Thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ bền vững chuỗi lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sản xuất – tiêu thụ thuận lợi
Ông Nguyễn Văn Đoan, Trưởng Văn phòng đại diện Cục trồng trọt tại Tp. Hồ Chí Minh cho biết, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có điều kiện thuận lợi cho sản xuất lúa gạo, diện tích gieo trồng lúa gạo lớn, bình quân hàng năm khoảng 4 triệu ha, chiếm khoảng 56% tổng diện tích gieo trồng cả nước.Sản lượng lúa trung bình của vùng đạt khoảng 24 triệu tấn/năm, đóng góp hơn 90% sản lượng gạo xuất khẩu cả nước.
Theo ông Nguyễn Văn Đoan, những năm gần đây, mặc dù diện tích trồng giảm nhưng giá trị lúa gạo của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vẫn tăng lên nhờ nghiên cứu và phát triển được các giống lúa chất lượng cao, đặc sản. Tỷ lệ gạo chất lượng cao hiện chiếm gần 50%, gạo thơm đặc sản chiếm 30 - 35% tổng sản lượng gạo. Nhờ thay đổi cơ cấu giống lúa gạo mà giá gạo xuất khẩu Việt Nam ngày càng cao, hiện đạt trung bình ở mức 500 USD/tấn.
Ông Nguyễn Anh Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản vùng I,thông tin: Xuất khẩu gạo vào các thị trường lớn như Philippine đạt khoảng 2,5 triệu tấn (tăng 35% so với cùng kỳ năm 2021), Trung Quốc hơn 626.000 tấn (giảm 26%), Bờ Biển Ngà gần 547.000 tấn (tăng gần 89%); các thị trường khác như Malaysia, Indonesia, Papua New Guinea cũng đều tăng nhập khẩu so với năm 2021.
Theo ông Nguyễn Anh Dũng, nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc, các nước châu Phi trong những tháng tới dự báo sẽ sôi động hơn do ảnh hưởng bởi chính sách hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ, tình trạng thời tiết mưa bão, lũ lụt tại các nước xuất, nhập khẩu gạo lớn cũng như nhu cầu nhập khẩu chuẩn bị cho thời điểm năm mới cũng bắt đầu. Giá lúa gạo nội địa dự báo sẽ giữ vững hoặc nhích nhẹ.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá chào bán gạo xuất khẩu 5% tấm đang ở mức 428 USD/tấn, gạo 25% tấm ở mức 408 USD/tấn. So với thời điểm trước khi Ấn Độ ban hành chính sách hạn chế xuất khẩu gạo thì giá xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam tăng trung bình khoảng 30 USD/tấn. Xuất khẩu gạo của Việt Nam những tháng cuối năm và đầu năm 2023 sẽ thuận lợi, giá gạo trong ngắn hạn vẫn duy trì ở mức cao do những bất ổn về kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nhu cầu thu mua lương thực tăng lên.
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản cho biết, ViệtNam là một trong số ít các nước vẫn giữ được đà tăng trưởng trong xuất khẩu gạo (năm sau cao hơn năm trước). Nếu khai thác tốt các cơ hội từ việc hạn chế xuất khẩu gạo trắng của Ấn Độ và xu hướng mua trữ gạo thay thế lúa mì ở một số quốc gia khác, xuất khẩu gạo cả năm 2022 có thể đạt 7 triệu tấn.
Về thị trường, các doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm tới Trung Quốc. Đây vốn là thị trường lớn và tiềm năng của nông sản Việt cả trong quá khứ lẫn hiện tại. Quốc gia đông nhất thế giới đang có nhiều thay đổi lớn về các yêu cầu nhập khẩu từ kiểm dịch thực vật, quy định đóng gói, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng. Mỗi năm, Trung Quốc cần nhập khoảng 5,3 triệu tấn gạo, hiện có 22 doanh nghiệp Việt Nam đang được cấp phép xuất gạo vào Trung Quốc nhưng mỗi năm chỉ được xuất khẩu với hạn mức nhất định. Hải quan Trung Quốc hiện có thể truy xuất rõ ràng sản lượng, hạn mức của từng doanh nghiệp được cấp phép nên các đơn vị xuất khẩu cần lưu ý tuân thủ.
Theo ông Lê Thanh Hoà, bên cạnh Trung Quốc, EU và Anh cũng là hai thị trường quan trọng và có tiềm năng lớn, sau khi Anh tách khỏi EU, nước ngày đã cấp hạn ngạch nhập khẩu gạo Việt Nam hàng năm tương đương với hạn ngạch mà EU cấp theo Hiệp định thương mại tự Việt Nam – EU. Để tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do và hạn ngạch xuất khẩu, các doanh nghiệp xuất khẩu cần có sự liên kết chặt chẽ với các đơn vị thu mua, chế biến để đáp ứng các chứng nhận, tiêu chuẩn kỹ thuật,…của thị trường nhập khẩu.
