Mỹ, Trung Quốc và câu chuyện lạm phát trái ngược trong năm 2023

Giang 09:57 | 26/12/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ đã giúp lạm phát hạ nhiệt đáng kể trong năm 2023 và có đủ tự tin để dự định giảm lãi suất vào năm tới. Ngược lại, ngân hàng trung ương Trung Quốc phải đương đầu với áp lực giảm phát ngày càng lớn.

(Hình minh họa: Depositphotos.com).

Mỹ: Cuộc chiến sắp khép lại?

Nền kinh tế lớn nhất thế giới bắt đầu năm 2023 với lạm phát tính theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở mức 6,4%. Đến tháng 11, lạm phát đã giảm xuống chỉ còn 3,1%. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã rút ngắn đáng kể khoảng cách tới mục tiêu 2%.

Giữa lúc đó, hoạt động kinh tế nhìn chung vẫn ổn định, tốc độ tăng trưởng GDP quý III đạt 4,9% (tốc độ đã chuẩn hóa theo năm). Các dự báo Mỹ sẽ suy thoái trong năm 2023 đã được chứng minh là sai lầm. Ngày càng nhiều chuyên gia dự đoán nền kinh tế Mỹ có thể hạ cánh mềm.

Giá cả của mọi hàng hóa và dịch vụ được quyết định bởi cung - cầu. Bắt đầu từ năm 2021, sự rối loạn của chuỗi cung ứng cùng với nhu cầu bùng nổ vì COVID-19 đã khiến giá cả gia tăng nhanh chóng, kéo lạm phát lên mức cao nhất trong 4 thập kỷ vào tháng 6/2022.

Bước sang năm 2023, các chuỗi cung ứng đã bình thường trở lại và gặp ít gián đoạn hơn, theo Chỉ số Áp lực Chuỗi cung ứng Toàn cầu của Fed chi nhánh New York.

Giá trị âm cho thấy các chuỗi cung ứng đang hoạt động bình thường và suôn sẻ.

Theo các nhà kinh tế, sự cải thiện của chuỗi cung ứng - cả về hàng hóa và người lao động - là yếu tố chính giúp lạm phát hạ nhiệt. Ông Daleep Singh, nhà kinh tế trưởng toàn cầu tại PGIM Fixed Income, nói với tờ Wall Street Journal: “Tôi cho rằng phần lớn tiến bộ mà chúng ta đạt được trong năm nay... là nhờ những cải thiện từ phía cung”.

Điều này không có nghĩa là Fed không có công lao gì. Ngân hàng trung ương Mỹ khống chế lạm phát chủ yếu thông qua lãi suất. Theo lý thuyết, lãi suất cao làm nản lòng những người đi vay, làm giảm tiêu dùng và gia tăng rào cản đối với hoạt động đầu tư.

Qua đó, lãi suất khiến nhu cầu suy yếu và thị trường lao động hạ nhiệt. Trong năm 2023, tốc độ tăng trưởng của chi tiêu tiêu dùng và tiền lương của người lao động Mỹ đều đã chậm lại so với năm 2022.

Một công cụ quan trọng khác của Fed là hướng dẫn chính sách (forward guidance). Xuyên suốt chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ, giới chức Fed đã rất nhất quán trong việc thể hiện quyết tâm khuất phục lạm phát.

Trong năm 2023, các thị trường đã nhiều lần đồn đoán về việc Fed sẽ sớm hoàn tất chiến dịch tăng lãi suất, nhưng các nhà hoạch định chính sách thường xuyên phát biểu rằng “vẫn còn quá sớm” để tuyên bố chiến thắng trước lạm phát. Tổng cộng trong năm 2023, Fed đã thực hiện 4 đợt tăng lãi suất 25 điểm cơ bản.

 

Một phần nhờ các thông điệp kiên định và uy tín của Fed, kỳ vọng về lạm phát của người Mỹ được duy trì ở mức tương đối thấp. Những người tham gia khảo sát tâm lý người tiêu dùng trong tháng 11 của Đại học Michigan dự đoán lạm phát trong một năm tới sẽ vào khoảng 3,1%, giảm tới 1,4 điểm% so với kết quả tháng trước.

