Làn sóng DNNVV rời đi kỷ lục, gói hỗ trợ COVID-19 vẫn quá “ngặt nghèo”

09:51 | 13/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Làn sóng DNNVV rời đi kỷ lục, gói hỗ trợ COVID-19 vẫn quá “ngặt nghèo” là quan điểm được đưa ra tại Diễn đàn “Hỗ trợ DNNVV chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19: Thu hẹp khoảng cách từ chính sách đến thực thi” vừa diễn ra

93.490 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường

 

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đánh giá, dịch COVID-19 khiến cộng đồng doanh nghiệp chịu tác động rất nặng nề, hoạt động kinh doanh bị đình đốn, tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam rời khỏi thị trường tăng cao kỷ lục.
 
Tính đến tháng 11/2020, khoảng 44.000 doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoạt động, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2019. Trung bình mỗi tháng ở Việt Nam, có trên 5.000 doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường. Đây là con số cao kỷ lục từ trước tới nay, kéo theo đó là rất nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của hàng chục triệu người lao động.
 
Trong bối cảnh khó khăn, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, như: Gói 250.000 tỷ đồng về tín dụng; gói 62.000 tỷ đồng về an sinh xã hội; gói 16.000 tỷ đồng trả lương cho người lao động,... Tuy nhiên, việc thực thi chính sách còn nhiều vấn đề.
 
 
Làn sóng DNNVV rời đi kỷ lục, gói hỗ trợ COVID-19 vẫn quá “ngặt nghèo” - ảnh 1
Nguồn:vneconomy.vn
 
“Phản ứng chính sách của Chính phủ là khá hợp lý, chủ trương là đúng nhưng thiết kế chính sách có vấn đề, thực thi chưa thực sự suôn sẻ. Các chính sách của chúng ta phải thực hiện như trong thời chiến chứ không phải trạng thái bình thường, nhưng trên thực tế các thủ tục hành chính vẫn còn phiền hà”, ông Lộc nhận xét.
 
Kết quả thực hiện chính sách khá chậm trễ, chẳng hạn, với gói 16.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp vay lãi suất 0% để trả lương người lao động, đến tháng 10/2020 chưa có doanh nghiệp nào vay được. Đến ngày 27/11, 75 doanh nghiệp vay được từ gói hỗ trợ này. Tuy nhiên, kết quả chỉ có được sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 32 ngày 19/10/2020 về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
 
Thông tin tại Diễn đàn cũng nhấn mạnh nhóm chịu tác động nghiêm trọng nhất từ dịch COVID-19 tại Việt Nam là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, tại địa bàn khó khăn. Đây là nhóm yếu thế đang chịu thiệt thòi. Do khó khăn về nguồn lực, nhóm này thường không thể nắm bắt kịp thời chính sách hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước để từ đó tận dụng các cơ hội nhằm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
 
Cũng theo VCCI, với gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng, nhiều doanh nghiệp nhỏ đến nay không tiếp cận được. Một số ngân hàng vẫn có tâm lý ngần ngại khi cho vay vì lo các doanh nghiệp nhỏ không có khả năng trả nợ. Không những thế, chi phí vay vốn ngân hàng của doanh nghiệp nhỏ thường cao hơn so với doanh nghiệp lớn, khoảng 1-2%/năm; tỷ lệ chi phí không chính thức đối với doanh nghiệp nhỏ còn lớn.
 
Phát biểu thẳng tại Diễn đàn, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam đạt ra câu hỏi về gói hỗ trợ do COVID-19: "Ngặt nghèo quá nên thà không được hưởng còn hơn"?
 
Nêu thực trạng về ngành du lịch, ông Bình cho biết số lao động của ngành du lịch tính đến 2019 là 2,9 triệu người. Đến thời điểm này, khoảng 90% lao động nghỉ việc hoặc tạm nghỉ, thất nghiệp hoàn toàn khoảng 50%. 60% doanh nghiệp du lịch ngừng hoàn toàn hoạt động, cầm cự, số doanh nghiệp có công việc 1 phần chỉ khoảng 5%. Vì thế, Chỉ thị 11 của Chính phủ theo ông Bình là rất đúng đắn kịp thời, cổ vũ tinh thần người lao động. Nhưng việc thực hiện các chính sách vô cùng khó khăn, đặc biệt với ngành du lịch rất ít hiệu quả. Gói trợ cấp một lần cho lao động tự do mất việc làm hầu như không đến được với hướng dẫn viên...
 
