Doanh thu của ByteDance - chủ sở hữu TikTok dự kiến mức tăng 60% trong năm 2021
Phần lớn doanh thu đến từ ứng dụng nội địa Douyin, phiên bản tiếng Trung dành riêng cho thị trường Trung Quốc của TikTok và trang tổng hợp tin tức Jinri Toutiao.
ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh đã mở rộng ảnh hưởng toàn cầu của mình vào tháng trước. Hiện nay, TikTok và Douyin tại thị trường Trung Quốc vẫn tiếp tục giữ vị trí là ứng dụng không phải trò chơi điện tử được tải xuống nhiều nhất.
Theo dữ liệu mới nhất do công ty theo dõi ứng dụng Sensor Tower tổng hợp cho thấy TikTok và Douyin cùng có 57 triệu lượt tải xuống trên toàn thế giới trong tháng 10. Douyin chỉ phát hành ở thị trường Trung Quốc, đóng góp 17% số lượt cài đặt mới, trong khi đó số người dùng tại Mỹ chiếm 11%. Xếp thứ 2 là Instagram, ứng dụng mạng xã hội của Facebook với hơn 56 triệu lượt tải xuống trong tháng 10, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù ghi nhận 57 triệu lượt tải xuống của TikTok và Douyin, nhưng con số này của ứng dụng TikTok vẫn cho thấy sự sụt giảm khi so với cùng kỳ năm trước là 66 triệu lượt tải xuống. Tuy nhiên ứng dụng cho đăng tải các đoạn video ngắn này vẫn rất phổ biến trên toàn thế giới bất chấp các quy định có phần nghiêm ngặt hơn ở Trung Quốc, Mỹ và lệnh cấm sử dụng TikTok ở Ấn Độ.
Nhiều nhà lập pháp tại Mỹ đang cảnh báo rằng công ty mẹ ở Bắc Kinh của ứng dụng này đang thực hiện thu thập nhận dạng sinh trắc học và thông tin sinh trắc học từ hàng chục triệu người sử dụng ứng dụng này tại Mỹ.
Tại phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ, Quản lý chính sách công của TikTok tại Mỹ, Michael Beckerman đã khẳng định công ty này không chia sẻ thông tin, dữ liệu người dùng tại Mỹ với chính phủ Trung Quốc.
Bên cạnh đó, ứng dụng Douyin tại thị trường Trung Quốc có khoảng 600 triệu tài khoản hoạt động hàng ngày cũng đang phải đối mặt với các yêu cầu ngày càng khắt khe về các quy định trong nước do chính sách thắt chặt kiểm soát đối với nền kinh tế số đang bùng nổ tại đất nước này.
Dự thảo các quy định mới về sử dụng Internet do Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) mới công bố gần đây đã đưa ra quy định cho các công ty công nghệ lớn có trụ sở, trung tâm nghiên cứu và trung tâm hoạt động ở nước ngoài sẽ phải báo cáo với các cơ quan quản lý ở trong nước.
TikTok đã phải đối mặt với sóng gió từ cả Washington và Bắc Kinh kể từ mùa hè năm 2020, khi Tổng thống Mỹ đương nhiệm lúc đó Donald Trump đe doạ sẽ cấm ứng dụng này nếu ByteDance Trung Quốc không chấp nhận thoái vốn hoàn toàn khỏi TikTok. Sau đó, lệnh này đã được tổng thống Mỹ hiện tại là Joe Biden thu hồi lại với loạt ứng dụng như Wechat , TikTok vào tháng 6. Hành động này đã mở đường cho TikTok thu hút được thêm nhiều người dùng và các nhà quảng cáo tại Mỹ. Vào cuối tháng 9, theo báo cáo, có 1 tỷ tài khoản TikTok hoạt động trên toàn cầu.
Thu Hằng (theo SCMP)