'Gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng gián tiếp tạo cơ hội kinh doanh lớn cho doanh nghiệp chứ không chỉ trực tiếp'

Minh Hoa 14:07 | 14/01/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, tác động gián tiếp từ gói hỗ trợ phục hồi kinh tế xã hội gần 350.000 tỷ đồng tạo dư địa cơ hội kinh doanh lớn cho cộng đồng doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp cũng nên quan tâm đến cơ hội gián tiếp này chứ không nên chỉ quan tâm mình có được hỗ trợ trực tiếp hay không.

Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp 110.000 tỷ đồng nhưng trọng tâm, trọng điểm

Chia sẻ tại Diễn đàn “Phục hồi và Bứt tốc tăng trưởng: Từ chính sách Kích thích Kinh tế đến sức bật của các ngành, địa phương và doanh nghiệp” - Diễn đàn thường niên do VnEconomy phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức sáng 14/1, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng quy mô Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội gần 350.000 tỷ đồng song chúng ta phải hiểu hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm chứ không dàn trải, nhiều nhóm đối tượng khác nhau đều muốn có hiện diện trong này.

Quan trọng nhất là Chương trình có thời hạn, bổ sung chứ không thay thế chương trình nghị quyết nào khác, không thay thế các nhiệm vụ mà Chính phủ phải thực hiện trong nhiệm vụ thường xuyên của mình.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát biểu tại Diễn đàn “Phục hồi và Bứt tốc tăng trưởng: Từ chính sách Kích thích Kinh tế đến sức bật của các ngành, địa phương và doanh nghiệp”. Ảnh: VnEconomy.

Theo ông Hiếu, nội dung cơ bản của chương trình gồm 5 nhóm trọng tâm, bao gồm: Đầu tư nâng cao năng lực y tế phòng chống dịch bệnh khoảng 60.000 tỷ đồng; đảm bảo an sinh xã hội hỗ trợ việc làm 48.500 tỷ đồng; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp 110.000 tỷ đồng; phát triển kết cấu hạ tầng 113.550 tỷ đồng; giải pháp khác 10.000 tỷ đồng.

“Hai tác động của COVID-19 nghiêm trọng buộc ta phải hành động, là COVID-19 làm suy thoái, bộc lộ điểm yếu hạ tầng y tế xã hội, chúng ta buộc phải khắc phục ngay. Cùng với đó, sức khoẻ doanh nghiệp bị bào mòn nếu không hỗ trợ bổ sung thì doanh nghiệp khó phục hồi, sẽ tiếp tục rút khỏi thị trường.

Nếu có phục hồi được, doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian, số phục hồi giảm, kinh tế khó phát triển, khi chúng ta chậm phát triển thì biết hậu quả nghiêm trọng nên nhóm giải pháp nhiệm vụ tập trung vào doanh nghiệp là quan trọng”, ông Hiếu nói.

Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu nhấn mạnh đối với hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã hộ kinh doanh, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội có 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 2% một năm và 300 tỷ đồng hỗ trợ phát triển du lịch.

Chính sách tiền tệ trong gói hỗ trợ này sẽ giảm lãi suất tối thiểu 0,5% - 1% trong hai năm, đồng thời, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi đối với khách hàng bị ảnh hưởng COVID-19.

Doanh nghiệp nên quan tâm đến cơ hội gián tiếp

Ông Phan Đức Hiếu đặc biệt lưu ý đối với doanh nghiệp quan tâm tới gói hỗ trợ từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội là hai tác động (trực tiếp và gián tiếp) của chính sách tài khoá tiền tệ và chương trình của Chính phủ.

Doanh nghiệp nên quan tâm đến cơ hội gián tiếp từ gói hỗ trợ 350.000 tỉ đồng. Ảnh minh họa: Doanh nhân trẻ.

Tác động trực tiếp là tác động tới những doanh nghiệp được chỉ mặt điểm tên như hỗ trợ giảm lãi suất, thuế giá trị gia tăng (VAT) hay hỗ trợ cho người lao động một số khu kinh tế lớn để thuê nhà, nhưng lớn hơn là tạo ra cơ hội kinh doanh lớn hơn cho toàn bộ doanh nghiệp.

“Tuy nhiên, tác động mà chúng ta nhìn thấy gián tiếp của gói hỗ trợ phục hồi này là tạo dư địa cơ hội kinh doanh lớn cho cộng đồng doanh nghiệp, do đó, cộng đồng doanh nghiệp cũng nên quan tâm đến cơ hội gián tiếp này chứ không nên chỉ quan tâm mình có được hỗ trợ trực tiếp hay không”, ông Hiếu khuyến nghị.

Cũng theo ông Hiếu, lần đầu tiên Quốc hội họp Bất thường thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội như vậy là rất khẩn trương, quyết liệt.

“Tôi mong muốn Chính phủ sớm ban hành giải pháp cụ thể về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế ngay trong tháng 1/2022. Tinh thần khẩn trương quyết liệt này từ nay trở đi là việc bình thường chứ không phải sau dịch lại đủng đỉnh. Đồng thời, Chính phủ cùng các cơ quan quản lý kinh tế bộ ngành tiếp tục cải cách mạnh mẽ thể chế để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả Chương trình.

Cuối cùng, về vai trò các bên, quan trọng nhất là khả năng hấp thụ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp dù không được nói trong Nghị quyết của Quốc hội nhưng tất cả hiệu quả Chương trình sẽ nâng lên nếu doanh nghiệp hưởng ứng tích cực”, ông Hiếu nhấn mạnh.