Lạm phát và nguồn cung thiếu hụt "kìm hãm" doanh số bán lẻ của Mỹ
Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ, doanh số bán lẻ của nước này đã tăng 0,3% trong tháng 11/2021, sau khi tăng 1,8% trong tháng Mười, đánh dấu tháng tăng thứ tư liên tiếp. Các nhà kinh tế tham gia cuộc thăm dò của hãng tin Reuters (Anh) dự báo doanh số bán lẻ của Mỹ tăng 0,8% trong tháng 11. So với cùng kỳ năm 2020, doanh số bán lẻ của Mỹ tăng 18,2% trong tháng 11 vừa qua.
Sự dịch chuyển trong hoạt động chi tiêu của người Mỹ từ hàng hóa trở lại lĩnh vực dịch vụ đã "kìm hãm" doanh số bán lẻ trong tháng trước, với doanh thu tại các cửa hàng điện tử và thiết bị giảm mạnh. Doanh số bán lẻ trực tuyến không thay đổi, trong khi giá thực phẩm và xăng dầu cao hơn khiến lượng chi tiêu tự điều chỉnh của người dân giảm đáng kể.
Mức tăng doanh số bán lẻ khiêm tốn không làm thay đổi quan điểm rằng nền kinh tế Mỹ đang dần “vực dậy” sau khi suy thoái trong quý III/2021 do biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 và tình trạng thiếu hụt nguồn cung dai dẳng. Trong bối cảnh lạm phát tăng vọt, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 15/12 cho biết họ sẽ chấm dứt chương trình mua trái phiếu nhằm hỗ trợ nền kinh tế trong thời kỳ đại dịch vào tháng 3/2022, mở đường cho việc tăng lãi suất 3 lần, ước tính tương đương 0,75 điểm phần trăm, vào cuối năm 2022.
Christopher Rupkey, nhà kinh tế trưởng tại công ty nghiên cứu thị trường tài chính FWDBONDS ở New York (Mỹ), cho biết: “Người tiêu dùng vẫn đang cố gắng hết sức để giữ cho nền kinh tế luôn vững mạnh và phục hồi đúng hướng”.
Vào giữa tháng 11, một số nhà bán lẻ hàng đầu của Mỹ nhận thấy rằng hoạt động mua sắm cho kỳ nghỉ lễ cuối năm đã bắt đầu sớm hơn. Theo họ, doanh số bán lẻ có thể vẫn ở mức vừa phải trong tháng 12, mặc dù lượng tiền tiết kiệm cao hơn và mức lương cũng tăng giữa lúc thị trường lao động thắt chặt đang hỗ trợ cho hoạt động chi tiêu.
Các gói cứu trợ kinh tế trị giá hàng nghìn tỷ USD liên quan tới đại dịch COVID-19 từ các chính phủ trên toàn cầu đã thúc đẩy nhu cầu hàng hóa, làm chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn trong thời gian qua. Tình trạng khan hiếm hàng hóa, từ xe cộ đến đồ nội thất và đồ điện tử, đã làm tăng giá hàng hóa. Giá tiêu dùng tại Mỹ trong tháng 11/2021 tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 6/1982. Tình trạng lạm phát cao được dự báo sẽ tiếp diễn trong một thời gian nữa.
Daniel Silver, chuyên gia kinh tế của ngân hàng JPMorgan ở New York, cho biết: “Tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng thực tế sẽ vẫn mạnh trong quý IV/2021”. Tuy nhiên, số ca mắc COVID-19 gia tăng có thể làm chậm lại hoạt động chi tiêu trong mùa Đông năm nay, đặc biệt là sự xuất hiện của biến thể Omicron. Chi nhánh Atlanta của Fed đã hạ ước tính tăng trưởng quý IV/2021 của kinh tế Mỹ xuống mức 7%, so với mức dự báo 8,7% trước đó.
Nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng với tốc độ 2,1% trong quý III/2021. Ước tính tăng trưởng kinh tế đầy lạc quan cho quý này được thúc đẩy bởi báo cáo mới đây từ Bộ Thương mại cho thấy, lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp đã tăng 1,2% trong tháng Mười.