Làm gì để vực dậy nền kinh tế TP HCM sau dịch?
Kế hoạch cụ thể và việc mở cửa phải có lộ trình từng bước
Trao đổi với báo chí về kế hoạch sắp tới TP có tính đến việc mở cửa nền kinh tế, đồng chí Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định, mở cửa lại nền kinh tế của TP.HCM là yêu cầu đặt ra hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta phải có kế hoạch cụ thể và việc mở cửa phải có lộ trình từng bước. Đồng chí cho biết, sẽ chỉ đạo ngay các cơ quan chức năng của TP.HCM nghiên cứu hoàn thiện kế hoạch cụ thể để ứng phó có hiệu quả với tình hình dịch bệnh trong điều kiện hiện nay, để khôi phục và phát triển kinh tế phù hợp với dịch bệnh còn kéo dài, phức tạp.
“Tôi cũng muốn chia sẻ rằng, nói đến ngày 15/9 kiểm soát được dịch bệnh, không có nghĩa đến đó là hết dịch. Có thể đến đó, số ca nhiễm Covid-19 giảm dần; số ca cần phải đưa vào điều trị sẽ bằng hoặc nhỏ hơn số giường, năng lực điều trị của TP.HCM; số ca tử vong sẽ giảm hay số vùng xanh sẽ mở rộng hơn, vùng đỏ, vùng cam và vùng vàng giảm đi. Đó là các tiêu chí để đo lường cho việc ngày 15/9 kiểm soát được dịch bệnh. Chứ không phải đến ngày 15/9 là không còn gì nữa” - đồng chí Phan Văn Mãi lưu ý và cho rằng tình hình này, dịch bệnh có thể kéo dài đến cuối năm 2021 thậm chí sang năm 2022. Ở nhiều nước trên thế giới có thực hiện đồng bộ các biện pháp quyết liệt, có tỷ lệ tiêm vaccine cao hơn, nhưng diễn biến của chủng Delta phức tạp thì tình hình dịch bệnh cũng còn phức tạp.
Phải có kế hoạch cụ thể và việc mở cửa phải có lộ trình từng bước để khôi phục kinh tế Hồ Chí Minh
Để mở cửa nền kinh tế, đồng chí Phan Văn Mãi cho biết TP sẽ thành lập bộ phận, xây dựng kế hoạch một cách cụ thể. Bộ phận này gồm cơ quan chức năng với các đồng chí trực tiếp tham gia phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian qua, là những người có kinh nghiệm. TP cũng sẽ tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước để bổ sung các biện pháp từ nay đến ngày 15/9 và đồng thời có kế hoạch sau 15/9. TP sẽ tính toán, tùy theo tình hình dịch mà mở cửa nền kinh tế. Việc mở cửa nền kinh tế, mở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên nguyên tắc phải đảm bảo an toàn, không ảnh hưởng đến kết quả phòng chống dịch Covid-19. Những ngành thiết yếu, TP phải có biện pháp duy trì mà mở rộng các ngành này. Đối với những ngành quan trọng phải có giải pháp an toàn để duy trì và mở rộng sản xuất. Ở địa bàn vùng xanh, vùng an toàn, sẽ tiến hành các hoạt động tương đối mở rộng hơn. Trong khi đó, ở nơi mà doanh nghiệp hay người dân có thể có sáng kiến đảm bảo an toàn trong sản xuất, thì hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ mở ra. Với những hướng như vậy cộng thêm ứng dụng công nghệ thông tin là những điều TP tính đến.
“Chúng tôi cũng đang cho nghiên cứu chương trình để có thể quản lý về cá nhân, quản lý các hoạt động di chuyển, sản xuất, dịch vụ và quản lý các điểm đến. Nếu đảm bảo an toàn, mỗi người được tiêm vaccine rồi, không có dấu hiệu mắc Covid-19 và có hành trình di chuyển an toàn, điểm đến an toàn thì có cá nhân an toàn. Với hành trình an toàn, điểm đến an toàn, cá nhân an toàn, chúng ta sẽ tổ chức được các hoạt động dịch vụ. Đó là những ý định mà chúng tôi sẽ tập trung xây dựng thành kế hoạch cụ thể để chuẩn bị lâu dài cho TP.HCM. Tinh thần là nỗ lực thực hiện giãn cách, tiếp tục xét nghiệm, mở rộng độ bao phủ của vaccine, cộng với nỗ lực trị bệnh, dùng thuốc, can thiệp kịp thời, cấp cứu đúng lúc thì sẽ có cơ sở tốt để đảm bảo an toàn và từ đó từng bước mở lại hoạt động kinh tế.” – đồng chí Phan Văn Mãi chia sẻ.
Hành trình tái khởi động nền kinh tế
Để khởi động lại hoạt động kinh tế trong điều kiện "bình thường mới", cần triển khai một số giải pháp dựa trên mức độ sẵn sàng của hệ thống y tế, xác định giai đoạn cho từng ngành sản xuất, kinh doanh...
Những nguyên tắc mang tính cơ bản để tái khởi động nền kinh tế sau giãn cách đã được các quốc gia trên thế giới áp dụng, có thể phù hợp để triển khai tại TP.HCM theo lộ trình tương ứng với điều kiện thực tế.