Điều này khiến doanh nghiệp khó có thể tăng giá như năm trước. Trong năm 2022, các doanh nghiệp Mỹ giải thích rằng chi phí đầu vào đắt đỏ hơn là nguyên nhân họ phải nâng giá sản phẩm và dịch vụ. Tuy nhiên, biên lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp thuộc chỉ số S&P 500 năm 2022 vẫn cao hơn năm 2019, trước khi đại dịch xảy ra, theo số liệu của FactSet. Thước đo này được dự kiến sẽ giảm nhẹ trong năm 2023.

Trong cuộc họp chính sách cuối cùng của năm 2023, Fed giữ nguyên lãi suất nhưng ra hiệu sẽ có ít nhất ba đợt cắt giảm vào năm 2024, mỗi lần giả định giảm 25 điểm cơ bản. Tuy nhiên, các quan chức chưa tuyên bố họ đã đánh bại lạm phát và vẫn để ngỏ khả năng tăng lãi suất nếu áp lực giá quay đầu tăng trở lại.

Trung Quốc: Triển vọng chưa rõ ràng

Nền kinh tế thứ hai thế giới đối mặt tình trạng giá cả suy yếu từ đầu năm 2023 và chính thức rơi vào giảm phát vào tháng 7, khi chỉ số CPI sụt 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong hai tháng kế tiếp, tỷ lệ lạm phát của Trung Quốc cũng rất gần với mức 0. Trung Quốc giảm phát trở lại vào tháng 10 và tháng 11.

Theo tờ Reuters, khủng hoảng bất động sản, khối nợ lớn của các chính quyền địa phương và nhu cầu yếu ở trong và ngoài nước là các yếu tố khiến giá tiêu dùng ở Trung Quốc sụt giảm. Người tiêu dùng Trung Quốc vẫn thắt chặt hầu bao do lo ngại về những bất ổn trong quá trình phục hồi kinh tế.

Giảm phát là hiện tượng nguy hiểm đối với hoạt động kinh tế. Người dân có thể trì hoãn mua hàng vì kỳ vọng rằng giá sẽ tiếp tục đi xuống, càng làm tăng lực cản đối với tiêu dùng. Doanh nghiệp có thể giảm sản xuất và đầu tư vì nhu cầu tương lai không chắc chắn.

Giảm phát cũng có nguy cơ làm giảm hiệu quả kích thích kinh tế của chính sách tiền tệ, bởi sự sụt giảm của giá cả khiến lợi nhuận của doanh nghiệp yếu đi và các công ty gặp khó khăn hơn trong việc trả nợ.

Gần đây, Thống đốc ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) Phan Công Thắng cho biết ông dự kiến lạm phát sẽ “đi lên”. PBoC nhấn mạnh việc giá tiêu dùng đi ngang thời gian gần đây chủ yếu là do giá thịt heo năm ngoái quá cao và mặt hàng protein này chiếm tỷ trọng lớn trong CPI. Sang năm 2023, tình trạng dư cung khiến giá thịt heo tại đất nước tỷ dân giảm mạnh.

Chính phủ Trung Quốc đã cố gắng chặn đà lao dốc của giá thịt heo bằng cách triển khai hai đợt mua dự trữ trong năm nay và có kế hoạch tổ chức đợt mua thứ ba vào cuối năm.

 

Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ bỏ lỡ mục tiêu lạm phát năm 2023 là khoảng 3%. Về triển vọng năm 2024, các nhà kinh tế có quan điểm trái chiều. Một số người ước tính lạm phát có thể đạt 1% trong bối cảnh tâm lý người tiêu dùng được cải thiện, số khác dự đoán tình trạng giảm phát sẽ kéo dài đến nửa đầu năm.

Ngày càng nhiều chuyên gia nhận định Trung Quốc cần đẩy mạnh các biện pháp kích thích để đối phó với giảm phát. Trong năm 2023, Trung Quốc mới chỉ hạ lãi suất chính sách với mức khiêm tốn là 25 điểm cơ bản. Tại hội nghị công tác kinh tế thường niên của Đảng Cộng sản Trung Quốc khép lại vào ngày 12/12, các nhà lãnh đạo cam kết sẽ duy trì tăng trưởng tín dụng phù hợp với mục tiêu GDP và lạm phát.

Động thái trên đã củng cố kỳ vọng rằng ngân hàng trung ương Trung Quốc sẽ hạ lãi suất và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại vào năm sau. Việc Fed giảm lãi suất cũng có thể tăng thêm dư địa để Trung Quốc nới lỏng chính sách, bởi đồng USD suy yếu sẽ làm giảm áp lực lên nhân dân tệ.