Lãnh đạo Tiền Giang, Kiên Giang ấp úng, lơ mơ khi trả lời Thủ tướng về công tác chống dịch

11:44 | 14/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tại cuộc họp trực tuyến với Thủ tướng ngày 13/9, lãnh đạo hai tỉnh Tiền Giang, Kiên Giang liên tục trả lời ấp úng, thậm chí phải “nhắc bài” khi trả lời về công tác chống dịch.

Ấp úng, lơ mơ

Ngày 13/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã họp trực tuyến công tác phòng chống dịch với các tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang. Đây là 2 địa phương phía Nam đang có nhiều diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại.

Cuộc họp được kết nối trực tuyến tới 26 huyện, thành phố, thị xã và 317 xã, phường, thị trấn của Kiên Giang và Tiền Giang.

Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ chưa hài lòng với công tác chống dịch của Kiên Giang, Tiền Giang. Ảnh: TTXVN.

Tại cuộc họp, Thủ tướng đặt nhiều câu hỏi với lãnh đạo các tỉnh và một số phường tại TP. Rạch Giá (Kiên Giang) và Mỹ Tho (Tiền Giang): Số ca mắc trong cộng đồng tuần qua so với tuần trước, ngày hôm sau so với hôm trước thế nào, tăng hay giảm? Thứ hai, chu kỳ xét nghiệm là bao nhiêu ngày? Điều này rất quan trọng vì tốc độ xét nghiệm mà chậm hơn tốc độ lây lan thì không ngăn chặn được dịch. Thứ ba, tại những nơi thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội đã triển khai trạm y tế lưu động tại xã, phường, thị trấn theo các Công điện của Thủ tướng hay chưa?

 

Tôi hỏi như thế để thấy bộc lộ sự lúng túng của các đồng chí, và chính sự lúng túng này kiểm sát, mặc dù là cứ giãn cách, tăng cường giãn cách cứ kéo dài, kéo dài, còn biện pháp để làm cái này trong 2 tuần này để đạt được cái gì thì không nêu ra được. Biện pháp y tế là phải rõ, cái này rất nguy hiểm phải khắc phục ngay" - Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Trả lời Thủ tướng, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang ấp úng đi… tìm tài liệu. Thậm chí, ngay tại phòng họp của tỉnh Kiên Giang, có người nói vọng vào số liệu để “nhắc bài” cho lãnh đạo tỉnh.

Thủ tướng chấn chỉnh, các đồng chí phải nắm thật chắc thì mới chỉ huy được. Còn cứ lơ mơ, lơ mơ thì làm sao chỉ huy chống dịch được. “Không nắm được, ông nào còn cứ nói trong phòng ra. Ông nào nắm được thì ra báo cáo luôn, việc gì phải nhắc”, Thủ tướng nói luôn tại cuộc họp.

Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang, ông Đỗ Thanh Bình ấp úng dở báo cáo rồi cho biết: “Hôm qua, có tổng số 154 ca F0. Để coi lại Thủ tướng, chứ không nhớ nổi”.

Thủ tướng nói, đã rất nhiều lần điện thoại trực tiếp với Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình nhắc nhở việc kiểm soát hằng ngày để xem tốc độ lây lan trong cộng đồng tăng hay giảm. Để xem việc xét nghiệm, sàng lọc của địa phương đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế hay chưa? Việc một tỉnh từ “xanh” sang “đỏ” là điều rất đáng lo.

“Phòng bệnh hơn chữa bệnh, một đồng phòng dịch hiệu quả thì không phải chi hàng triệu đồng chống dịch, chưa kể mất mát về con người và nhiều thứ khác nữa”, Thủ tướng lưu ý.  

Bí thư Kiên Giang Đỗ Thanh Bình thừa nhận, còn những hạn chế trong phòng chống dịch, nhất là trong thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội chưa nghiêm túc, “chặt ngoài nhưng lỏng trong”. Tỉnh đã phát hiện, chấn chỉnh, có biện pháp khắc phục, ông Bình cho biết. Tỉnh cũng mới chỉ triển khai các tổ y tế, chưa lập các trạm y tế lưu động tại xã, phường, thị trấn. Việc trả kết quả xét nghiệm PCR có lúc chậm.

Cũng tại tỉnh Kiên Giang, khi Thủ tướng hỏi dồn thông tin về công tác chống dịch, Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Hiệp (TP Rạch Giá) liên tục ấp úng, cúi mặt tìm số liệu trong đống báo cáo.

“Phường của đồng chí phải làm mấy việc báo cáo, trực tiếp có mấy việc là chính quyền, người dân cần phải làm gì. Còn nếu không biết thì nói là không biết”, Thủ tướng chấn chỉnh.

Sau khi lãnh đạo phường Vĩnh Hiệp tìm thấy báo cáo và đọc, Thủ tướng tiếp lời chấn chỉnh, mang sách ra mà đọc thì nói chuyện gì, anh đừng nhìn vào sách đọc tôi xem nào.

