Leo thang thương mại: Dự báo kinh tế Mỹ giảm 1% đầu năm tới
Sự bất ổn từ các cuộc cạnh tranh thương mại giữa Mỹ với nhiều nước sẽ khiến GDP của nền kinh tế số một thế giới giảm 1% đầu năm tới.
Các chuyên gia Fed chỉ rõ sự bất ổn gia tăng mạnh từ năm 2018 liên quan chặt chẽ đến tình trạng giảm sút sản xuất công nghiệp và thương mại toàn cầu.
Do tình trạng leo thang căng thẳng thương mại tái diễn nhiều lần, dự kiến sự bất ổn sẽ gia tăng tác động đối với GDP của Mỹ trong suốt đầu năm 2020, dẫn tới mức giảm 1%.
Nghiên cứu trên tập trung đánh giá sự bất ổn thông qua số liệu về thuế và thương mại trong các cuộc họp của các công ty và giới truyền thông, theo đó cũng nhận thấy sự suy giảm GDP tương tự tại nhiều nền kinh tế phát triển và mới nổi.
Các nhà nghiên cứu Fed nhận định nếu tránh được căng thẳng thương mại leo thang vào tháng 5 và 6 vừa qua thì có lẽ những tác động tiêu cực của tình trạng bất ổn đã bắt đầu giảm nhẹ. Tuy nhiên, bất ổn tái diễn từ tháng 5 đã gây ra hiệu ứng dây chuyền và có khả năng khiến GDP của Mỹ giảm hơn nữa trong nửa cuối năm 2019 và trong năm 2020.
Hồi năm ngoái, nhiều chuyên gia kinh tế đã cảnh báo việc Tổng thống Mỹ Donald Trump "khơi mào" các cuộc cạnh tranh thương mại với Trung Quốc và châu Âu đe dọa gây tổn hại tăng trưởng kinh tế toàn cầu vốn đã có dấu hiệu giảm tốc.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ bác bỏ nhận định này và cho rằng những công ty hoạt động yếu kém và chính sách lãi suất của Fed là nguyên nhân khiến kinh tế Mỹ giảm sút. Ông Trump nhấn mạnh nước Mỹ không có vấn đề về thuế, mà vấn đề chính là Fed.
Theo số liệu được điều chỉnh của Bộ Thương mại Mỹ, trong giai đoạn từ tháng 4-6/2019, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ đã tăng 2%, giảm đôi chút so với mức ước tính ban đầu 2,1% và thấp hơn mức mục tiêu tăng 3% do Tổng thống Donald Trump đề ra.
Trước đó, ngày 26/7, Bộ Thương mại Mỹ công bố báo cáo cho biết tăng trưởng GDP của nước này chỉ đạt 2,1% trong quý II năm 2019, giảm đáng kể từ mức 3,1% trong quý I/2019, do hoạt động chế tạo và xuất khẩu đều suy giảm.
Các nhà đầu tư ngày càng lo ngại rằng nguy cơ suy thoái trong phần còn lại trên thế giới và tình trạng bất ổn xuất phát từ Brexit sẽ lan sang nền kinh tế Mỹ, vốn đang chịu tác động bởi xung đột thương mại với Trung Quốc.
Các số liệu trên cũng cho thấy sự chia rẽ ngày càng tăng giữa người tiêu dùng và các doanh nghiệp lớn, vốn đã giảm mạnh đầu tư vào các nhà máy mới khi cuộc chiến thương mại với Trung Quốc làm lung lay niềm tin của họ, phá vỡ chuỗi cung ứng và làm giá gia tăng.
Trong khi đầu tư vào cơ sở hạ tầng đã ở mức yếu nhất trong hơn 3 năm và doanh thu từ khách du lịch nước ngày một suy giảm, thì chi tiêu tiêu dùng cho các hàng hóa không lâu bền tăng mạnh nhất kể từ năm 2003.
Tổng thống Trump đã nhiều lần phủ nhận nền kinh tế Mỹ đang suy yếu hoặc tìm cách đổ lỗi cho Fed đã không cắt giảm lãi suất đủ mạnh. Nhiều nhà kinh tế lo ngại với lãi suất vốn rất thấp, Fed sẽ có ít cơ hội để điều chỉnh nếu suy thoái xảy ra./.