Phát triển chuỗi bền vững
Ông Phan Minh Thông , Giám đốc Trung tâm Phát triển Bền vững Nông nghiệp Nông thôn, cho biết: Mặc dù sản xuất lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long đã đạt được nhiều tiến bộ, năng suất cao nhưng vẫn còn một số hạn chế như sử dụng lượng giống sạ còn cao, thời gian xuống giống kéo dài, chưa an toàn với né rầy, hạn, mặn và mưa lũ. Nguồn cung vật tư đầu vào chưa đảm bảo chất lượng, sử dụng cũng chưa tiết kiệm; liên kết giữa nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp chưa chặt chẽ và thiếu thốn kho bãi chứa lúa khi vào vụ. Mặt khác, chuỗi liên kết xây dựng thương hiệu lúa gạo ở thị trường nội địa và quốc tế vẫn còn rất ít. Số lượng gạo được bao tiêu trực tiếp thông qua hợp đồng còn hạn chế và tỷ lệ phá vỡ hợp đồng cao.
Cùng quan điểm, ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang cho rằng, về kỹ thuật canh tác và giống lúa Đồng bằng sông Cửu Long đang đi đầu cả nước, có sự tiến bộ rất nhanh, đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên khó khăn lớn nhất là liên kết chuỗi.
Ngoài một số chuỗi liên kết lúa gạo triển khai hiệu quả của Tập đoàn Lộc Trời, Tập đoàn Tân Long…việc liên kết doanh nghiệp – nông dân còn hạn chế do khó thoả thuận về giá, lợi nhuận của nông dân chưa tương xứng. Bên cạnh đó, phương thức thanh toán khi thu mua lúa cũng còn bất cập khi doanh nghiệp có tiền, có tài khoản nhưng không thanh toán được cho nông dân vì họ chưa quen với ngân hàng số. Nông dân vẫn có tâm lý muốn nhận tiền mặt ngay sau khi bán lúa, buộc doanh nghiệp phải mang theo số tiền lớn, dễ rủi ro…
Để chuỗi liên kết đạt kết quả, sau mỗi mùa vụ, ngành nông nghiệp An Giang đều mời các bên liên quan ngồi lại với nhau chia sẻ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân tham gia chuỗi liên kết cần thực hiện đúng cam kết.
Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ nêu thực trạng việc liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa doanh nghiệp và người dân tại địa phương không nhiều, đa phần doanh nghiệp sẽ thu mua thông qua bên trung gian như thương lái. Thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố xuất hiện tình trạng thương lái thu mua lúa gạo số lượng ít, nhưng với giá cao hơn hẳn so với thị trường, tạo ra sự nhiễu loạn thị trường và gây nhiều khó khăn trong việc liên kết thu mua giữa doanh nghiệp và nông dân.
Do đó, ông Trần Thái Nghiêm đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương định kỳ công bố giá lúa tươi, lúa khô trong vụ thu hoạch để các đơn vị thu mua và nông dân tham khảo. Qua đó, tránh được sự nhiễu loạn trong thị trường, cũng như tạo dựng niềm tin giữa doanh nghiệp và nông dân.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Green Stars (chuyên sản xuất các sản phẩm phân bón hữu cơ và các sản phẩm sinh học, xây dựng quy trình cho từng nhóm cây trồng) chiasẻ: Thời gian vừa qua, công ty cùng với cơ quan quản lý ngành Nông nghiệp một số tỉnh, thành triển khai vùng sản xuất lúa an toàn. Qua thời gian thực hiện tại các tỉnh khác nhau và các vụ canh tác khác nhau thì chi phí đầu tư của bà con nông dân bình quân giảm 10-15% tùy vào từng vùng canh tác, từng vụ; và bình quân lợi nhuận của bà con tăng 8-10%.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có những khó khăn tương đối giống nhau qua các vùng như: thói quen canh tác truyền thống khó chuyển từ sử dụng các sản phẩm hóa chất sang các chế phẩm sinh học để bảo vệ sức khoẻ và môi trường. Việc thu mua sản phẩm đầu ra cho nông dân còn khá là khó khăn, chưa ổn định do chưa có doanh nghiệp mạnh dạn đứng ra bao tiêu hoặc diện tích canh tác nhỏ lẻ dẫn đến phải bán ra bên ngoài cho thương lái. Mong muốn của công ty là được gắn kết với các doanh nghiệp chế biến - xuất khẩu lúa gạo để tạo niềm tin và ổn định cho bà con nông dân yên tâm sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu lúa, gạo chất lượng cao cho thị trường và xuất khẩu.
Ngoài vấn đề liên kết, nhiều đại biểu cũng nhấn mạnh các địa phương cần đẩy nhanh việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào canh tác nhằm giảm lượng giống, lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên mỗi diện tích, tiết kiệm chi phí nhân công giúp hạ giá thành, tăng lợi nhuận cho nông dân, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho lúa gạo Việt Nam trên thị trường thế giới./.