Lịch sử Cốc Cốc: Google “Make in Vietnam”, thành công nhờ hiểu người Việt

Quỳnh Trang 20:41 | 17/11/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Cốc Cốc là một công cụ tìm kiếm được sử dụng nhiều thứ 2 tại Việt Nam, chỉ sau Google. Cũng giống như bộ phim “The Social Network” nổi tiếng nói về việc Mark Zuckerberg sáng tạo ra Facebook ngay trên giảng đường, Cốc Cốc cũng được thai nghén trong những đêm lạnh mùa đông tuyết rơi tại Ký túc xá Đại học Tổng hợp Quốc gia Moscow (Liên bang Nga), nơi 3 chàng trai trẻ Nguyễn Thanh Bình, Lê Văn Thanh và Nguyễn Đức Ngọc theo học.

Khởi nghiệp bằng…  niềm tin

Trong quá trình tìm tài liệu học tập trên cỗ máy tìm kiếm khổng lồ Google, 3 chàng trai trẻ Bình, Thanh và Ngọc nhận ra tìm kiếm bằng tiếng Việt cho ra kết quả kém hơn phiên bản tiếng Nga. Còn người Nga lại ít dùng Google, họ chuộng sử dụng công cụ tìm kiếm trong nước Yandex. Ngay lúc này, câu hỏi đặt ra là “Tại sao không tạo dựng một ‘cỗ máy tìm kiếm’ cho người Việt thay thế Google trên chính sân nhà?”

Năm cuối của đại học, cả ba quyết định đầu quân cho Công ty Công nghệ Nigma.ru chuyên phát triển công cụ tìm kiếm của Nga. Lý do họ đầu quân vào đây là muốn tích lũy thêm kinh nghiệm, kiến thức làm nền tảng cho dự án của mình và cả kiếm thêm thu thập, điều mà phần lớn du học sinh đều làm.

Ba sáng lập viên của Cốc Cốc

Hồ sơ ứng tuyển của họ may mắn “lọt mắt xanh” của Victor Lavrenko, một nhà quản lý của Nigma.ru. Bản thảo về một công cụ tìm kiếm và trình duyệt bằng tiếng Việt của họ được Victor rất thích thú và ông còn tư vấn cho họ về quá trình xây dựng, phát triển Cốc Cốc sau này.

Thời điểm họ trở về Việt Nam, những dự án công cụ tìm kiếm tại Việt Nam như Timnhanh, xalo, hoatieu, socbay… đều đã “ngã ngựa”. Song điều này không làm những nhà sáng lập của Cốc Cốc lùi bước. Năm 2010, Cốc Cốc được thành lập.

Nhớ lại những ngày đầu thành lập Cốc Cốc, anh Thanh từng chia sẻ: “Khi quyết định thành lập công ty, chúng tôi không có tiền, không có nhân viên và cả tên thương hiệu. Thứ duy nhất chúng tôi có là niềm tin vào sự thành công của dự án.”

Tạo ra một cánh cổng kết nối người Việt đi muôn phương bằng công nghệ và sử dụng tiếng Việt là mục tiêu của Bình, Thanh và Ngọc. Công cụ tìm kiếm bằng tiếng Việt nhanh hơn, chính xác hơn Google là điều họ hướng tới. Nhưng thuật toán, tài chính, kinh nghiệm họ đều không có. Những tưởng dự án sẽ chết yểu ngay từ ban đầu.

“Chúng tôi có nhiều lựa chọn tốt hơn rất nhiều như đi học tiếp ở nước ngoài và làm việc cho các công ty công nghệ lớn. Việc về Việt Nam để mở công ty, với chỉ 3 người làm dường như không phải là lựa chọn tốt và bền vững, nhất là khi trước đó, rất nhiều công ty Việt Nam đã thất bại khi làm về máy tìm kiếm. Thứ duy nhất chúng tôi có là niềm tin vào sự thành công của dự án”, Lê Văn Thanh chia sẻ

Có lẽ, điều may mắn đối với nhóm là luôn có sự tin tưởng của Victor Lavrenko vào tiềm năng Dự án và sau này trở thành CEO của Cốc Cốc. Chính Victor Lavrenko đã thuyết phục các nhà đầu tư Nga bỏ vốn vào dự án của họ. Công cụ tìm kiếm Cốc Cốc được hình thành và dần gây ấn tượng với các nhà đầu tư, củng cố niềm tin khi dần gỡ được các bài toán khó về công nghệ mà các nhà phát triển trước đó đã bó tay. Nhóm dự án được nhận thêm những khoản đầu tư và cả sự giúp đỡ để mang về những kỹ sư tài năng trên thế giới.

Đầu năm 2013, thị trường ICT Việt Nam đã xuất hiện 2 sản phẩm chính của Cốc Cốc là công cụ tìm kiếm Cốc Cốc và trình duyệt Cốc Cốc. Sản phẩm trình duyệt dựa trên nền tảng chromium (nền tảng nguồn mở cho trình duyệt mà Google, Opera… sử dụng), với tiêu chí là tập trung xây dựng cũng như phát triển trình duyệt của người Việt dành riêng cho người Việt. Cốc Cốc lọt vào top 5 trình duyệt phổ biến nhất Việt Nam chỉ trong vòng 2 tháng sau khi ra mắt vào tháng 5/2013.