Không chỉ khó khăn trong xét duyệt nhận trợ cấp, vay tiền trả lương cho người lao động cũng vậy. Ngành du lịch có 40 ngàn doanh nghiệp nhưng mới chỉ có 1 doanh nghiệp tiếp cận được gói hỗ trợ này. Các ngân hàng đòi hỏi doanh nghiệp phải thế chấp tài sản nhưng doanh nghiệp lữ hành chỉ có uy tín, thương hiệu nên hầu như không tiếp cận được gói vay...
 
Tương tự, ngành dệt may cũng không ngoại lệ. Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, bắt đầu sang quý II/2020 sụt giảm nghiêm trọng nhu cầu tiêu dùng ở những thị trường xuất khẩu chính của dệt may như EU, Nhật, Mỹ... sụt tới âm 27% thậm chí đến âm 36%. Bởi vậy, doanh nghiệp dệt may trông đợi, kỳ vọng vào gói hỗ trợ từ Chính phủ. Nhưng tới giờ, doanh nghiệp vẫn không tiếp cận được nên họ xác định tự mình cứu mình là chính.
 
Điều kiện để doanh nghiệp được hưởng những gói hỗ trợ đó từ những doanh nghiệp không có doanh thu, không có khả năng tài chính, thậm chí phải giảm ít nhất 50% số lao động đóng BHXH, không có khả năng chi trả... thì sẽ được hưởng hỗ trợ. Trong khi mục tiêu của ngành là giữ chân người lao động để hậu COVID-19 sẽ phát triển sản xuất.
 
"Quy định quá ngặt nghèo như vậy thì chỉ những doanh nghiệp giải thể, phá sản mới được. Hơn nữa, để được hưởng gói tài trợ, doanh nghiẹp phải chứng minh tài chính của mình - điều này khiến doanh nghiệp sợ nhất bởi mất rất nhiều thời gian, thủ tục phiền hà... nên thà không được hưởng còn hơn", ông Cẩm nói.
 
Một khía cạnh nữa, ông Cẩm cho rằng, mặc dù các gói hỗ trợ bất cập ai cũng nhận thấy nhưng sửa đổi lại quá lâu, chậm chạp làm mất thời cơ "cứu" doanh nghiệp. Như Quyết định 15 ban hành từ tháng 4/2020 đã bế tắc nhưng Quyết định 32 sửa đổi tới tận tháng 10 mới ban hành. Tức là sau 6 tháng - đây lại chính là thời điểm khó khăn nhất của doanh nghiệp thì chính sách lại không được sửa đổi ban hành. Nên việc kịp thời, đúng với tinh thần "một miếng khi đói bằng một gói khi no" chúng ta lại không làm được.
 
Bên cạnh đó, không chỉ làm cho chính sách kịp thời hơn mà một số chính sách hiệu quả cần được kéo dài thời gian hơn. Vì với ngành dệt may, tác động của dịch có thể sang đến 2022 nên doanh nghiệp khó khăn trong hồi phục. Nhà nước cần rà soát lại tất cả các các chính sách như việc thu từ doanh nghiệp chỉ là để kết dư (kinh phí công đoàn, BHXH, hưu trí, tử tuất...) nên hãy dừng lại không thu, thậm chí miễn giảm cho doanh nghiệp trong bối cảnh này để cứu họ.
 

Cần rà soát, đánh giá lại một cách độc lập, hiệu quả các chính sách hỗ trợ

 

Thông tin tại Diễn đàn cho biết, theo số liệu khảo sát của trường Đại học Kinh tế Quốc dân và VCCI, có tới 78% doanh nghiệp trả lời chưa nhận được hỗ trợ từ Chính phủ. Như vậy, chủ trương chính sách tốt nhưng thiết kế chưa thực sự phản ánh được hơi thở cuộc sống và thực thi chính sách chưa suôn sẻ.
 