Từng giai đoạn khôi phục kinh tế TP. HCM
Nhìn chung, các quốc gia trên thế giới tái khởi động hoặc chuẩn bị kế hoạch mở cửa nền kinh tế sau giãn cách dựa trên mức độ sẵn sàng của hệ thống y tế theo 3 yếu tố, gồm: Mức độ bao phủ vắc-xin theo mục tiêu; số lượng ca bệnh mới ở ngưỡng nằm trong năng lực chăm sóc của hệ thống y tế, đặc biệt là các đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU); số lượng, chất lượng đội ngũ nhân viên y tế.
Năng lực phát hiện, quản lý và ngăn ngừa các ca lây nhiễm mới, như có khả năng phát hiện và kiểm tra chẩn đoán Covid-19; có hệ thống xác định và cô lập hiệu quả các trường hợp nhiễm bệnh; có hạ tầng công nghệ cập nhật theo thời gian thực các dữ liệu cần thiết cho việc ra quyết định; có khả năng tăng cường hiểu biết của cộng đồng qua các thông tin khoa học tốt nhất hiện có.
Hình minh họa theo bài cho thấy có 4 giai đoạn sẵn sàng để mở cửa lại nền kinh tế, trong đó giai đoạn 4 có mức độ sẵn sàng thấp nhất và giai đoạn 1 có mức độ sẵn sàng cao nhất.
Trong đó, mức độ sẵn sàng là 3 yếu tố đã trình bày ở trên, mức độ lây nhiễm của virus dựa trên các yếu tố mang tính chuyên môn về dịch tễ (chẳng hạn như lý tưởng nhất là đo lường qua tỉ lệ lây nhiễm nhưng điều này đòi hỏi năng lực xét nghiệm lớn, do đó có thể không phù hợp ở một số quốc gia. Một số tiêu chí thay thế có thể là tốc độ tăng của các ca nhiễm, tổng số ca nhiễm cộng dồn trong mối tương quan với dân số và mật độ dân số…).
Dựa trên ma trận này, TP.HCM có thể xác định các giai đoạn cho từng ngành, khu vực sản xuất (khu chế xuất/khu công nghiệp/khu công nghệ cao). Mỗi khu vực ứng với một giai đoạn sẽ có các hoạt động kinh tế tương ứng. Cần lưu ý các vị trí trên ma trận sẽ không ở trạng thái tĩnh, mức độ sẵn sàng của các khu vực sẽ tăng lên khi số ca bệnh giảm và cơ chế kiểm soát dịch tốt hơn được thiết lập, cũng như hệ thống y tế công cộng được củng cố.
Ngoài ra, TP.HCM cần xây dựng các tiêu chí thích hợp để đo lường mức độ lây nhiễm theo yêu cầu chuyên môn dịch tễ.
Để đi đến điều kiện "bình thường mới" có thể được tóm lược như hình trong bài. Khi mức độ sẵn sàng từ A sang B, sẽ cần thực hiện các biện pháp giãn cách bắt buộc nhằm làm chậm sự lây lan của virus. Từ B sang C, năng lực của hệ thống chăm sóc sức khỏe được nâng lên đáng kể, cho phép chuyển sang các biện pháp ở giai đoạn 2. Tuy nhiên, một số khu vực có thể quay trở lại giai đoạn 3 hoặc 4 nếu virus lây lan nhanh sau khi mở cửa trở lại. Từ C sang D: các khu vực đạt đến trạng thái "bình thường mới" khi năng lực của hệ thống chăm sóc sức khỏe được mở rộng, sự lây lan của virus ở mức độ vừa phải.
Để khởi động lại các hoạt động kinh tế trong điều kiện "bình thường mới", TP HCM cần triển khai một số giải pháp.
Cụ thể, xem xét dữ liệu mới nhất về tác động của các bước mở cửa kinh tế, bao gồm: đánh giá hiệu quả chương trình triển khai vắc-xin nhằm bảo đảm vắc-xin hiệu quả trong việc giảm tỉ lệ nhập viện và tử vong ở những người được tiêm chủng. Tỉ lệ lây nhiễm không có nguy cơ làm gia tăng số ca nhập viện để không gây áp lực lên hệ thống y tế và đánh giá các rủi ro liên quan đến các chủng virus mới.
Đánh giá rủi ro lây nhiễm và tầm quan trọng kinh tế tương đối của từng ngành, lĩnh vực và khu vực trên các tiêu chí như việc làm, các khu vực có việc làm bị tổn thương hoặc mức độ đóng góp của các khu vực cho nền kinh tế.
Đưa ra các chỉ dẫn liên quan đến sức khỏe và hành vi để giảm khả năng lây nhiễm như duy trì khoảng cách tiếp xúc, xác định các ngành/khu vực có thể tiếp tục làm việc từ xa, hướng dẫn về vệ sinh và sức khỏe, kiểm soát để phát hiện sớm các ca bệnh mới, báo cáo thông tin liên quan cho cơ quan y tế và có các biện pháp thực thi để bảo đảm tuân thủ. Một số ngành/khu vực có thể cần thực hiện các yêu cầu và thủ tục cụ thể hơn các ngành khác. Do đó, cần có sự phối hợp với các hiệp hội để thiết kế các quy trình cho từng phân ngành.
Tương ứng với mỗi giai đoạn, cần đánh giá liên tục kết quả thực thi và có các điều chỉnh chính sách, hành động kịp thời.
Huy Hùng
Xem thêm: Chống dịch và phát triển kinh tế phải luôn luôn bảo vệ người tiêu dùng