Trong năm đầu tiên, Cốc Cốc đã tập trung nghiên cứu những nhu cầu đặc trưng của người dùng Việt Nam và lần lượt tung ra hàng loạt tiện ích phù hợp với thị trường hơn 93 triệu dân này: Như dùng công nghệ download của IDM nhanh hơn đến 8 lần trong điều kiện tiêu chuẩn, truy cập Facebook dễ dàng mà không cần phải đổi DNS, hay tự động thêm dấu giúp tăng tốc độ gõ phím từ 20 đến 50%, phát hiện lỗi chính tả và đề xuất cách viết đúng với độ chính xác xấp xỉ 94%...

Còn trên công cụ tìm kiếm Cốc Cốc, người dùng cũng có thể quy đổi đơn vị đo lường, tỷ giá ngoại tệ, tra từ điển Anh - Việt bằng cách nhấp đúp chuột lên từ cần tra, giúp người dùng đọc tiếng Anh thuận tiện hơn, không cần cài thêm phần mềm từ điển, thậm chí tỏ ra “hiểu người Việt” chính xác hơn cả công cụ đang phổ biến là Google Translate…

Năm 2014, Cốc Cốc vượt qua Internet Explorer của Microsoft và trở thành trình duyệt được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam, chỉ sau trình duyệt của Google.

Khẳng định sức mạnh của công nghệ Việt Nam

Mới đây, Cốc Cốc đã thu về thắng lợi lớn tại Sao Khuê 2021 - giải thưởng công nghệ thông tin danh giá thường niên tại Việt Nam. Dù lần đầu tiên tham gia, Cốc Cốc đã vượt qua nhiều đối thủ đáng gờm để thắng trọn 4 giải đề cử và lọt top 10 Sao Khuê 2021.

Nền tảng quảng cáo Cốc Cốc dẫn đầu lĩnh vực Quảng cáo, tiếp thị và truyền thông số và ghi danh top 10 Sao Khuê 2021

Với hơn 13.000 khách hàng và hơn 20.000 chiến dịch/tháng, nền tảng quảng cáo Cốc Cốc khẳng định chất lượng khi được vinh danh trong lĩnh vực Quảng cáo, tiếp thị và truyền thông. Là một trong số ít các sản phẩm công nghệ tiên phong “Make in Vietnam”, Cốc Cốc vẫn giữ vững vị trí là trình duyệt phổ biến thứ 2 tại Việt Nam với hơn 25 triệu người dùng - tương đương gần một nửa số người dùng Internet cả nước.

Bí quyết của Cốc Cốc là áp dụng những nền tảng công nghệ hàng đầu thế giới để xây dựng bộ tính năng phù hợp với người dùng Việt. Xuất phát từ mã nguồn mở Chromium có tính bảo mật cao, Cốc Cốc đã chủ động áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến khác như học máy và trí tuệ nhân tạo… để phát triển nhiều tính năng dành riêng cho người dùng Việt như tải file nhanh, kiểm tra và sửa lỗi chính tả...

Thành công của trình duyệt Cốc Cốc là nhờ các tính năng an toàn, hiệu quả dành riêng cho người Việt

Dịch COVID-19 bùng phát khiến cho học tập trực tuyến trở thành xu hướng mới. Tuy nhiên, thực trạng “cung chưa đủ cầu” khiến không ít phụ huynh, học sinh và cả giáo viên gặp khó khăn khi phải tra cứu tài liệu ở nhiều nguồn khác nhau, chưa có hệ thống.

Sự ra đời của Cốc Cốc Học tập đã phần nào giúp giải quyết bài toán đó. Là cụm tính năng về học tập được tích hợp sẵn và hoàn toàn miễn phí trên công cụ tìm kiếm ở Việt Nam, Cốc Cốc Học tập mang tới các công cụ hỗ trợ việc học như dịch, kiểm tra chính tả, đổi đơn vị, tra cứu giải bài tập và video gia sư...

Cốc Cốc Học tập hiện thu hút tới hơn 90.000 lượt truy cập mỗi ngày nhờ vào sự đơn giản, tiện lợi và hoàn toàn miễn phí

Giành giải thưởng trong lĩnh vực Bảo mật và an toàn thông tin, tính năng Duyệt web an toàn nâng cấp của Cốc Cốc là cái tên đi đầu trong việc bảo vệ người dùng khỏi những hiểm họa trên mạng. Tính năng này có khả năng ngăn chặn các trang web xấu được tổng hợp bởi chính đội ngũ phát triển cùng danh sách cảnh báo từ nhiều nguồn khác nhau như Google, Trung tâm giám sát an ninh mạng quốc gia… Đặc biệt, người dùng có thể trực tiếp báo cáo những website “nghi ngờ” cho Cốc Cốc để kiểm tra và cảnh báo tới người dùng khác.

Thời gian qua Cốc Cốc là tấm gương sáng củng cố thêm niềm tin cho các dự án khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam. Một lần nữa khẳng định trình độ kỹ thuật của người Việt không hề thua kém các nước trên thế giới và họ hoàn toàn có khả năng làm chủ công nghệ trên sân nhà của mình.