 
Làn sóng DNNVV rời đi kỷ lục, gói hỗ trợ COVID-19 vẫn quá “ngặt nghèo” - ảnh 2
Nhiều điều kiện, yêu cầu còn máy móc, cản trở việc doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ COVID-19 
 
Chia sẻ về khó khăn, vướng mắc này, ông Lê Việt Cường, Giám đốc Hợp tác xã Vụn Art ở Hà Đông cho rằng vướng mắc về thủ tục pháp lý là rào cản rất lớn khiến các doanh nghiệp siêu nhỏ không thể tiếp cận.
 
“Việc xác nhận của cơ quan chính quyền địa phương nơi doanh nghiệp đóng cũng là một rào cản. Ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ở đây, nhưng người ta sản xuất nơi khác, nên địa phương sẽ không bao giờ xác nhận vì sợ trách nhiệm, dẫn đến việc chúng tôi không thể đáp ứng đầy đủ điều kiện để được nhận những gói hỗ trợ như vậy", ông Cường nói.
 
Tương tự, bà Nguyễn Thị Kim Phục, Giám đốc Công ty Nông nghiệp hữu cơ Bắc Bình (Bình Thuận) cho hay, ngân hàng đồng ý cho doanh nghiệp vay vốn ưu đãi để đầu tư nhà máy, trang thiết bị nhưng các doanh nghiệp phải có vốn đối ứng và thời gian trả nợ phân kỳ. Vì thế, bà Phục đánh giá, ngân hàng đưa ra các điều kiện như kiểu “treo đầu heo” để “nhử” doanh nghiệp thôi, bởi các doanh nghiệp trong thời gian đầu thường khó có tiền ngay để trả nợ.
 
Phát biểu về giải pháp, ông Đậu Anh Tuấn Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng, thiết kế chính sách có vấn đề nhưng thực thi chính sách lại là vấn đề đang đặt ra. Khoảng cách giữa chính sách và thực thi còn lớn là do doanh nghiệp chưa biết đến thông tin về chính sách hỗ trợ. Trong khi chính sách hỗ trợ ban hành với nhiều yêu cầu, thủ tục để tiếp cận gói hỗ trợ. Trong đó nhiều điều kiện, yêu cầu còn máy móc, cản trở việc tiếp cận của doanh nghiệp.
 
Đơn cử như, một trong những điều kiện doanh nghiệp được vay để trả lương, đóng bảo hiểm cho người lao động là phải chứng minh đã cho ít nhất 50% nhân viên nghỉ việc. Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp chỉ cho người lao động tạm nghỉ không hưởng lương chứ không cắt hợp đồng và bảo hiểm để giữ nguồn lực. Bên cạnh đó, các điều khoản của quyết định hỗ trợ cho người lao động chưa hợp lý, không công bằng giữa các doanh nghiệp.
 
Vì vậy, cần thiết kế các hình thức hỗ trợ phù hợp với các doanh nghiệp từng ngành, lĩnh vực và từng giai đoạn. Đặc biệt ưu tiên các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa bởi khả năng chống chịu kém của loại hình này. Cần tránh hiện tượng trục lợi từ chính sách hỗ trợ bởi tác động của dịch bệnh tới các ngành kinh tế có sự khác biệt rất lớn nên một số ngành chịu ảnh hưởng nặng nề như hàng không, du lịch... song cũng lại có một số ngành có cơ hội phát triển tốt như công nghệ thông tin, thương mại điện tử, bưu chính, chuyển phát...
 
"Cần rà soát, đánh giá lại một cách độc lập và hiệu quả thực sự của các chính sách hỗ trợ; đồng thời đẩy mạnh việc tham vấn, lấy ý kiến của đối tượng tác động, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để đảm bảo tính khả thi của chính sách khi được ban hành", ông Tuấn lưu ý.
 
Bổ sung thêm về giải pháp, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc mong muốn thu hẹp lại khoảng cách chính sách và thực thi: “Đây là biện pháp quan trọng của Chính phủ trong bối cảnh này. Đây là điều cần rút kinh nghiệm và có biện pháp điều chỉnh trong tương lai. Cần có tiếng nói chung của các cơ quan đại diện, Nhà nước, doanh nghiệp trong thực thi chính sách. Thủ tục cần đơn giản, phân loại cần rõ ràng...".
 
Minh Hoa