Làm gì để ngăn cổ đông nội bộ 'bán chui' cổ phiếu?
Bộ Tài chính chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện và rà soát vướng mắc, bất cập quy định pháp luật chứng khoán, từ Luật Chứng khoán tới các văn bản hướng dẫn. Đồng thời, Bộ đề nghị tiếp tục triển khai đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán theo đúng kế hoạch, chiến lược phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2021-2030.
Cơ quan quản lý lĩnh vực tài chính cũng cho biết sẽ tiếp tục nâng cao vai trò giám sát, nhất là giám sát tuyến đầu của các Sở giao dịch chứng khoán, nhằm kịp thời phát hiện giao dịch bất thường, vi phạm để cảnh báo cho nhà đầu tư. Việc thanh kiểm tra giao dịch khi có dấu hiệu thao túng.
Như việc hạn chế hành vi vi phạm về giao dịch nội bộ, Bộ đang chỉ đạo các sở giao dịch đẩy nhanh nghiên cứu giải pháp để ngăn chặn việc cổ đông nội bộ giao dịch cổ phiếu mà không công bố thông tin, đề xuất giải pháp chặn kỹ thuật, cũng như kiến nghị sửa đổi các quy định có liên quan.
Bên cạnh các giải pháp hỗ trợ thị trường, các đơn vị chức năng được yêu cầu thực hiện kế hoạch kiểm tra, thanh tra, giám sát các công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán, công ty kiểm toán có khách hàng báo cáo tài chính sai lệch hoặc có nhiều sai sót. Dựa trên kết quả giám sát, kiểm tra, Bộ sẽ xử lý theo đúng quy định.
Với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Bộ sẽ hoàn thiện các quy định pháp lý, trong đó có Nghị định 153 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế.
Trước đó, cuối tuần trước, Ủy ban chứng khoán cho biết sẽ công bố thông tin giao dịch tự doanh, điều chỉnh giá thanh toán cuối cùng của hợp đồng tương lai VN30 để ổn định thị trường sau các phiên lao dốc.
VN-Index sau khi thiết lập mức đỉnh hơn 1.500 điểm đã liên tục lao dốc. Chỉ trong hơn một tháng, chỉ số của sàn HoSE đã giảm hơn 23%, xuống còn 1.171 điểm tính tới cuối phiên 16/5.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng sẽ tiến hành thanh tra các công ty chứng khoán và doanh nghiệp kiểm toán. Bộ Tài chính cho biết sẽ giám sát chặt các giao dịch chứng khoán có dấu hiệu bất thường, phối hợp với các Sở Giao dịch chứng khoán để đánh giá và kiểm tra với các giao dịch có dấu hiệu vi phạm quy định.
Bộ này cũng sẽ thực hiện theo kế hoạch thanh tra, kiểm tra các đơn vị kiểm toán cho doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng và chú ý tới các hãng kiểm toán cho khách hàng có báo cáo tài chính sai lệch hoặc nhiều sai sót.
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc từng cảnh báo rút giấy phép của hãng kiểm toán độc lập nếu phát hiện thiếu trách nhiệm, để xảy ra sai sót khi kiểm toán doanh nghiệp phát hành trái phiếu.
Qua quá trình kiểm tra, Bộ Tài chính cho biết vẫn có một số đơn vị đưa ý kiến trên báo cáo tài chính chưa phù hợp theo quy định của chuẩn mực kiểm toán, làm ảnh hưởng đến quyết định của người sử dụng thông tin, đặc biệt là với doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng.
Với hoạt động phát hành trái phiếu, Bộ cũng sẽ đẩy mạnh kiểm tra, đặc biệt là với hoạt động phát hành không có tài sản bảo đảm. Bên cạnh đó, cơ quan này sẽ khẩn trương rà soát vướng mắc, bất cập quy định pháp luật chứng khoán, các Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán 2019 và các quy định liên quan...
Trấn an các nhà đầu tư
Cuối tuần qua, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ra loạt chỉ đạo để ổn định thị trường trong ngắn hạn. UBCKNN đánh giá, thị trường chứng khoán trong nước đang trải qua giai đoạn điều chỉnh mạnh, trước tác động tổng hòa từ yếu tố tâm lý trong nước và đặc biệt các rủi ro từ thị trường quốc tế như: Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất mạnh, căng thẳng địa chính trị chưa được giải quyết, áp lực lạm phát...
Lãnh đạo UBCKNN cho biết, cơ quan quản lý đang đặc biệt ưu tiên các giải pháp ngắn hạn để hỗ trợ thị trường ổn định trở lại, trấn an tâm lý nhà đầu tư. Trong các giải pháp ổn định thị trường của UBCKNN, đáng chú ý có việc yêu cầu các Sở Giao dịch Chứng khoán thực hiện công bố thông tin về giao dịch tự doanh của công ty chứng khoán. Trước đó, từ ngày 1/3/2022, HoSE đã ngừng cung cấp số liệu này.
UBCKNN cũng chỉ đạo Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam điều chỉnh giá thanh toán cuối cùng của hợp đồng tương lai chỉ số VN30 (là giá trung bình 30 phút cuối cùng của ngày đáo hạn thay vì lấy giá đóng cửa phiên ATC) để tránh những tác động đến thị trường cơ sở. Doanh nghiệp niêm yết được yêu cầu công bố thông tin khi mã chứng khoán của mình có dấu hiệu tăng, giảm giá trần, sàn 5 - 10 phiên.