Lệnh cấm nhập khẩu của Biden cắt đứt cơn bùng nổ năng lượng mặt trời tại Mỹ
Chính quyền của ông Biden nói rằng lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm làm từ silica của một công ty ở Tân Cương, Trung Quốc sẽ không ảnh hưởng đến ngành năng lượng mặt trời đang bùng nổ tại Mỹ.
Nhưng một số nhà phân tích không chắc chắn về điều này. Họ cho rằng sẽ có những tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời của Mỹ.
Mỹ đang cấm nhập khẩu các sản phẩm làm từ silica sản xuất tại công ty Hoshine Silicon Industry Co., Ltd và các công ty con của nó. Hoshine có trụ sở tại Tân Cương và đang bị Nhà Trắng cáo buộc rằng công ty đang sử dụng lao động cưỡng bức để sản xuất các sản phẩm làm từ silica.
Lệnh cấm của Mỹ gồm cả các sản phẩm được sản xuất bên ngoài nước Mỹ nhưng sử dụng vật liệu của Hoshine, bao gồm các tấm pin mặt trời sản xuất bằng polysilicon từ Hoshine.
Nhà Trắng cho biết: "Việc Trung Quốc sử dụng lao động cưỡng bức ở Tân Cương là một phần trong các vụ lạm dụng có hệ thống với các nhóm dân tộc thiểu số và tôn giáo khác... Giải quyết những lạm dụng này sẽ vẫn là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Biden-Harris".
Lệnh cấm của chính quyền Mỹ khiến công ty First Solar được hưởng lợi. Ảnh: EcorePorter.
Trung Quốc kịch liệt chỉ trích lệnh cấm và cáo buộc Mỹ đang cố gắng làm tê liệt ngành công nghiệp của Tân Cương.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - ông Triệu Lập Kiên phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 24/6: “Trung Quốc lên án mạnh mẽ các biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp đặt đối với các công ty Trung Quốc dựa trên sự dối trá và thông tin sai lệch".
Ông này nói thêm: "Từ bông cho đến quang điện, từ nông nghiệp đến công nghiệp, phía Mỹ sử dụng nhân quyền như một thứ ngụy trang để làm tất cả những gì có thể khiến sự phát triển công nghiệp ở Tân Cương bị tê liệt".
Theo Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa Mỹ Alejandro Mayorkas, lệnh cấm của Mỹ sẽ không làm lệch hướng các mục tiêu năng lượng sạch của chính quyền: "Các mục tiêu về môi trường của chúng tôi sẽ không đạt được ở trên lưng những con người trong môi trường lao động cưỡng bức".
Lệnh cấm có lợi cho công ty First Solar của Mỹ (NASDAQ: FSLR). Sau khi lệnh cấm được công bố, cổ phiếu của công ty đã tăng từ 80 USD vào ngày 23/6 lên 86 USD vào ngày 24/6.
Nhà phân tích Jeff Osborne của công ty dịch vụ tài chính Cowen & Co coi tin tức về lệnh cấm "là một điều tích cực đối với First Solar vì họ không sử dụng polysilicon".
Tuy nhiên, công ty tài chính & bảo hiểm Roth Capital Partners cho rằng lệnh cấm sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi cung ứng trong ngành năng lượng mặt trời của Hoa Kỳ vì mọi nhà nhập khẩu mô-đun năng lượng mặt trời sẽ phải chứng minh rằng họ không nhập khẩu các sản phẩm được làm bằng vật liệu của Hoshine.
Nhà phân tích Johannes Bernreuter thuộc Bernreuter Research cũng có cùng quan điểm. Theo Bernreuter, tất cả tám nhà sản xuất polysilicon lớn nhất thế giới đều là khách hàng của Hoshine.
Một bản tóm tắt chính sách từ Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE) trong tháng này cho biết khu vực Tân Cương có vị trí thống trị toàn cầu về polysilicon, chiếm gần một nửa sản lượng toàn cầu.
Hiệp hội Công nghiệp Năng lượng Mặt trời Mỹ (SEIA) hoan nghênh quyết định của chính quyền tổng thống Biden về việc cấm các vật liệu làm tấm pin mặt trời có nguồn gốc từ Hoshine. SEIA dẫn đầu nỗ lực trong toàn ngành - nhằm tạo ra khả năng truy xuất nguồn gốc chuỗi cung ứng, để đảm bảo sản phẩm không liên quan tới lao động cưỡng bức ở bất kỳ nơi nào trên thế giới.
Báo cáo Khảo sát Thị trường Năng lượng Mặt trời 2021 quý 2 từ SEIA và Wood Mackenzie cho thấy, ngành năng lượng mặt trời của Mỹ đang phá kỷ lục, lắp đặt 5 gigawatts (GW) công suất mới trong quý đầu tiên, tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năng lượng mặt trời chiếm 58% tổng công suất sản xuất điện mới được bổ sung ở Mỹ trong quý 1 năm 2021, trong đó điện gió chiếm phần lớn công suất còn lại.
Nhìn chung, thị trường năng lượng mặt trời của Mỹ đã vượt qua 100 gigawatts (GWdc) công suất phát điện được lắp đặt, tăng gấp đôi quy mô của ngành trong 3,5 năm qua. WoodMac dự kiến 160 GW công suất điện mặt trời sẽ được lắp đặt tại Mỹ từ năm 2021 đến năm 2026, nâng tổng công suất quang điện được lắp đặt lên hơn 250 GW vào cuối năm 2026.
Tuy nhiên, báo cáo cũng lưu ý sự tăng vọt gần đây về giá nguyên liệu thô, đặc biệt là đối với polysilicon, một phần của lệnh cấm nhập khẩu nguyên liệu có nguồn gốc từ Hoshine.
Báo cáo của SEIA/Wood Mackenzie cho biết: “Sự gia tăng tổng hợp chi phí trên tất cả các vật liệu bắt đầu vào cuối Q1 và đang bắt đầu ảnh hưởng đến những nhà lắp đặt".
Tăng chi phí trên toàn bộ chuỗi giá trị năng lượng mặt trời, cùng với lệnh cấm đối với các vật liệu chế tạo pin mặt trời có nguồn gốc từ Tân Cương, có thể có tác dụng hạ nhiệt cho thị trường năng lượng mặt trời đang nóng tại Mỹ trong những quý tới.
Tiệp Nguyễn