Liên kết phát triển TP Hồ Chí Minh và vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Phát biểu tại diễn đàn, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long vừa trải qua những giai đoạn khó khăn nhất, chống chọi với dịch COVID-19. Đến nay, khi dịch bệnh được cơ bản kiểm soát. Trong bối cảnh đó, diễn đàn Mekong Connect 2021 nhằm tìm giải pháp phục hồi kinh tế cho năm 2022 và liên kết phát triển trong điều kiện bình thường mới.
Khu vực Mekong dồi dào nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo, có lợi thế phát triển kinh tế biển, có hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh. Còn TP Hồ Chí Minh là trung tâm thương mại lớn của cả vùng với 80% nguồn cung cho thị trường đến từ Đồng bằng sông Cửu Long.
Giữa thành phố với Đồng bằng sông Cửu Long đã có mối liên kết phát triển về: hạ tầng giao thông, về nguồn nhân lực, chuỗi sản xuất kinh doanh, về kinh tế biển,kết nối năng lượng-du lịch-hàng không, hệ sinh thái khởi nghiệp và liên kết công nghiệp hỗ trợ, bình ổn cũng như phát triển thị trường…
Đặc biệt, trong giai đoạn khó khăn nhất của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, sự liên kết này lại càng được phát huy thể hiện trong việc chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống dịch, cùng giúp nhau các nguồn lực y tế, nhân lực, thống nhất trong cách ứng xử phòng, chống dịch để nhanh chóng kiểm soát tình hình dịch bệnh, ổn định và phục hồi kinh tế.
Theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, diễn đàn Mekong Connect thảo luận, rà soát lại những vấn đề quan tâm đến lợi ích và tác động đến mối liên kết phát triển giữa các địa phương để cùng kiến nghị Trung ương có chính sách phù hợp, đảm bảo sát với thực tiễn triển khai; trong đó, có mối liên kết giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long. Sau kết quả của các phiên thảo luận và tổng kết diễn đàn, các địa phương sẽ cùng đưa ra những cam kết, tuyên bố chung bằng những sản phẩm, hoạt động hết sức cụ thể để cùng thống nhất hành động.
Với thuận lợi về vị trí địa lý, kết nối giao thông, TP Hồ Chí Minh là nơi tập trung các nguồn lực phát triển, cả nhân lực, vật lực, cả tại chỗ và bên ngoài, thành phố luôn xem các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long là đối tác phát triển và luôn sẵn sàng hỗ trợ các địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng, mong muốn từ năm 2021, TP Hồ Chí Minh sẽ tham gia chính thức là thành viên của Mekong Connect.
Sau diễn đàn Ban Tổ chức sẽ phân công đầu mối triển khai của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long; định kỳ hàng quý tổ chức sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm kết quả triển khai; kịp thời cập nhật, điều chỉnh các vấn đề chưa phù hợp, bất cập trong quá trình thực thi trên cơ sở phát huy cao nhất nội lực của các địa phương, khai thác hiệu quả sự hợp lực của các địa phương trong vùng để thúc đẩy kinh tế vùng nói chung và từng địa phương nói riêng.
Theo ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diễn đàn Mekong Connect 2021 là dịp lãnh đạo các địa phương và bộ ngành cùng trao đổi, thay đổi cách nhìn, quyết tâm thực hiện mối liên kết giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; trong đó, nhấn mạnh đến vai trò của cộng đồng doanh nghiệp. Hiện nay, nền nông nghiệp Việt Nam vẫn thiên về sản xuất, năng suất, sản lượng, quan tâm nhiều đến kế hoạch đầu vào nhưng lại chưa chú trọng kết nối đầu ra, tìm kiếm thị trường.
Vì thế, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Lê Minh Hoan cần phải thay đổi tư duy, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; trong đó không thể tách rời vai trò doanh nghiệp. Trong khi đó, về tư duy liên kết vùng, hiện nay vẫn đang tồn tại việc chia Đồng bằng sông Cửu Long là một thực thể kinh tế chứ không phải địa giới hành chính 13 tỉnh thành. Trong khi đó, Tp. Hồ Chí Minh có rất nhiều chương trình hợp tác với các tỉnh miền Tây. Vì vậy, cần thay đổi tư duy, cách tiếp cận để kinh tế nông thôn phát triển cũng như cao năng lực cho địa phương.
Theo đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, cần hình thành và phát triển mô hình đổi mới sáng tạo mở, hỗ trợ các doanh nghiệp cập nhật được xu thế công nghệ mới nhất, giải quyết những vấn đề trong quá trình tìm tòi và phát triển sản phẩm. Đối với Đồng bằng sông Cửu Long, đổi mới sáng tạo mở sẽ là giải pháp để huy động tối đa các nguồn lực nhằm phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của vùng. Cùng với đó, cần thiết phải hình thành thị trường khoa học và công nghệ cho Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là nhiệm vụ đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ...
Trong khuôn khổ diễn đàn diễn ra các phiên thảo luận về hợp tác công tư – công nông, liên minh các ngành; diễn biến thị trường và sức mua sau mùa dịch COVID-19, phục hồi kinh tế và chuỗi cung ứng hàng hóa giữa TP Hồ Chí Minh với Đồng bằng sông Cửu Long; chương trình giao lưu với các gương mặt doanh nông trẻ trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và hoạt động triển lãm thiết bị, máy móc, công nghệ nông nghiệp của Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long.