dịch vụ, sau gần 5 năm phát triển, Lalamove đã trở thành dịch vụ giao – nhận trong ngày đem lại sự an tâm cho hàng triệu khách hàng.
Lalamove từng bước triển khai dịch vụ tại nhiều thành phố lớn thuộc nhiều quốc gia châu Á như: Hong Kong (Trung Quốc), Singapore, Manila (Philippines), Jarkata (Indonesia), Kuala Lumpur (Malaysia)... Tính tới tháng 5/2018, Lalamove đã có mặt tại 112 thành phố tại 7 quốc gia châu Á. Lalamove bước chân vào thị trường Việt Nam tháng 9/2017 với việc triển khai văn phòng và dịch vụ tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 9/2018, Lalamove quyết định mở rộng sang thị trường Hà Nội.