Thủ tướng đánh giá, công tác xét nghiệm tỉnh Kiên Giang vẫn còn chậm hơn tốc độ lây lan và không đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch. Công tác kiểm soát phòng chống dịch, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức chống dịch ở một số nơi chưa tốt, chưa đạt yêu cầu đề ra; một số nơi còn chưa quản lý chặt chẽ người về vùng dịch. Lực lượng hỗ trợ tại chốt chặn, khu cách ly chưa thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; còn tình trạng chủ quan, lơ là để lây nhiễm từ trong khu cách ly, điều trị ra ngoài cộng đồng.

Thủ tướng chỉ rõ, gần 2 tháng triển khai giãn cách xã hội rồi mà cả 2 tỉnh vẫn chưa triển khai được trạm y tế lưu động nào, đặc biệt là khi trao đổi với tại xã phường tại 2 tỉnh đã bộc lộ rõ những hạn chế. “13 xã nguy cơ cao đã triển khai được trạm y tế lưu động chưa? Xuống cấp xã chưa? - Dạ chưa ạ!”

"Phải tiếp cận y tế sớm, phân loại sớm, thế nhưng lại không triển khai các trạm xá lưu động ở dưới cấp xã, phường này để cho người dân được tiếp cận y tế nhanh nhất, sớm nhất, ngay tại cơ sở xã phường, thì trấn thì mới giảm tử vong, giảm ca chuyển nặng, giảm ách tắc tuyến trên. Nói rất hay cứ là 3 tuyến, 4 tuyến nhưng tổ chức thực hiện 3 tuyến 4 tuyến thế nào thì lại không có. Đây là điểm mấu chốt, xét nghiệm thì nói năm lần, năm bảy vòng nhưng mà 5 - 7 vòng trong vòng cả 2 tháng giãn cách thì có ý nghĩa gì? Đây là điểm yếu mà các đồng chí nhanh chóng phải khắc phục". 

Với tỉnh Tiền Giang, Thủ tướng hỏi sâu hơn về việc các ca tử vong trên địa bàn. Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, một số lý do khiến có nhiều ca tử vong, như số bệnh nhân chuyển nặng chiếm tỉ lệ lớn, trong khi số lượng máy thở hạn chế, đặc biệt là khi chưa hoàn thiện được bệnh viện dã chiến và Trung tâm Hồi sức COVID-19 (ICU).

Những ngày gần đây, sau khi các bệnh viện dã chiến và ICU đi vào hoạt động, công tác sàng lọc tại tầng 1 và tầng 2 tốt hơn, trang thiết bị và đội ngũ y tế đầy đủ hơn, thì số ca tử vong giảm.

Chủ tịch Tiền Giang cũng cho biết, tỉnh đã có 2 xã triển khai điều trị F0 tại nhà. Trong khi đó, Tiền Giang hiện có 37 xã, phường, thị trấn nguy cơ cao và rất cao, cần phải triển khai trạm y tế lưu động. Thủ tướng cho biết, việc Tiền Giang chuyển từ vùng “xanh” sang “đỏ” hết sức quan ngại.

Khống chế dịch trước 30/9

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, tại Kiên Giang, trong đợt dịch thứ 4 đến nay, ghi nhận tích lũy 3.034 ca mắc, 25 ca tử vong. Trong 7 ngày qua, ghi nhận 1.217 ca, trong đó có 776 ca ghi nhận tại cộng đồng. So với tuần trước đó, số ca mắc tăng 559, số ca tại cộng đồng tăng 203 ca. 

Các điểm cầu họp trực tuyến giữa Chính phủ với 2 tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 07 huyện có nguy cơ rất cao, 03 huyện có nguy cơ cao và 05 huyện đang ở trạng thái bình thường mới. Tại cấp xã, có 20/144 xã có nguy cơ rất cao, 32/144 xã có nguy cơ cao, 01/144 xã có nguy cơ và 91/144 xã ở trạng thái bình thường mới.

Còn tại Tiền Giang, kể từ khi bùng phát đợt dịch thứ 4 đến nay, ghi nhận tích lũy 12.205 ca mắc, 299 ca tử vong. Từ ngày 29/6/2021, trung bình có 190 ca/ngày, cao nhất là 234 ca/ngày. Trong 7 ngày qua, Tiền Giang ghi nhận 1.139 ca, trong đó có 138 ca ghi nhận tại cộng đồng.

Thủ tướng bày tỏ chưa hài lòng với công tác phòng, chống dịch của lãnh đạo 2 tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang, nhất là ở cơ sở vẫn chưa nắm chắc tình hình, không đưa ra được mục tiêu, giải pháp cụ thể. Nhận thức chưa đầy đủ để thực hiện xã, phường, thị trấn là pháo đài, người dân là chiến sĩ trong phòng, chống dịch.

Việc tổ chức thực hiện bị động, lúng túng, không chặt chẽ, chưa khoa học, chưa phù hợp diễn biến dịch bệnh tại địa phương. Theo Thủ tướng, đây chính là nguyên nhân khiến giãn cách kéo dài mà không đạt mục tiêu.

Thủ tướng yêu cầu 2 tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang phải đặt ra mục tiêu cụ thể, rõ ràng về thời gian kết thúc giãn cách và các tiêu chí cần đạt để kiểm soát dịch bệnh, các giải pháp để đạt mục tiêu. “Phải kiểm soát dịch bệnh càng sớm càng tốt, cố gắng chậm nhất là ngày 30/9”, Thủ tướng yêu cầu.